Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay đã họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, mục tiêu ban hành nghị quyết là thể chế hóa kịp thời một số chủ trương, đường lối của Đảng nêu tại Nghị quyết số 68 nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực.
Nghị quyết cũng nhằm thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong, vươn tầm quốc tế, tạo “cú hích, đòn bẩy, điểm tựa” tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực, sức sản xuất của kinh tế tư nhân.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm trình bày tờ trình dự thảo. Ảnh: Quốc hội
Dự thảo quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với quy định của luật hiện hành hoặc chưa được quy định cụ thể.
Đáng chú ý là các quy định về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong đó dự thảo quy định cụ thể một số nguyên tắc trong thực hiện thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận gồm:
Không được thanh tra, kiểm tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng. Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp. Miễn kiểm tra thực tế đối với các doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định pháp luật. Chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm, trừ một số ít lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết Ủy ban tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn xây dựng ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn; tán thành với phạm vi điều chỉnh và phạm vi thể chế hóa Nghị quyết số 68 tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội như Chính phủ đề xuất.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quốc hội
Về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về trường hợp đối với cùng một nội dung thì cơ quan quản lý nhà nước không được thanh tra, kiểm tra trong cùng 1 năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng; kế hoạch, kết luận thanh tra và kiểm tra phải công khai theo quy định của pháp luật.
Về việc hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ, Ủy ban đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng xác định cụ thể quy mô, diện tích trong từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp dành cho các doanh nghiệp được hỗ trợ, tránh cơ chế “xin - cho”, trục lợi chính sách, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Về hỗ trợ tài chính, tín dụng, Chính phủ đề xuất doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).
Trần Thường