Không thể xuyên tạc, bóp méo 28 Nghị định về phân cấp, phân quyền vì một nền hành chính hiệu quả

Không thể xuyên tạc, bóp méo 28 Nghị định về phân cấp, phân quyền vì một nền hành chính hiệu quả
9 giờ trướcBài gốc
Việc ban hành đồng loạt 28 nghị định kịp thời, đáp ứng quá trình “sắp xếp lại bộ máy”, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao trong việc phân cấp, phân quyền nhằm thúc đẩy hiệu quả quản lý nhà nước, tăng tính chủ động, linh hoạt cho các cấp, các ngành.
Tuy nhiên, mỗi khi Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách thì lập tức, một số thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội chính trị lại bật “loa rè” nhằm bài bác.
Lần này cũng vậy, khi các phương tiện truyền thông đăng tải nội dung của 28 nghị định, những kẻ phản động lưu vong và cả những phần tử bất mãn trong nước lập tức tung ra nhiều luận điệu xuyên tạc, hòng xuyên phá niềm tin của Nhân dân, gây hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng và tính hợp pháp của Chính phủ.
Có thể nói, việc ban hành 28 nghị định về phân cấp, phân quyền là kết quả trực tiếp từ Nghị quyết số 18, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII), trong đó nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phân định rõ phân cấp - phân quyền - ủy quyền - phối hợp giữa các cấp, các ngành, các cơ quan.
Các nghị định đã ban hành nhằm phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng bộ, cơ quan ngang bộ; xác lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, không chồng chéo giữa các bộ, ngành trong xử lý công việc liên ngành; đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước cho địa phương, đặc biệt trong các lĩnh vực như đầu tư công, đất đai, xây dựng, tài chính, giáo dục, y tế… nhằm tạo điều kiện cho chính quyền địa phương phát huy vai trò quản trị và phát triển; đặc biệt là bãi bỏ, đơn giản hóa hàng trăm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời tái cấu trúc bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn và chuyên nghiệp hóa.
Có thể khẳng định, việc ban hành đồng loạt 28 nghị định không chỉ là một thay đổi về thủ tục hành chính, mà là một cuộc cải cách thể chế sâu sắc, góp phần hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phục vụ Nhân dân tốt hơn.
Mặc dù chủ trương phân cấp, phân quyền là đúng đắn, hợp lòng dân, được cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền các địa phương đánh giá cao, nhưng một số thế lực thù địch lại tìm cách xuyên tạc.
Chúng mạnh miệng cho rằng: “Chính phủ mất kiểm soát, buông lỏng quản lý”. Trên một số trang, những luận điệu bịa đặt đã được “phun ra” nào là Chính phủ “rút lui khỏi quản lý” hoặc “buông lỏng trách nhiệm”, dẫn đến rối loạn, tiêu cực, tham nhũng tràn lan ở địa phương (Đỗ Dzũng – Nửa vòng trái đất TV).
Trên thực tế, phân cấp không đồng nghĩa với buông lỏng. Các nghị định đều quy định rõ nguyên tắc phân cấp đi kèm với kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình và cơ chế thanh tra, giám sát chặt chẽ từ Trung ương. Điều này đảm bảo rằng việc trao quyền luôn đi kèm với trách nhiệm và chế tài xử lý vi phạm. Hơn nữa, hệ thống kiểm tra, giám sát Đảng, Quốc hội và các cơ quan báo chí vẫn thực hiện tốt vai trò kiểm soát quyền lực.
Một số luận điệu độc hại còn cố tình quy kết rằng việc phân cấp mạnh sẽ tạo điều kiện cho “cục bộ địa phương”, “nhóm lợi ích” thao túng, chia chác nguồn lực, gây bất công. Chúng đã cố tình không nhắc tới chuyện việc phân cấp được thực hiện trên nguyên tắc công khai, minh bạch, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Nội vụ thẩm định, giám sát. Không có chuyện “chia quyền lợi” mà là trao quyền để nâng cao hiệu quả phục vụ người dân. Việc trao quyền là để giảm sự chồng chéo, tiết kiệm thời gian, chi phí xã hội và là bước chuẩn bị cho sự phát triển nhanh hơn.
Mấy anh “dân chủ cuội”, mấy “nhà đấu tranh” bên hải ngoại, mấy “trí thức lớn” trong nước còn mạnh miệng cho rằng: “... các nghị định được ban hành vội vàng, không sát thực tế”, “thiếu nghiên cứu”, “không tham khảo ý kiến Nhân dân” – Facebook Nguyễn Văn Đài.
Bọn chúng nói vậy mà không hiểu hoặc cố tình không hiểu, các văn bản của Đảng, Chính phủ đều được soạn thảo thận trọng, nghiêm túc; được xây dựng công phu, có sự tham gia của các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học, các địa phương và doanh nghiệp trong nhiều vòng góp ý, khảo sát thực tế và kiểm chứng pháp lý đầy đủ. Quá trình xây dựng tuân thủ đúng quy trình lập pháp, đã được Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp thẩm định chặt chẽ.
Có thể khẳng định, việc ban hành 28 nghị định về phân cấp, phân quyền không chỉ nhằm tái cơ cấu lại bộ máy hành chính nhà nước, mà còn là bước đi quan trọng để thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý từ “quản lý bao cấp” sang “quản trị hiện đại” - lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu phát triển nhanh - bền vững, thì phân cấp, phân quyền là một tất yếu khách quan, không làm suy yếu vai trò quản lý nhà nước, mà ngược lại, giúp bộ máy hành chính linh hoạt hơn, hiệu quả hơn và minh bạch hơn.
Dù vậy, như đã nói ở trên, các thế lực thù địch luôn tìm đủ mọi cách để xuyên tạc mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, mục tiêu của chúng không gì khác là gây nhiễu loạn thông tin, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước... Vì thế, cán bộ, đảng viên, Nhân dân cần hiểu rõ bộ mặt thật của chúng, từ đó đề cao cảnh giác và không ngừng củng cố niềm tin với Đảng.
Lê Đình Phiên
Nguồn Lào Cai : https://baolaocai.vn/khong-the-xuyen-tac-bop-meo-28-nghi-dinh-ve-phan-cap-phan-quyen-vi-mot-nen-hanh-chinh-hieu-qua-post648704.html