Xuất phát từ thực tiễn
Lương hưu luôn là vấn đề được Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm nhằm bảo đảm cuộc sống ổn định cho những người hết tuổi lao động. Tiền lương hưu được coi là nguồn thu nhập ổn định giúp người lao động yên tâm dưỡng già, đảm bảo cuộc sống độc lập mà không phải phụ thuộc vào con cháu.
Năm 2025, mức tăng lương hưu vẫn sẽ dựa trên mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với khả năng ngân sách cũng như quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH). Vấn đề này được đông đảo người dân quan tâm và cũng là thông tin được Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề cập trên nghị trường tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Cụ thể, sáng 4/11 vừa qua, phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ĐBQH Trần Hoàng Ngân - Đoàn TP.HCM đã nhắc lại đề nghị của ông trong phiên thảo luận tại tổ trước đó, với nội dung cần quan tâm đến việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn TP.HCM. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu đề nghị Chính phủ có thể không tăng lương khu vực công, nhưng phải tăng lương hưu và tăng trợ cấp an sinh xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công vào năm 2025. Ngoài lý do tăng thêm niềm vui trong năm 2025 - một năm đất nước có nhiều ngày lễ kỷ niệm lớn - thì tăng lương hưu và trợ cấp người có công còn giúp kích thích tiêu dùng.
Đề xuất này của đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận được nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ. Bởi, thực tế hiện nay, đời sống của một bộ phận người về hưu đang gặp nhiều khó khăn, lương hưu không đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống của họ.
Được biết, từ năm 1995 đến hết 2023, Quốc hội, Chính phủ đã 23 lần điều chỉnh lương hưu. Hiện mức bình quân của người hưởng lương hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội là 5,6 triệu đồng/tháng; người hưởng lương hưu từ ngân sách Nhà nước là 4,7 triệu đồng/tháng.
Lương hưu là nguồn thu nhập chính của người cao tuổi.
Từ ngày 1/7 năm nay, khoảng 3,3 triệu người được tăng 15% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng. Người hưởng lương hưu trước năm 1995 sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/ tháng thì tăng 300.000 đồng. Người có mức hưởng mỗi tháng từ 3,2 đến dưới 3,5 triệu thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng. Trợ cấp ưu đãi người có công lên gần 2,79 triệu đồng/ tháng; trợ giúp xã hội là 500.000 đồng/ tháng.
Tuy khác nhau về giá trị nhận được tùy theo vị trí công việc và thời gian đóng BHXH, nhưng các khoản lương hưu được cấp đều có nhiệm vụ bảo đảm cuộc sống ổn định cho người nghỉ hưu, giúp họ không phải lo lắng về chi phí sinh hoạt hay y tế.
Bàn về câu chuyện lương hưu có đủ cho người cao tuổi trang trải, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội – PGS.TS Bùi Thị An cho rằng: "Phải nói rằng, với lương hưu hiện tại, mức sống của nhiều người cao tuổi chỉ đạt ở mức trung bình và thậm chí có những gia đình vẫn còn đang thiếu. Ăn thì có thể đủ, nhưng cuộc sống còn rất nhiều vấn đề khác phải chi tiêu. Tất nhiên, người về hưu cũng không thể đòi hỏi mức lương hưu quá cao nhưng vẫn phải đảm bảo được chuyện sinh hoạt hằng ngày ở mức trung bình. Việc đảm bảo này sẽ giúp những người đã lao động cả đời được an nhàn khi về già".
PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội
Giảm "gánh nặng" cho thế hệ trẻ
Chị Khúc Thảo Linh (28 tuổi) trú tại xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội có bố mẹ đều đang trong độ tuổi hưu trí. Hàng tháng, cả hai ông bà nhận được khoảng 10 triệu đồng tiền lương hưu và dùng cho chi phí sinh hoạt hằng ngày.
"Với số tiền hưu trí như vậy, bố mẹ tôi chỉ đủ dùng trong sinh hoạt, ăn uống đơn giản, đi lại, hay một số công việc họ hàng. Tôi còn một em trai đang đi học nên tiền hưu của bố mẹ cũng phải trích ra một khoản để chi cho việc đó, vì vậy cuộc sống cần hết sức tiết kiệm. Nếu để nói lương hưu có đủ sinh hoạt hiện nay hay không thì đương nhiên là chỉ đủ ở mức rất cơ bản thôi. Bản thân tôi luôn phải tự duy trì một khoản tiền dự trữ, phòng lúc bố mẹ ốm đau mình có để chi tiêu" – chị Linh chia sẻ.
"Trẻ cậy cha, già cậy con", quan niệm truyền thống này ít nhiều không còn phù hợp. Trong gia đình có 3-4 thế hệ, nếu như lương hưu của ông bà, cha mẹ không đủ để chi phí cho bản thân họ, thì thế hệ lao động là con cái sẽ phải đặt lên vai gánh nặng đôi phần. Người lao động trẻ hiện nay lại đang gặp rất nhiều vấn đề khi vừa phải đối diện với khó khăn kinh tế, vừa phải nuôi con và lo cho cha mẹ. Ngược lại, dưới góc nhìn của người cao tuổi, họ luôn muốn sau nhiều năm lao động sẽ có được cuộc sống tự chủ, tự do, an nhàn tuổi già mà không phải phụ thuộc vào con cháu.
Chị Khúc Thảo Linh cho rằng lương hưu chỉ đủ cho bố mẹ chi tiêu ở mức cơ bản.
Trường hợp của gia đình chị Khúc Thảo Linh là một trong số những gia đình cả hai bố mẹ đều được hưởng lương hưu, mức lương đó đủ để chi tiêu sinh hoạt cơ bản nên con cái bớt đi một phần áp lực kinh tế. Còn lại, với các gia đình khác, có bố hoặc mẹ hoặc cả hai đều không có lương hưu, cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn về kinh tế.
Phân tích thêm về điều này, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh: "Lương hưu không chỉ phục vụ nhu cầu của người đã về hưu mà còn gián tiếp ảnh hưởng tới những người đang trong độ tuổi lao động. Thứ nhất, tăng lương giảm gánh nặng cho người trẻ, điều đó rất rõ rồi. Thứ hai, lương hưu ở mức tốt sẽ là động lực cho thế hệ đi sau phấn đấu hơn trong lao động. Người trẻ sẽ thấy rằng, sau nhiều năm lao động và cống hiến, bản thân mình khi về hưu cũng sẽ được quan tâm như vậy. Đây không chỉ là an sinh xã hội mà còn là an ninh xã hội. Vì vậy, đề xuất tăng lương hưu theo tôi là là hợp lý".
Nhìn chung, lương hưu không chỉ là nguồn tài chính giúp đời sống của người cao tuổi được duy trì và cải thiện, mà đây còn là yếu tố tạo ra đời sống tinh thần của gia đình hưu trí. Một đời sống đầy đủ về vật chất sẽ giúp các mối quan hệ trong gia đình trở nên dễ dàng và gắn bó hơn.
Đến năm 2035, dự báo số người cao tuổi trên 75 tuổi ở Việt Nam sẽ đạt 5 triệu người, tăng gấp đôi so với thời điểm hiện tại. Vì vậy, cải thiện chất lượng sống của người cao tuổi bằng hưu trí là nâng cao chất lượng xã hội, hạn chế hệ lụy, góp phần xây dựng xã hội nhân văn, bền vững và phát triển.
Phan Ngân