Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 26-5. Ảnh: CTV
Ở một diễn biến khác, với âm mưu chống phá nước ta, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị cũng thường xuyên theo dõi sát sao các phiên họp Quốc hội để từ đó ra sức xuyên tạc, bóp méo thông tin theo hướng tiêu cực.
Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc về công tác xây dựng pháp luật
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đang diễn ra được coi là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, bởi kỳ họp này xem xét, thảo luận và quyết định khối lượng công việc lớn nhất so với các kỳ họp Quốc hội từ trước đến nay và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có công tác lập hiến, lập pháp. Trong khi Quốc hội và hàng trăm đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đang dành tâm huyết, đóng góp trí tuệ vào quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật thì các thế lực thù địch, cơ hội chính trị mượn kỳ họp Quốc hội làm “cái cớ” để chống phá Việt Nam.
Trước hết, họ phủ nhận sạch trơn những thành quả và quy trình xây dựng pháp luật của nước ta, cho rằng việc sửa đổi, điều chỉnh các luật “mất nhiều thời gian, thể hiện sự yếu kém của công tác lập pháp”… Một số tài khoản mạng xã hội trích dẫn, cắt ghép những phát biểu, dẫn chứng thiếu chính xác về công tác lập pháp của Quốc hội với luận điệu xuyên tạc “luật thích là sửa!!” hay “sửa luật vì lợi ích nhóm”, xuyên tạc về quá trình lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi các dự án luật để vu cáo Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, từ đó hòng can thiệp, tác động vào quá trình xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cũng như làm giảm uy tín của cơ quan lập pháp.
Bên cạnh đó, các luận điệu xuyên tạc còn phủ nhận vai trò của các ĐBQH trong tham gia thảo luận các dự án luật, pháp lệnh tại Quốc hội. Có thể bắt gặp các thông tin, hình ảnh cắt ghép, rồi bình luận khiếm nhã trên mạng xã hội như “ngồi không và bấm nút!!” nhằm làm suy giảm uy tín, vai trò của các ĐBQH.
Với 54 dự án luật, nghị quyết thuộc công tác lập hiến, lập pháp, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, thông qua 34 dự án luật, 14 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác.
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật: nhiệm vụ hết sức cấp thiết
Để xã hội vận hành theo trật tự, quy củ, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đều phải “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Tuy nhiên, thực tiễn luôn có sự vận động, phát triển không ngừng nên Hiến pháp và pháp luật phải có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, từ đó mới có thể điều chỉnh kịp thời các quan hệ xã hội, cũng như phục vụ yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn.
Do vậy, có một điều phải khẳng định rằng, bất kỳ bản Hiến pháp, pháp luật của một đất nước nào cũng phải được điều chỉnh, bổ sung, làm mới trong quá trình phát triển; không có chuyện một bản Hiến pháp, bộ luật áp dụng mãi mãi. Do đó, luận điệu xuyên tạc cho rằng “việc sửa đổi hiến pháp, pháp luật là thể hiện sự yếu kém trong công tác lập pháp” là hoàn toàn sai trái, thể hiện sự thiếu hiểu biết về mặt khoa học và thực tiễn, cũng như ý đồ của những người “tung” các luận điệu trên. Trong suốt quá trình lập pháp của Quốc hội Việt Nam, các luật, bộ luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành đã đáp ứng kịp thời yêu cầu cách mạng trong từng thời kỳ lịch sử của dân tộc.
Ngoài ra, sửa luật hoàn toàn không phải là chuyện “thích là sửa”, “sửa vì lợi ích nhóm”…, bởi việc xây dựng, sửa đổi các dự án luật đều được tiến hành theo quy trình lập pháp công khai, minh bạch, xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Quốc hội kiểm soát toàn bộ hoạt động lập pháp, từ khâu xây dựng chương trình, trình dự án, lấy ý kiến góp ý, thẩm tra, chỉnh lý và thông qua luật. Đối với những dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đều được lấy ý kiến rộng rãi, công khai trong các tầng lớp nhân dân. Đơn cử như trước khi được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường sáng 18-1-2024, Luật Đất đai (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại 4 kỳ họp, 2 hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, 8 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động và trên 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân.
Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với những đòi hỏi cao hơn về thể chế pháp luật. Do đó, việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật là nhiệm vụ hết sức cấp thiết nhằm xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thực tế, việc xây dựng và hoàn thiện một hệ thống pháp luật hiện đại, đồng bộ và khả thi là không dễ dàng, đòi hỏi quyết tâm cao và những định hướng, giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục những hạn chế của hệ thống pháp luật hiện hành đòi hỏi quá trình phức tạp, trải qua nhiều giai đoạn, cấp độ, có liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân, được thực hiện theo những trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
Ngày 30-4-2025, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Tại nghị quyết này, Bộ Chính trị yêu cầu quán triệt thực hiện tốt nhiều nội dung về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Đại biểu Quốc hội có những đóng góp tâm huyết và trách nhiệm
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2025 đã bổ sung các quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện để ĐBQH, các đoàn ĐBQH tham gia từ sớm vào quy trình xây dựng, ban hành luật thông qua việc tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng chính sách, tổ chức soạn thảo văn bản. Vai trò của các ĐBQH trong tham gia thảo luận các dự án luật đã được minh chứng rõ nét qua các phiên thảo luận của kỳ họp Quốc hội, cho thấy sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc, tâm huyết và trách nhiệm, không có chuyện “ngồi không và bấm nút”.
Các đoàn ĐBQH nói chung và Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nói riêng, luôn thường xuyên giữ mối liên hệ với địa phương, tâm huyết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, cũng như rất trách nhiệm trong việc nghiên cứu, tìm hiểu các dự án luật, tác động của nó đối với đời sống thực tiễn để đề đạt những ý kiến xác đáng, phản ánh đến với nghị trường Quốc hội, cũng như các ngành chức năng. Qua truyền thông có thể thấy, các ĐBQH đóng góp rất nhiều ý kiến khoa học, sâu sắc, góp phần tích cực vào công tác lập pháp.
Tham gia thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào ngày 23-5, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đã phát biểu tranh luận làm rõ về Điều 99a của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đại biểu cho rằng, chúng ta cần có một cơ chế để xử lý dứt điểm những vấn đề về các dự án BOT mà trước đây liên quan đến một số nghị quyết giám sát của Quốc hội, liên quan đến chất vấn của Quốc hội. Theo đại biểu, lần này chúng ta một luật sửa 7 luật, trong đó có Luật PPP, việc đưa Điều 99a là xử lý vướng mắc liên quan đến giảm doanh thu của các dự án BOT mà được ký trước ngày luật có hiệu lực. Nội dung của Điều 99a hoàn toàn là điều xử lý tình huống. Đồng tình với Chính phủ cần phải giải quyết ngay, giải quyết càng sớm càng tốt để xử lý những dự án vướng mắc lâu nay nhưng dùng phương pháp nào, sẽ đưa vào sửa trong luật hay có một nghị quyết riêng, hay đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp thì đại biểu cho rằng cần phải tính toán hợp lý để tránh tạo ra những kỹ thuật lập pháp không phù hợp…
Lâm Viên - Thảo Nguyên