Chăm lo người có công với cách mạng là chủ trương lớn, thể hiện sự biết ơn, tri ân của Đảng, Nhà nước, dân tộc với những hy sinh, đóng góp to lớn của anh hùng liệt sĩ, người có công. Phong trào “Toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, “Nghĩa tình đồng đội” phát triển sâu rộng. Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư; công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực, hiệu quả…
Chính phủ đã ban hành Nghị định 77/2024/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 75/2021/NĐ-CP và Nghị định 55/2023/NĐ-CP, quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, đã điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ hơn 2 triệu đồng lên gần 2,8 triệu đồng (tăng 35,7%). Đây là mức tăng cao nhất trong 20 năm qua, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người có công và thân nhân người có công.
Công an tỉnh tặng quà gia đình ông Mách Sa Lếs, đồng bào dân tộc thiểu số Chăm ở xã Vĩnh Trường, huyện An Phú
Cùng với đó, Chương trình Xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, chủ trương lớn có ý nghĩa quan trọng, nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước. Từ năm 2011 đến nay, ngân sách Nhà nước và nguồn lực xã hội đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 820.000 hộ gia đình người có công với cách mạng, hộ nghèo trong cả nước. Ủy ban Trung ương MTTQVN các cấp trong cả nước hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho 670.000 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước xóa toàn bộ 153.881 căn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo…
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện gửi Bộ trưởng Tài chính về việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 5/2025. Công điện nêu rõ, nhằm tạo điều kiện cho Nhân dân, người lao động vui đón mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), đồng thời thực hiện chính sách an sinh xã hội, Bộ Tài chính chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện tốt công tác giải quyết, chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ, kịp thời, đúng quy định cho các đối tượng thụ hưởng. Khẩn trương tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 5 trong thời gian từ ngày 25 - 28/4…
Tuy còn nhiều khó khăn, những năm qua, An Giang luôn quan tâm chăm lo an sinh xã hội, “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo người có công. Tỉnh hiện có trên 40.000 người có công đang được quản lý, thực hiện chế độ ưu đãi. Năm 2024, tỉnh chăm lo cho người có công với cách mạng, người cao tuổi, các đối tượng bảo trợ xã hội, hoàn cảnh khó khăn, tổng kinh phí hơn 238 tỷ đồng; 1.059 tấn gạo, tặng hơn 518.000 lượt đối tượng. Đặc biệt, tổ chức chi trả trợ cấp Tết Nguyên đán, 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ đối với 68.572 lượt người có công, cựu chiến binh, số tiền trên 50 tỷ đồng…
Thực hiện Chương trình Xóa nhà tạm, nhà dột nát, toàn tỉnh có 3.335 hộ đủ điều kiện triển khai xây dựng, sửa chữa nhà ở. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang yêu cầu thành viên ban chỉ đạo và địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Trung ương, của tỉnh về Chương trình Xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Tổ chức giải ngân ngay nguồn vốn đã được Ban Chỉ đạo phân bổ đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng; không để thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật. Phấn đấu đến tháng 6/2025, cơ bản hoàn thành, tháng 9/2025 hoàn thành dứt điểm xóa nhà tạm, nhà dột dát trên địa bàn tỉnh. riêng TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc đã hoàn thành trong quý I/2025.
Với sự quan tâm, chăm lo của các cấp, ngành và Nhân dân, người có công trên địa bàn tỉnh có cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, các thế lực thù địch triệt để sử dụng không gian mạng để xuyên tạc, chống phá; rêu rao rằng “bức tranh kinh tế trong nước rất ảm đạm”, “bỏ mặc dân nghèo tự lo”, “Nhà nước rũ bỏ trách nhiệm lo an sinh cho dân”… Chúng lợi dụng các vấn đề xã hội dễ gây bức xúc, đời sống một bộ phận người dân gặp khó khăn, tình trạng tham nhũng, tiêu cực của một số cán bộ, công chức... để cố tình công kích, xuyên tạc chính sách an sinh xã hội.
Những kẻ vô ơn, bạc nghĩa còn phủ nhận cống hiến, hy sinh của anh hùng, liệt sĩ, người có công, nhất là khi cả nước đang long trọng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Các thế lực phản động, cơ hội chính trị tăng cường hoạt động tuyên truyền, chống phá... Những thủ đoạn xuyên tạc hòng làm suy giảm lòng tin của một bộ phận người nhẹ dạ, cả tin, gây “chuyển hóa”, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Mỗi người dân, nhất là cán bộ, đảng viên cần tỉnh táo, nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; nâng cao ý thức, trách nhiệm trong đấu tranh, ngăn chặn hoạt động chống phá trên không gian mạng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, nhất là trong thế hệ trẻ. Tích cực đấu tranh, phản bác hiệu quả thông tin, quan điểm sai trái, phản động, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…
H.N