Công điện nêu rõ: Kết quả giải ngân đến hết tháng 4-2025 ước đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (16,64%); trong đó, có 24 bộ, cơ quan Trung ương và 12 địa phương tỷ lệ giải ngân thấp dưới mức trung bình cả nước, đặc biệt là 9 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân; 15 bộ, cơ quan Trung ương giải ngân dưới 5%; 12 địa phương giải ngân dưới 10%.
Hết quý I-2025, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đạt 78,7 nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa/baochinhphu.vn
Giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nền kinh tế cũng như tác động lan tỏa đến các ngành nghề có liên quan, góp phần tăng cường an sinh xã hội, cũng như tạo nền tảng về kết cấu hạ tầng để phục vụ phát triển nhanh và bền vững trong dài hạn. Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ tạo ra nút thắt cổ chai đối với nền kinh tế. Hậu quả thể hiện rõ trên một số mặt, như: Ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế; làm giảm uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ; gây lãng phí lớn; giảm việc làm cho người dân, tăng nợ nần cho chủ đầu tư, doanh nghiệp...
Việc giải ngân chậm do nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, nhất là các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện. Do đó, cần đề cao kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người đứng đầu, các cá nhân, đơn vị được giao với tiến độ thực hiện giải ngân của từng dự án; nghiêm túc tổ chức kiểm điểm, xử lý các trường hợp vi phạm, cản trở, làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, để trì trệ, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn, không đáp ứng yêu cầu công việc được giao.
TRẦN ANH MINH