Cụ thể, Nhóm 1: các dự án bảo đảm tiến độ hoàn thành trong năm 2025 gồm: 18 dự án/897km cơ bản không còn những khó khăn, vướng mắc lớn, tiến độ triển khai bám sát kế hoạch đề ra.
Các chủ đầu tư, nhà thầu đang nỗ lực triển khai bám sát kế hoạch, dự kiến dịp 30/4/2025 sẽ hoàn thành đưa vào khai thác 2 đoạn/90km (cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn từ quốc lộ 1A đến nút giao Nguyễn Văn Tạo dài 20km, đoạn cuối dự án Vân Phong-Nha Trang dài 70km) và thông xe tuyến chính cao tốc của 4 dự án/158km (cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi 35km, Hàm Nghi - Vũng Áng 54km, Bùng - Vạn Ninh 49km, Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 20km).
Năm dự án (cao tốc Vũng Áng - Bùng, Vạn Ninh - Cam Lộ, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Hòa Liên - Túy Loan và 13km còn lại của đoạn Vân Phong - Nha Trang) với tổng chiều dài 278km đang được tập trung giải quyết các tồn tại, tích cực thi công để phấn đấu thông xe vào ngày 30/9/2025.
Cao tốc Bến Lức- Long Thành
Các dự án còn lại gồm: cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Chí Thạnh - Vân Phong, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Long An đang được các chủ đầu tư, nhà thầu tổ chức triển khai thi công khoa học, để quyết tâm, phấn đấu hoàn thành thông xe tuyến chính cao tốc vào cuối năm nay.
Nhóm 2: các dự án còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ chưa đáp ứng kế hoạch đề ra: gồm 10 dự án/291km có kế hoạch hoàn thành năm 2025.
Trong đó, Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản dự án thành phần 2 Biên Hòa - Vũng Tàu (18km) còn gặp khó khăn về mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật. Đến nay khi nguồn vật liệu được bảo đảm cung cấp, Bộ Xây dựng đang chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ triển khai, tổ chức thi công cuốn chiếu tại các vị trí có mặt bằng, để quyết tâm hoàn thành tuyến chính vào cuối năm 2025.
Với các dự án do địa phương làm cơ quan chủ quản gồm: Dự án thành phần 1 và 3 Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (Khánh Hòa 20km, Đắk Lắk 48km), Dự án thành phần 1 Biên Hòa - Vũng Tàu (Đồng Nai 16km), Tuyên Quang - Hà Giang (Hà Giang 27km, Tuyên Quang 77km) có tổng chiều dài 188km còn vướng mắc về mặt bằng, vật liệu xây dựng, nguồn vốn, khối lượng còn lại lớn đòi hỏi các đơn vị cần chủ động khắc phục các khó khăn, vướng mắc, nỗ lực thi công “3 ca 4 kíp”, tranh thủ điều kiện thời tiết mùa khô, thi công cuốn chiếu, tổ chức thi công khoa học mới đáp ứng khả năng hoàn thành vào năm 2025.
Cao tốc Tuyên Quang- Hà Giang hiện còn gặp khó khăn về mặt bằng
Dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua TP.HCM (47km), Đồng Nai (11km), Bình Dương (11km) có tổng chiều dài 69km còn vướng mắc về mặt bằng , khối lượng vật liệu cần đưa về công trường rất lớn trong khi công suất khai thác còn hạn chế, khối lượng triển khai từ nay đến cuối năm còn rất nhiều; phải có giải pháp kỹ thuật hợp lý, nỗ lực triển khai mới đáp ứng được tiến độ hoàn thành cuối năm 2025; nếu không sẽ có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc.
Dự án Cao Lãnh - An Hữu (Đồng Tháp 16km) có tổng chiều dài 16km cần huy động nguồn cát lớn, khối lượng còn rất nhiều khó đáp ứng được tiến độ hoàn thành cuối năm 2025.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh nhấn mạnh, mục tiêu hoàn thành 3.000 km cao tốc vào năm 2025 là không thay đổi.
Do vậy, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh có khối lượng giải phóng mặt bằng còn nhiều cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh thủ tục cấp phép, nâng công suất các mỏ đá và mỏ đất; phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) để hoàn thành di dời đường điện cao thế theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công…
Ngân Tuyền