Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp với dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Đáng chú ý, nhiều mức phạt được đề xuất tăng cao (gấp 16 - 30 lần) so với quy định hiện hành.
Theo đó, hành vi báo cháy giả, báo tình huống cần phải cứu nạn, cứu hộ giả bị đề xuất phạt 5 - 10 triệu đồng.
Ảnh minh họa.
Đáng chú ý, hành vi không tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có khả năng, điều kiện cho phép bị đề nghị xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng.
Mức phạt trên cũng được đề xuất cho các hành vi: Không chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, phương tiện, nguồn nước và các điều kiện khác phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; không chấp hành lệnh huy động tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; không tham gia khắc phục hậu quả vụ cháy khi có yêu cầu của người có thẩm quyền.
Theo dự thảo, sẽ phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng với các hành vi: Tự ý vào khu vực chữa cháy khi không được phép của người có thẩm quyền; phạt 10 - 15 triệu đồng với hành vi lấn chiếm, bố trí vật cản gây cản trở hoạt động của phương tiện chữa cháy.
Hành vi cản trở lực lượng, phương tiện chữa cháy bị đề xuất phạt từ 15 - 25 triệu đồng.
Mức phạt từ 30 - 40 triệu đồng được đề xuất cho hành vi: Không thực hiện hoặc không duy trì đường giao thông cho phương tiện chữa cháy; làm mất tác dụng của đường giao thông dành cho chữa cháy.
Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 41 điều, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bao gồm: Hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.