Phát huy được sự cởi mở của Luật Thủ đô
Hội thảo do Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức.
Tham dự hội thảo có PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cùng các đồng chí trong Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan của Trung ương và lãnh đạo TP Hà Nội.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, Hà Nội rất mong nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học vào việc xây dựng các văn bản pháp luật để cụ thể hóa, triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Lê Hải Bình cho biết, Luật Thủ đô (sửa đổi) ra đời nhằm đáp ứng mục tiêu đặt ra của Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là luật có ý nghĩa đặc biệt vì Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa và kinh tế quan trọng của cả nước. Luật Thủ đô đã xóa nhiều rào cản hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của Hà Nội trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, đồng thời khơi thông pháp lý để Thủ đô phát triển một cách bền vững và hiện đại.
PGS.TS Lê Hải Bình phát biểu đề dẫn hội thảo.
PGS.TS Lê Hải Bình nhấn mạnh, hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn; tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của Luật Thủ đô trong xây dựng và phát triển Thủ đô; nhận diện Luật Thủ đô trong bối cảnh mới, điều kiện mới, phân tích những cơ hội, thách thức đặt ra trong việc triển khai Luật Thủ đô. Cùng với đó là lộ trình, trách nhiệm, sự phối hợp của các cấp, các ngành và địa phương trong việc thi hành Luật Thủ đô thực hiện Luật Thủ đô trên các lĩnh vực, nội dung cụ thể.
Tại hội thảo, TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày tham luận, trong đó đề cập đến các vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu, cụ thể liên quan các dòng sông, chống ngập úng trên địa bàn TP.
Một tuyến đường ở quận Hà Đông bị ngập nặng trong bão số 2 (tháng 7/2024).
Theo TS Cao Đức Phát, khoảng 20 năm trở lại đây, Hà Nội không còn tình trạng phải đi cứu hộ đê nữa, đồng thời lâu lắm mới xuất hiện cảnh tượng chèo thuyền ở Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội). Nguyên nhân bởi trên vùng thượng du (miền rừng núi ở vùng thượng lưu các con sông) đã có nhiều hồ chứa, làm giảm lượng nước về Hà Nội trong mùa lũ.
Ông Phát lưu ý biến đổi khí hậu sẽ đem đến nhiều cực đoan, như cực đoan khô, cực đoan lũ và nhiều vấn đề khác. Do đó, việc triển khai các văn bản pháp luật phải mang tính “dài hơi”, không chỉ trong khoảng thời gian 10 - 15 năm. Luật Thủ đô 2024 đã cho phép xây dựng các tuyến đê mới. Trên bãi sông được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu, được xây dựng công trình, nhà ở với tỉ lệ thích hợp. Các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng các công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng.
Tuy nhiên, theo TS Cao Đức Phát, phải thực hiện theo quy hoạch đê điều; theo quy hoạch phòng, chống lũ các tuyến sông có đê; theo quy hoạch sử dụng đất và theo quy hoạch khác có liên quan…
Vì vậy, TS Cao Đức Phát đề nghị Hà Nội nên tổ chức họp, phối hợp với tất cả các cơ quan có liên quan thực hiện tổng rà soát, lập kế hoạch phân công và đề ra tiến độ rõ để thực hiện. “Nếu không cứ ngồi đợi nhau, 5 năm rồi 10 năm cứ trôi qua và 30 năm sau có khi vẫn tiếp tục tranh luận. Khi làm tốt thì chúng ta phát huy được sự cởi mở của Luật Thủ đô. Còn cứ ngồi đợi nhau thì bỏ lỡ cơ hội và trở thành yếu tố kìm hãm sự phát triển Thủ đô”, ông Phát nói.
TS Cao Đức phát lưu ý thêm, không thể để Thủ đô cứ mưa lớn lại ngập, trong nội đô ngập, ở ngoại đô, người dân phải chèo thuyền vào tầng 2 nhà mình. Đã đến lúc phải dồn lực để không còn tình trạng ngập lụt, nhân dân bình yên, TP văn minh, hiện đại.
Hoàn thiện mô hình quản trị Thủ đô hiệu quả, hiện đại
Tham luận tại hội thảo, GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh đến việc xây dựng và hoàn thiện chính quyền Thủ đô theo định hướng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và thực hiện Luật Thủ đô năm 2024.
Trong đó, TP cần hoàn thiện mô hình quản trị Thủ đô hiệu quả, hiện đại, xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Đặc biệt là khẩn trương xây dựng và phát triển Thủ đô theo quy hoạch chung Thủ đô, bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, môi trường sống trong lành, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh; phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của TP.
GS.TS Trần Ngọc Đường tham luận tại hội thảo.
Trong phần tham luận của mình, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh đến việc TP cần tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn. Cụ thể, cần xác định rõ các ngành nghề có tiềm năng phát triển cao và phù hợp với định hướng phát triển của TP như công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghiệp bán dẫn, công nghệ chế tạo - tự động hóa, công nghệ môi trường, giảm phát thải carbon, ứng phó với biến đổi khí hậu, tài chính, dịch vụ...
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, việc triển khai Luật Thủ đô cùng với các Nghị quyết, Chỉ thị quan trọng của Trung ương như một cú hích quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững; thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị khóa XIII. Trên cơ sở các ý kiến tham luận tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị HĐND, UBND TP và các đơn vị liên quan tiếp thu một cách nghiêm túc để cụ thể hóa vào các nội dung của Luật thuộc thẩm quyền của TP.
T.Linh