Thế lực thù địch chống phá, xuyên tạc thông tin về chủ trương, chính sách của Việt Nam.
Nghị định 147 được kỳ vọng sẽ là cơ sở kiến tạo không gian mạng minh bạch, tin cậy và an toàn; tình trạng mạo danh, lừa đảo trực tuyến, lan truyền thông tin xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước... sẽ sớm được khắc chế. Với những ưu việt đó, Nghị định 147 nhận được sự mong chờ và phản hồi tích cực của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và cộng đồng. Trong khi đó, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lại tăng cường phát tán các thông tin bịa đặt, xuyên tạc nội dung nghị định này.
Lợi dụng chính sách mới để xuyên tạc về tự do ngôn luận
Một số trang mạng xã hội (MXH) chuyên đăng tải thông tin xấu, độc đã đăng tải nhiều dòng trạng thái thể hiện thái độ bất bình trước những quy định mới của Nghị định 147. Việc bất bình xuất phát từ nguyên nhân họ lo ngại những hành vi vi phạm trên không gian mạng sẽ bị xử lý và quản lý nghiêm, trong đó có việc lợi dụng live stream, phỏng vấn… để cài cắm tin giả, bình luận tiêu cực, phát tán những thông tin xấu, độc đến người dùng MXH.
Trên trang MXH V., các thế lực thù địch, cơ hội chính trị bịa đặt thông tin cho rằng, với sự ra đời của Nghị định 147, chính quyền nước ta “bịt miệng, không cho dân bình luận”; còn trang t. thông tin xuyên tạc rằng Việt Nam “hạn chế quyền tự do thông tin và biểu đạt”… Thậm chí, một trang tin có trụ sở ở nước ngoài còn đăng bài viết với lập luận xuyên tạc rằng “Nghị định 147 sẽ như chiếc đinh đóng vào quan tài, đánh dấu thêm một bước thắt chặt đối với tự do ngôn luận (TDNL) tại Việt Nam”, và “ngay cả túi tiền của người dân cũng nằm trong diện bị kiểm soát”...
Các thế lực thù địch “mượn danh” quyền con người để đả phá chính sách mới của Nhà nước ta, nhưng thực chất chúng đang lo ngại các nội dung thông tin xấu độc, những thông tin gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bí mật nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… mà chúng thường xuyên đăng tải trên MXH sẽ bị “bóp” tương tác. Điều này cũng đồng nghĩa các thông tin xấu độc không “phủ sóng” được trên môi trường mạng, làm thất bại ý đồ, mục đích chống phá cách mạng của các thế lực thù địch.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên và nội dung duy nhất mà các thế lực thù địch tạo cớ để chống phá. Nhân danh nhân quyền để nói về TDNL nói riêng và các quyền khác nói chung, nhưng các thế lực thù địch chỉ nói những lời vô căn cứ, xuyên tạc hòng nhắm đến những người không vững về lập trường, tư tưởng dao động. Bởi bất kỳ ai khi nắm vững cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn về TDNL thì sẽ thấy được ý đồ nham hiểm của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị này.
Giải quyết tình trạng “vô danh nên vô trách nhiệm”
Nghị định 147 có nhiều điểm mới, được cho là bước tiến mới trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và MXH ở Việt Nam, góp phần tích cực trong việc xây dựng môi trường internet, MXH lành mạnh, trách nhiệm, an toàn.
Nghị định 147 có 84 điều, 6 chương, quy định biện pháp thi hành việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng, bao gồm: dịch vụ internet, tài nguyên internet; thông tin trên mạng; cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.
Cụ thể, về quản lý hoạt động cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, nghị định bổ sung các quy định về chặn gỡ nội dung, dịch vụ vi phạm trong vòng 24 giờ, chặn gỡ kịp thời với nội dung, dịch vụ vi phạm an ninh quốc gia; khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn tài khoản, trang, nhóm, kênh MXH thường xuyên vi phạm. Đặc biệt, nghị định này quy định việc xác thực và định danh tài khoản của người dùng bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân, bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, live stream) và chia sẻ thông tin trên MXH...
Với việc quy định người sử dụng được bảo vệ thông tin theo quy định của pháp luật, đồng thời phải chịu trách nhiệm về nội dung do mình cung cấp, lưu trữ, truyền đưa, chia sẻ trên mạng sẽ hạn chế tình trạng “núp lùm”, vô danh để phát tán, chia sẻ thông tin xấu, độc trên MXH. Qua đó giảm thiểu tình trạng giả mạo, lừa đảo trực tuyến, tung tin giả và các hành vi vi phạm pháp luật khác...
Tại Hội nghị Tổng kết, đánh giá hoạt động lĩnh vực thông tin điện tử năm 2024, định hướng năm 2025 và phổ biến Nghị định 147 do Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức mới đây, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết, các quy định mới sẽ giải quyết được tình trạng vô danh nên vô trách nhiệm. Ngoài ra, các nền tảng phải cung cấp thông tin người sử dụng cho Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an khi có yêu cầu đối với những tài khoản, trang kênh có dấu hiệu vi phạm.
Quy định xác thực tài khoản MXH cũng được người dân quan tâm.
Chị Phạm Phương Nhi (ngụ phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa) cho rằng: “Hiện nay, tình trạng lừa đảo, đăng tin giả, tin sai sự thật hoặc video phản cảm để câu like, câu view trên MXH rất nhiều. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là với giới trẻ. Do đó, việc xác thực tài khoản sẽ giúp người dùng ý thức được việc mình làm trên MXH, để MXH lành mạnh hơn”.
Theo Bộ Thông tin và truyền thông, năm 2024, Facebook đã chặn, gỡ 8.981 nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam (tỷ lệ 94%); Google đã chặn, gỡ 6.043 nội dung vi phạm trên YouTube (tỷ lệ 91%); TikTok chặn, gỡ 971 nội dung vi phạm (tỷ lệ 93%).
Tự do ngôn luận phải đi kèm với nghĩa vụ và trách nhiệm
Tại Việt Nam, quyền con người, quyền công dân luôn được tôn trọng, bảo vệ, thực thi theo Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam. TDNL là quyền hiến định trong Hiến pháp, các luật và văn bản dưới luật. Tuy nhiên, không phải TDNL là nói gì cũng được, quyền này phải được thực hiện đúng theo quy định pháp luật, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc, ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người khác.
Về cơ sở pháp lý quốc tế, điều ước quốc tế cơ bản nhất về quyền con người là Công ước về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) nêu rõ: “1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp. 2. Mọi người có quyền TDNL. Quyền này gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ. 3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và cần thiết để: a. Tôn trọng các quyền hoặc uy tín người khác. b. Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”. Do đó, quyền TDNL luôn đi kèm với nghĩa vụ và trách nhiệm.
Về cơ sở thực tiễn, thời gian qua, song song với sự phát triển như vũ bão của internet, bên cạnh những lợi ích vô cùng thiết thực thì môi trường internet và MXH tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vì tội phạm mạng hoạt động ngày càng tinh vi, các thế lực thù địch, chống phá cách mạng xem internet và MXH là mảnh đất màu mỡ để gieo rắc các thông tin xấu, độc… Trong khi đó, Việt Nam lại nằm trong tốp những quốc gia có số lượng người dùng MXH cao nhất thế giới. Tổng số tài khoản người Việt Nam sử dụng MXH nước ngoài khoảng 203 triệu, trong đó Facebook: 72 triệu, YouTube: 63 triệu và Tiktok: 67 triệu... Do đó, việc Nhà nước ta ban hành nhiều luật, văn bản dưới luật, cụ thể mới đây là Nghị định 147 để nhằm tiếp tục hoàn hiện hệ thống pháp luật Việt Nam, không chỉ thúc đẩy, đảm bảo quyền con người, mà còn tăng cường, củng cố thể chế để kiến tạo một môi trường mạng lành mạnh, an toàn, trách nhiệm.
Trên thế giới, một số nước đã đề ra những quy định mạnh mẽ trong quản lý, sử dụng internet và MXH. Chẳng hạn, ngày 6-11, Canada thông báo sẽ không cho phép Công ty TikTok Technology Canada Inc. hoạt động tại quốc gia này sau khi xem xét vấn đề an ninh. Tuy nhiên, chính phủ sẽ không chặn quyền truy cập, cũng như khả năng tạo nội dung của người dân trên ứng dụng chia sẻ video ngắn này.
Lâm Viên - Nhật Hạ