Trường THCS Thanh Xuân vừa thông báo kế hoạch tuyển sinh năm học mới 2025-2026. Cụ thể nhà trường tuyển 360 học sinh, chia đều cho 9 lớp thông qua phương thức xét tuyển kết hợp đánh giá năng lực.
Về điều kiện dự tuyển, thí sinh có điểm các bài kiểm tra định kỳ cuối năm các môn Toán, Tiếng Việt, tiếng Anh đạt từ 9 điểm/môn trở lên. Tổng điểm xét tuyển hồ sơ tối đa 10 điểm (mỗi năm học được tính 2 điểm). Trong đó, lớp 1, 2 tính điểm kiểm tra định kỳ cuối năm học môn Toán và Tiếng Việt. Lớp 3, 4, 5 tính điểm kiểm tra định kỳ cuối năm học thêm môn tiếng Anh.
Nhà trường lưu ý, mỗi điểm 9 của từng năm học trừ 0,25 điểm trên tổng điểm xét tuyển. Về điểm ưu tiên, thí sinh có thể được cộng 1-2 điểm tùy thuộc vào đối tượng theo quy định của trường.
Về bài thi đánh giá năng lực, nội dung gồm môn Toán, Tiếng Việt, tiếng Anh thuộc chương trình tiểu học, chủ yếu trong chương trình lớp 5. Thí sinh làm bài kiểm tra trắc nghiệm khách quan kết hợp tự luận, trong đó đảm bảo yêu cầu 4 cấp độ nhận thức. Thời gian làm bài 40 phút/bài
Điểm tuyển sinh = Điểm xét tuyển học bạ + Điểm đánh giá năng lực (hệ số 2) + Điểm ưu tiên (nếu có).
Nhiều trường THCS Hà Nội sử dụng bài thi đánh giá năng lực để tuyển sinh lớp 6. (Ảnh minh họa)
Trước đó, trường THCS Ngoại ngữ (trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng thông báo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2025-2026. Năm nay trường dự kiến tuyển sinh 150 học (25 học sinh/lớp), theo 2 hình thức tuyển sinh: xét tuyển thẳng và xét tuyển bằng hồ sơ.
Ngoài tối đa 18 chỉ tiêu xét tuyển thẳng, số còn lại trường xét tuyển bằng hồ sơ, với cách tính điểm xét tuyển như sau: Điểm xét tuyển = Điểm quy đổi kết quả giáo dục 5 năm Tiểu học + Điểm bài thi đánh giá năng lực tổng hợp PSA. Trong đó, kết quả giáo dục của năm học đạt mức xuất sắc; tốt; hoàn thành lần lượt được tính 4 điểm; 3 điểm; 1điểm/năm học.
Bài thi đánh giá năng lực tổng hợp PSA (Primary school Student Assessment) là bài đánh giá năng lực tổng hợp học sinh tiểu học do trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia tổ chức vào tháng 4 - 5.
Đề thi PSA gồm ba phần: Khoa học tự nhiên và Toán, Khoa học xã hội và Tiếng Việt, tiếng Anh. Trong đó, hai phần đầu mỗi bài gồm 15 câu (25 điểm), phần tiếng Anh 30 câu (50 điểm). Nội dung câu hỏi nằm trong chương trình phổ thông, trọng tâm ở lớp 4 - 5. Tất cả trong 70 phút.
Năm nay, trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm tuyển 330 học sinh (tại 2 cơ sở). Trường tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển và đánh giá năng lực liên tục đến khi hết chỉ tiêu.
Trong đó, hình thức xét tuyển gồm xét học bạ tiểu học và phỏng vấn trực tiếp. Với hình thức đánh giá năng lực, nhà trường tổ chức thông qua hình thức phỏng vấn và bài làm đánh giá năng lực. Học sinh được trả lời phỏng vấn và làm bài trên giấy.
Bài làm trên giấy gồm: Tư duy Khoa học - Toán; Tư duy ngôn ngữ Tiếng Việt; Tư duy ngôn ngữ tiếng Anh. Tổng thời gian làm bài 90 phút. Câu hỏi gồm các dạng thức trắc nghiệm và tự luận. Bài thi chấm thang điểm 10. Xét tuyển dựa trên kết quả phỏng vấn (mức đạt) và điểm của 3 bài đánh giá năng lực. Nhà trường thông báo kết quả trực tiếp cho cha mẹ học sinh sau 2 ngày tổ chức kỳ thi.
Mùa tuyển sinh năm nay, trường THCS - THPT Lương Thế Vinh chuyển hình thức đánh giá năng lực tuyển sinh lớp 6 từ thực hiện trên giấy sang trên máy tính. Theo đại diện nhà trường, hệ thống khảo sát trên máy tính đảm bảo tự động lưu bài làm, hạn chế sai sót, đồng thời rút ngắn thời gian xử lý kết quả, giúp phụ huynh và học sinh có trải nghiệm thuận lợi hơn.
Cấu trúc bài khảo sát của trường này gồm 2 phần: Kỹ năng tư duy ngôn ngữ trong 60 phút (trong đó Ngôn ngữ Tiếng Việt 25 câu trắc nghiệm, Ngôn ngữ tiếng Anh 25 câu trắc nghiệm) và Kỹ năng tư duy logic trong 30 phút (12 câu hỏi gồm trắc nghiệm và điền kết quả).
Năm nay, thời gian tổ chức tuyển sinh lớp 6 của trường vào Chủ nhật, ngày 13/4. Học sinh sẽ thực hiện khảo sát trên máy tính trực tiếp tại trường ở cơ sở quận Cầu Giấy hoặc huyện Thanh Trì.
Kim Nhung