Không thể chủ quan với dịch bệnh

Không thể chủ quan với dịch bệnh
3 giờ trướcBài gốc
“Nhân loại không thể mất cảnh giác với những loại bệnh có thể biến thành đại dịch cũng như những loại bệnh rất hiếm gặp trong quá khứ. Vì đó đều là những mối nguy hiểm chết người” - TS Nirav Shah, Phó Giám đốc CDC Hoa Kỳ lên tiếng.
Bác sĩ khám bệnh đậu mùa khỉ cho một em bé ở Trung tâm điều trị Munigi (tỉnh Bắc Kivu, Cộng hòa Dân chủ Congo). Ảnh: Reuters.
Nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe con người
Ngày 14/8/2024, WHO một lần nữa ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu vì bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) ở châu Phi. Tổng Giám đốc WHO, TS Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, một cuộc họp quy tụ 16 chuyên gia hàng đầu quốc tế đã được tổ chức ngay sau khi cơ quan giám sát y tế của Liên minh châu Phi (AU) ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cấp châu lục, vì đợt bùng phát đang lan mạnh. Cộng hòa Dân chủ Congo chính là nơi đầu tiên loại virus gây bệnh đậu mùa được phát hiện ở người vào năm 1970.
Theo số liệu của cơ quan kiểm soát bệnh tật (CDC) châu Phi, trong đợt này, các quốc gia Lục địa đen bị ảnh hưởng bao gồm Burundi, Cameroon, Congo, Ghana, Liberia, Nigeria, Rwanda, Cộng hòa Dân chủ Congo, Nam Phi, Uganda và Kenya. Đậu mùa khỉ cũng đã xuất hiện tại một số quốc gia ngoài châu Phi, trong đó có châu Á và châu Âu.
Trước đó, tháng 7/2022, WHO đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC) và tái khẳng định quy chế này vào tháng 11/2022 và tháng 2/2023. Tháng 5/2023, WHO dỡ bỏ PHEIC đối với bệnh đậu mùa khỉ. PHEIC là mức báo động cao nhất mà WHO có thể đưa ra, cho phép kích hoạt các phản ứng khẩn cấp ở các quốc gia trên toàn thế giới theo Quy định Y tế quốc tế có ràng buộc về mặt pháp lý.
Từ diễn biến này cho thấy, chúng ta đang thiếu vaccine ngăn ngừa đậu mùa khỉ và nguy hiểm hơn là loại dich bệnh này vẫn đang âm thầm lây lan trong cộng đồng trước khi có thể bùng phát như một đại dịch.
Chưa hết, nhiều chuyên gia dịch tễ học hàng đầu còn cảnh báo về những chủng virus tưởng đã bị loại bỏ nhờ vaccine nhưng nay lại có nguy cơ lây lan từ vật nuôi sang người. Đồng thời, nhiều loại virus cổ đại vốn đã bị chôn vùi hàng triệu năm trong những khối băng khổng lồ ở hai cực của Trái đất có nguy cơ “sống lại” khi băng tan.
Với virus cúm gia cầm H5N1, dữ liệu mới công bố trên Nature Communications cho thấy đã có sự lây lan của căn bệnh này ở Nam Cực, khiến nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Từ tháng 10/2021 tới nay, đã ghi nhận ít nhất 280 triệu con chim đã chết do H5N1; mang theo nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe con người.
Theo GS Ashley Banyard - nhà virus học tại Phòng thí nghiệm của Cơ quan Sức khỏe động vật và thực vật Anh (APHA), chúng ta gần như không thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra và xảy ra ở đâu, khi nào cũng như mức độ tàn phá ra sao nếu như nó lây lan mạnh sang người.
Kể từ lần đầu tiên được báo cáo vào năm 1996, theo TS Connor Bamford - Đại học Queen’s Belfast, biến thể cúm gia cầm có độc lực cao (H5N1) đã trở thành loại virus cúm gia cầm thống trị trên toàn cầu và hiện vẫn có khả năng gây bệnh cao, dễ lây lan.
Một dấu mốc quan trọng nữa được nhóm các nhà khoa học Đại học Queen’s Belfast ghi nhận là vào tháng 3 năm nay, cúm gia cầm bắt đầu lây lan trong đàn gia súc ở Mỹ. Đây là lần đầu tiên phát hiện virus cúm gia cầm ở bò. Trong khi đó một số mẫu vật mèo và chuột cũng dương tính với H5N1 sau xét nghiệm. Điều đó cho thấy loại virus này đã “tìm thấy vật chủ mới để tiếp tục tồn tại và nhân rộng”.
Từ đó, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ cho rằng, khi virus tiến hóa, nó có thể trở thành mối đe dọa lớn hơn đối với con người. Theo tiến sĩ Nirav Shah - Phó Giám đốc CDC, càng có nhiều ca nhiễm ở bò thì nguy cơ lây nhiễm ở người càng cao, tuy rằng cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy H5N1 lây lan giữa người với người.
Những hội chứng kỳ lạ
Cơ thể con người là một cỗ máy cấu trúc vô cùng phức tạp và khi “cỗ máy” này hỏng thì cũng lại theo những cách vô cùng phức tạp, lạ lùng mà nhiều khi khoa học chưa thể lý giải.
Y văn thế giới ghi nhận không ít loại bệnh hiếm mà cho tới nay vẫn không thể giải thích một cách thỏa đáng. Ví dụ như hội chứng “đầu phát nổ”, biểu hiện chính của nó là cảm giác đầu nổ tung trong khi chuẩn bị chìm vào giấc ngủ mà hoàn toàn không có một dấu hiệu báo trước nào. Phần lớn bệnh nhân bị hội chứng này ở tuổi trên 50 nhưng càng ngày càng có dấu hiệu trẻ hóa.
Một hội chứng khác có cái tên mĩ miều hơn là hội chứng “Alice ở xứ sở thần tiên”. Người bệnh thường xuyên gặp ảo giác, mất định hướng, mất cảm giác bản thể và thấy những điều kỳ diệu như mình đang bay bổng... Hội chứng này thường gặp ở trẻ em, có khi các bậc cha mẹ chỉ coi đó là một giấc mơ con trẻ, nhưng với y học thì đó lại là một loại bệnh hiếm mà không có thuốc điều trị. Nếu hội chứng này không tự chấm dứt thì sẽ gây nguy hiểm nếu người đó không thể kiểm soát hành vi của mình do bị mộng du.
Hội chứng Alice ở xứ sở thần tiên về cơ bản cũng có điểm tương ứng với ảo giác Cotard -người mắc thường có cảm giác mình đã chết, khiến cuộc sống của họ trở nên rất u ám.
Trong những hội chứng bệnh tật khó xác dịnh nguyên nhân cũng như chưa có phương pháp điều trị hiệu quả, phải kể đến hội chứng “người cây”, được cho là do một virus thuộc họ HPV gây ra. Tổn thương là các nốt, các mảnh chai sần như vỏ cây mọc trên mặt hoặc các đầu chi. Bệnh không gây tử vong tuy nhiên ảnh hưởng rất nhiều tới thẩm mỹ và cản trở các hoạt động hàng ngày của bệnh nhân. Hiện chưa có điều trị đặc hiệu ngoài việc cắt bỏ các “nhánh cây” khi chúng mọc quá dài và nhanh.
Tương tự là hội chứng “xương hóa đá”, đó là tình trạng xơ - vôi hóa tổ chức liên kết toàn thân tiến triển khiến cho cơ thể xơ cứng, vặn vẹo như một bức tượng sống. Tới nay cũng vẫn chưa có điều trị hiệu quả cho chứng bệnh này.
Một hội chứng nữa có tên gọi “người sói”, do sự bất thường về gene gây nên tình trạng mọc lông không được kiểm soát trên cơ thể. Hay hội chứng “mặt sư tử”, được cho là do sự phát triển mất kiểm soát của xương sọ - mặt khiến cho mặt bệnh nhân trông giống như mặt sư tử...
Những bệnh hiếm gặp (và cả hội chứng) hầu như không có cách chữa trị. Nhiều liệu pháp được đưa ra nhưng hơn 90% trong số đó không được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận. Như vậy là khoa học y học dù đã có những bước tiến vượt bậc nhưng vẫn đành phải tạm dừng bước, khiến bác sĩ và bệnh nhân phải tự tìm ra phương pháp điều trị riêng.
Hai hội chứng bệnh đặc biệt nhất
Trong số các loại bệnh hiếm, giới khoa học y tế dành nhiều sự chú ý tới hội chứng Alice ở xứ sở thần tiên và hội chứng người sói.
Vào năm 1955, bác sĩ tâm thần người Anh John Todd đã đặt tên cho hội chứng loại bệnh rất đặc biệt theo tên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Lewis Carroll: “Alice ở xứ sở thần tiên”, xuất bản năm 1865, trong đó nhân vật chính cảm thấy cơ thể mình ngày càng to ra hoặc nhỏ đi. Trong truyện, Alice mơ thấy mình rơi vào một thế giới kỳ lạ với một chú thỏ trắng. Ở thế giới đó, uống một hớp nước, cơ thể bạn được thu nhỏ bằng một con chuột; ăn một miếng bánh, bạn sẽ trở thành người khổng lồ… từ đó mở ra những cuộc phiêu lưu kỳ thú.
Đáng chú ý khi Todd phát hiện những bệnh nhân này không bị u não, suy giảm thị lực hoặc các bệnh tâm thần. Bệnh nhân đã có thể suy nghĩ rõ ràng, biết phân biệt giữa ảo giác và thực tế, nhưng nhận thức bị bóp méo.
Theo y học hiện đại, đây cũng là chứng rối loạn tâm thần kinh, gây ra sự biến dạng trong nhận thức. Thật khó để tưởng tượng căn bệnh nguy hiểm lại ẩn sau một cái tên mỹ miều như vậy, khi mà nhiều bệnh nhân từng miêu tả lại mỗi lần phát bệnh họ cảm thấy đầu lưỡi của mình sưng lên như lưỡi trâu, bức tường trong căn phòng cách trở nên xa xôi và cuối cùng chỉ còn một hình vuông nhỏ màu trắng lơ lửng ở phía xa.
Theo nhà tâm thần học John Todd, tình trạng ảo giác rất nguy hiểm khi nó khiến giấc ngủ thông thường và cần thiết đối với mỗi người bị biến mất. Sức khỏe suy giảm đến cùng những hành vi thiếu chuẩn mực do luôn bị ám ảnh bởi một điều gì đó. Trong một số trường hợp, những người bị hội chứng này có thể bị méo mó về xúc giác và thính giác. Họ trở nên hoang tưởng rơi vào trạng thái mông lung, sợ hãi.
Nhiều nghiên cứu gần đây còn liên hệ hội chứng “Alice ở xứ sở thần tiên” với căn bệnh trầm cảm do áp lực của cuộc sống. Người bị trầm cảm cũng thường có xu hướng co mình lại, chìm đắm trong một thế giới rất cô đơn. Mà như vậy, “tính xã hội” của người đó ngày càng thu hẹp, có khi còn mất hẳn.
Vậy chính xác thì điều gì gây ra hội chứng Alice ở xứ sở thần tiên? Cho tới nay y học vẫn chưa có lời giải đáp, hay nói cách khác, đây vẫn là một câu đố cần lời giải. Và cũng thật đáng lo ngại khi Grant T.Liu - bác sĩ khoa mắt thần kinh nhi Bệnh viện Nhi Philadelphia và Owen Pickrell - một nhà thần kinh học người Mỹ cho rằng hội chứng này đang ngày càng tăng trong cộng đồng. Từ năm 1955 đến năm 2015, chỉ có 169 trường hợp được mô tả trong tài liệu y khoa. Nhưng từ 2015 tới nay, trong vòng 10 năm, con số báo cáo cũng đã ở mức tương đương.
“Người ta không biết chính xác nguyên nhân gây ra chứng rối loạn này vì thế cũng không có cách chữa khỏi. Nhờ vào công nghệ, các bác sĩ chỉ cố gắng xác định và điều trị nguyên nhân cơ bản mà thôi” - TS Owen Pickrell nói.
Với hội chứng người sói, y học cho rằng đó là một dạng bệnh lý hiếm gặp nhất thế giới với xác suất 1/1 triệu người (với các mức độ nặng nhẹ khác nhau). Hội chứng này khiến cho người bệnh phải chịu sự kỳ thị nặng nề vì vẻ bề ngoài dị thường. Sự phát triển bất thường của lông có thể bao phủ khắp mặt và cơ thể hoặc thành từng mảng nhỏ. Ca mắc bệnh đầu tiên phát hiện vào thế kỷ XVI, khi đó, người bệnh đã bị cộng đồng coi là quỷ dữ.
Tới nay, các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân gây ra hội chứng người sói có thể là do yếu tố di truyền về gen, gây đột biến nhiễm sắc thể hoặc có thể đến từ chứng rối loạn tiêu hóa lâu dài làm mất cân bằng nội tiết tố và cũng có thể do tác dụng phụ của một số loại thuốc nhất định.
Người ta đã mô tả một số trường hợp “người sói”. Trong đó có trường hợp Acevas sống tại vùng Tây Bắc Mexico. Khi còn bé, Aceves thường bị bạn bè trêu chọc và đặt cho biệt danh “sói con”. Bất hạnh hơn, cả gia đình Aceves cũng bị cả làng xa lánh vì mắc phải căn bệnh này. Một trường hợp khác là Muhammad Raihan (sống tại ngôi làng Mamburung, tỉnh Bắc Kalimantan, Indonesia) cũng mắc hội chứng người sói khi toàn bộ cơ thể được bao phủ bởi một lớp lông đen dài.
“Hội chứng người sói khiến người bệnh chịu sự kỳ thị nặng nề về vẻ ngoài dị thường. Và thật đáng tiếc vẫn chưa có cách chữa trị, ngoài việc áp dụng một chùm tia laser đặc biệt vào nhiều sợi lông cùng một lúc. Tuy nhiên, phương pháp điều trị này gây nguy hại cho mái tóc của người bệnh” - Owen Pickrell cho biết.
Nhảy múa đến chết, phải chăng cũng là một bệnh?
Mùa hè năm 1518, một bệnh dịch kỳ lạ ở thị trấn Strasbourg (Pháp) đã khiến hàng trăm người nhảy múa không kiểm soát trong nhiều tuần liên tục cho đến khi chết vì kiệt sức.
Những ghi chép còn lại cho đến nay cho biết: Vào ngày 14/7/1518, một phụ nữ tên là Frau Troffea sống ở Strasbourg ra khỏi nhà và bắt đầu nhảy múa. Cô cứ vừa đi vừa nhảy nhót như vậy trong nhiều giờ cho đến khi gục xuống, mồ hôi đầm đìa, người co giật trên mặt đất.
Như thể trong cơn mê, hôm sau, rồi hôm sau nữa Troffea vẫn cứ liên tục nhảy múa, không thể dừng lại. Lạ là rất nhanh, những người khác bắt đầu “lây” chứng nhảy múa của cô và cũng đổ ra đường nhảy nhót không dừng được trong khoảng 2 tháng. Số người mắc bệnh nhảy múa lên tới 400 người dân địa phương.
Không ai biết điều gì đã khiến người dân thị trấn cứ tự dưng nhảy múa trái với ý muốn của họ, hoặc tại sao chứng nhảy múa không kiểm soát đó lại tồn tại lâu như vậy, để rồi cuối cùng có tới 100 người chết. Các nhà sử học đã gọi sự kiện kỳ lạ này là dịch nhảy múa và mãi tới nay vẫn là điều bí ẩn.
Trong vòng nhiều trăm năm, câu chuyện cư dân một thị trấn nhảy múa cho tới chết được cho là có tác động của ma quỷ, khiến người ta không thể chống lại cũng như không thể kiểm soát cơ thể mình. Vào năm 1642, một bản khắc của Hendrik Hondius cho thấy mức độ ghê gớm những trận nhảy múa vô cùng khác thường này.
Cho đến nay, giới khoa học vẫn không lý giải được hiện tượng cộng đồng đó, và họ đã cho rằng đó là một thứ dịch bệnh: những người ở thị trấn Strasbourg đã bị một loại virus bí ẩn xâm nhập, chứ không phải do bị quỷ giữ “chiếm quyền kiếm soát cơ thể”. Một số nghiên cứu còn đưa ra giả thuyết là người dân rất có thể đã chịu tác động của một loại nấm mốc hướng thần nào đó, có thể sản sinh ra một chất hóa học tương tự như thuốc gây ảo giác LSD bây giờ.
“Khoa học ngày nay đã chiến thắng thần chết ở nhiều phương diện. Nhưng chúng ta vẫn phải cảnh giác không chỉ với các dịch bệnh mới mà cả với những dịch bệnh “cũ” có nguy cơ trở lại. Chỉ có như vậy con người mới có thể sống khỏe hơn và yên tâm với cuộc đời của chính mình hơn” - TS Owen Pickrell đưa ra khuyến cáo.
Những bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống HIV/AIDS
Tới nay, đại dịch HIV/AIDS đã được kiểm soát nhưng vẫn là nỗi ám ảnh chưa thể dứt bỏ. HIV một loại virus tấn công hệ miễn dịch của con người. Năm 1959, ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện từ mẫu máu của một người đàn ông ở Kinshasa Cộng hòa Congo.
Ngay sau đó, các nhà khoa học đã lập “cây phả hệ” cho thấy tuyến đường lây lan của HIV. Đến những năm 1980, virus chết người này đã có mặt ở tất cả các châu lục trên thế giới. Cho đến tháng 9/1982, bệnh được đặt tên là AIDS.
Người tìm ra HIV gây bệnh AIDS là tiến sĩ Luc Montagnier (1932-2022) - nhà virus học người Pháp, ông nhận giải Nobel năm 2008. Tuy nhiên, dù đã tìm được cơ chế lây lan nhưng HIV/AIDS vẫn bùng phát cực mạnh, được coi là căn bệnh thế kỷ. Đã có biết bao cuộc tìm kiếm, truy lùng, tiêu diệt virus này và giành lại cuộc sống cho những người đã trở thành bệnh AIDS. Nhưng đó là cuộc chiến vô cùng gian nan và lâu dài, có những thời điểm tưởng chừng tuyệt vọng.
Trong 4 thập kỷ đại dịch HIV/AIDS hoành hành, chỉ có 6 trường hợp được ghi nhận đã chiến thắng căn bệnh thế kỷ này.
Đáng mừng là cho tới nay, thế giới đã ghi nhận 7 trường hợp được chữa khỏi HIV. Mới đây nhất là trường hợp một người đàn ông Đức: ông được cấy tế bào gốc vào 10/2015 và tới tháng 9/2018 đã ngừng hẳn sử dụng thuốc điều trị HIV. Nhiều xét nghiệm siêu nhạy đã không phát hiện thấy HIV có thể sống trong cơ thể ông.
Phát biểu tại Hội nghị AIDS quốc tế lần thứ 25 tại Munich (Đức), tiến sĩ Christian Gaebler cho biết, thời gian thuyên giảm HIV càng dài mà không cần bất kỳ liệu pháp điều trị nào càng cho thấy chúng ta hoàn toàn có khả năng loại bỏ HIV. Cùng với sự cảnh giác, tự bảo vệ của con người thì đại dịch này có thể nói là đã bị bỏ lại phía sau.
“Vì sao con người có thể lên Mặt trăng nhưng lại chịu thua HIV? Chúng ta đã không chấp nhận điều tệ hại đó và điều đó giúp nhân loại đương đầu với những đại dịch, những loại bệnh hiếm một cách hiệu quả hơn” - TS Sharon Lewin, Giám đốc Viện Peter Doherty về nhiễm trùng và miễn dịch (Melbourne, Australia) tin tưởng.
Bệnh nhân hết virus HIV sau khi thực hiện ghép tế bào gốc điều trị ung thư máu.
PHAN QUANG VŨ
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/khong-the-chu-quan-voi-dich-benh-10292883.html