'Không thể để hoa hậu tràn lan mỗi tuần một cuộc thi, cần tinh gọn'

'Không thể để hoa hậu tràn lan mỗi tuần một cuộc thi, cần tinh gọn'
8 giờ trướcBài gốc
Tinh gọn hoa hậu để chiếc vương miện sáng hơn
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, danh hiệu hoa hậu không chỉ là sắc đẹp. Đó là biểu tượng của tri thức, nhân ái, trách nhiệm cộng đồng và vẻ đẹp văn hóa Việt Nam vươn ra thế giới. Hoa hậu hôm nay không chỉ dừng ở nụ cười rạng rỡ, dáng vóc kiêu sa mà là những người truyền cảm hứng, dấn thân vì xã hội, mang tiếng nói của người trẻ đến những nơi cần yêu thương, thấu cảm và hành động.
Theo ông Sơn, nên tinh gọn cuộc thi hoa hậu, giảm thiểu sự lạm phát danh hiệu, tinh gọn về số lượng để nâng cao chất lượng. Không thể để hoa hậu tràn lan, mỗi tuần một cuộc thi, mỗi nơi một danh xưng sẽ khiến công chúng bội thực, mất đi giá trị thiêng liêng vốn có.
"Tinh gọn là để giữ cho vương miện sáng hơn, cho danh xưng hoa hậu Việt Nam thực sự trở thành một niềm tự hào chứ không phải một... trò đếm số. Tinh gọn là để chắt lọc cái tinh hoa. Như việc đất nước đang thu về một bản đồ mới không phải mất đi mà là mở rộng tầm nhìn, kết hợp nguồn lực, tạo nền tảng phát triển bền vững.
Tinh gọn hoa hậu cũng vậy, không phải khước từ cái đẹp mà là trân trọng cái đẹp có giá trị thực sự, có chiều sâu văn hóa, có sức lan tỏa lâu dài. Trong một đất nước đang vươn mình mạnh mẽ, chúng ta cần những biểu tượng không chỉ đẹp mà còn có tâm như những hoa hậu biết khóc cùng đồng bào vùng thiên tai, biết nói những lời yêu thương trong chiến dịch vì giáo dục, môi trường, sức khỏe cộng đồng.
Tinh gọn không đồng nghĩa với thu hẹp. Tinh gọn là làm cho đẹp hơn, bền hơn, sâu hơn. Nếu hoa hậu cũng đi cùng tinh thần đó thì vương miện trên đầu các cô gái Việt Nam không chỉ là viên ngọc quý lấp lánh mà là ánh sáng của trí tuệ, lòng nhân hậu và khát vọng vươn cao của cả một dân tộc", ông Sơn nói.
Ngô Thị Trâm Anh - Hoa hậu Trái đất Việt Nam 2025.
Rà soát toàn bộ cơ chế tổ chức các cuộc thi sắc đẹp
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều bày tỏ lo ngại trước tình trạng lạm phát các cuộc thi sắc đẹp hiện nay và cho rằng đã đến lúc cần nghiêm túc xem xét, sàng lọc và siết chặt quy định với loại hình hoạt động này.
"Số lượng các cuộc thi hoa hậu hiện nay quá nhiều. Không chỉ cộng đồng và xã hội mà chính các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý văn hóa cũng thấy rõ điều đó. Rất nhiều cuộc thi không cần thiết", ông Nguyễn Quang Thiều nhận định.
Theo ông, trước kia, các cuộc thi sắc đẹp dù ở Việt Nam hay trên thế giới đều hướng tới những giá trị tốt đẹp: tôn vinh vẻ đẹp hình thể, tâm hồn, sự hiểu biết, lòng nhân ái và trách nhiệm xã hội. Một hoa hậu sau khi đăng quang không chỉ đội vương miện mà còn khoác lên mình sứ mệnh nhân văn: bảo vệ thiên nhiên, gìn giữ văn hóa, lan tỏa điều tử tế, chia sẻ với những người yếu thế trong xã hội.
"Các cuộc thi sắc đẹp từng mang tính giáo dục và nhân văn rất cao. Nhưng hiện nay, Việt Nam đang chứng kiến một làn sóng bùng nổ các cuộc thi hoa hậu với chất lượng yếu, thậm chí có những cuộc thi gây phản cảm. Đây chắc chắn không phải là yếu tố thúc đẩy sự phát triển xã hội trên bất kỳ phương diện nào", ông nói.
Theo ông Thiều, mục tiêu các cuộc thi là tìm ra người đạt đủ tiêu chuẩn để truyền cảm hứng và lan tỏa điều tích cực đến xã hội. Nhưng trên thực tế, rất ít hoa hậu làm được điều đó. Có những hoa hậu thực sự hành động vì cộng đồng, song không ít người lại gây tai tiếng bằng những phát ngôn, hành vi phản cảm hoặc bị cuốn vào đời sống riêng tư đầy thị phi.
"Chúng ta không nên đặt vấn đề sứ mệnh quá cao cho hoa hậu nếu chính người đăng quang không thể hiện được ý thức hay hành động tương xứng. Rất ít hoa hậu ở Việt Nam dấn thân để làm điều tốt đẹp bằng nhan sắc, danh tiếng và vị thế của họ" - ông nói.
Thực tế này dẫn đến một câu hỏi lớn trong xã hội: Các cuộc thi hoa hậu mang lại điều gì cho công chúng? Theo ông Nguyễn Quang Thiều, phần lớn các cuộc thi hiện nay vẫn chỉ phục vụ lợi ích của một nhóm tổ chức, mang tính cá nhân hơn là vì cộng đồng: "Nó đang trở thành một lĩnh vực kinh doanh, chứ không còn là sinh hoạt văn hóa mang tính lan tỏa và giáo dục nữa".
Từ góc độ người làm văn hóa, ông Nguyễn Quang Thiều cho rằng đã đến lúc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan chức năng cần rà soát toàn bộ cơ chế tổ chức các cuộc thi sắc đẹp. Điều cần thiết là phải xác định đúng tính chất, ý nghĩa và sự cần thiết của từng cuộc thi đối với xã hội: "Nếu một cuộc thi không góp phần nâng cao đời sống tinh thần, không có giá trị giáo dục, không thúc đẩy sự phát triển xã hội thì nên hạn chế, thậm chí là loại bỏ".
Ông cho rằng việc siết lại các cuộc thi hoa hậu kém chất lượng không khó. Vấn đề là các cơ quan quản lý phải có đánh giá nghiêm túc và đưa ra được các quy định cụ thể, rõ ràng.
Tình Lê
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/khong-the-de-hoa-hau-tran-lan-moi-tuan-mot-cuoc-thi-can-tinh-gon-2417041.html