Khoảng 3 ngày trước khi nhập viện, ông B. đột ngột kích thích, hoảng loạn, ăn kém, nghẹn họng, sợ nước và sợ gió. Tại bệnh viện tuyến dưới, ông được chẩn đoán mắc bệnh dại và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
ThS.BS Trần Văn Bắc – Phó Trưởng khoa Cấp cứu – cho biết: "Khi nhập viện, bệnh nhân có triệu chứng điển hình của bệnh dại thể hung dữ như kích động, hoảng loạn, tăng tiết đờm dãi, mắt đỏ, tai thính. Những biểu hiện này cho thấy bệnh đã ở giai đoạn toàn phát, cực kỳ nguy hiểm và hầu như không thể chữa khỏi."
Bệnh nhân nhập viện với nhiều triệu chứng điển hình của bệnh dại. Ảnh: BVCC
Hiện bệnh nhân đang được theo dõi và chờ kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên, dựa trên các biểu hiện lâm sàng và tiền sử bị chó cắn nghi dại, các bác sĩ chẩn đoán ông có thể đã mắc bệnh dại.
BS. Nguyễn Nguyên Huyền
Bệnh dại không có cơ hội thứ hai. Một mũi tiêm kịp thời có thể cứu cả cuộc đời – đừng để sự chủ quan phải trả giá bằng tính mạng.
BS CKII Nguyễn Nguyên Huyền – Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch và Tiêm chủng – giải thích: "Bệnh dại là viêm não tủy cấp tính do virus dại gây ra. Bệnh lây sang người qua vết cắn, cào sâu hoặc khi nước bọt của động vật dại tiếp xúc với vùng da bị tổn thương hoặc niêm mạc."
Virus dại có trong nước bọt của động vật mắc bệnh. Động vật được tiêm vaccine dại đầy đủ sẽ có kháng thể và không lây truyền virus.
Khi bị động vật cắn hoặc cào, hãy rửa sạch vết thương ngay lập tức dưới vòi nước chảy với xà phòng trong 15 phút.
Ở người, khi đã có triệu chứng lâm sàng, bệnh dại biểu hiện như: Sợ nước (chứng sợ nước); Sợ gió (chứng sợ không khí); Co giật, rối loạn tri giác, liệt.
Bệnh dại ở người gần như luôn dẫn đến tử vong nếu không được xử lý dự phòng kịp thời (tiêm vaccine và/hoặc huyết thanh kháng dại) ngay sau khi bị cắn/cào.
Theo bác sĩ Huyền, khi bị động vật cắn hoặc cào, hãy rửa sạch vết thương ngay lập tức dưới vòi nước chảy với xà phòng trong 15 phút. Tuyệt đối không chà xát, không đắp lá hay dùng thuốc dân gian. Đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm vaccine dại, huyết thanh kháng dại (nếu cần) càng sớm càng tốt. Không đợi theo dõi vật nuôi nếu không chắc chắn hoặc vật nuôi có biểu hiện bất thường.
Bác sĩ Huyền nhấn mạnh, nhiều người e ngại tiêm vaccine vì sợ "độc" hay tác dụng phụ, nhưng đó là hiểu lầm. Tất cả vaccine phòng dại hiện nay đều an toàn và đã được kiểm định nghiêm ngặt. Sự chần chừ sau khi bị cắn có thể khiến người bệnh mất đi cơ hội sống duy nhất.
Mổ lấy thai cho sản phụ, bác sĩ phát hiện u quái cắm sâu vào eo tử cung.