Thí sinh tham dự Đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: HUST)
Ngày 6/5, Đại học Bách khoa Hà Nội thông tin cho biết, TSA đợt 3 là đợt cuối của năm 2025 được tổ chức trong 4 kíp thi (diễn ra vào các sáng, chiều ngày 26 và 27/4). Trong kíp 3 của đợt TSA này, Hội đồng thi Đại học Bách khoa Hà Nội ghi nhận có 3 câu hỏi thi liên quan tới số phức và 1 câu bị lỗi hiển thị.
Ban đề thi đã xác định các câu hỏi thi này đều nằm trong “bộ cầu” dùng để cân bằng đề thi giữa các năm.
Hội đồng thi đã quyết định không chấm điểm và loại các câu hỏi thi này ra khỏi “bộ cầu”. “Số lượng các câu hỏi thi còn lại trong bộ cầu vẫn bảo đảm kỹ thuật tính toán các tham số cho việc cân bằng đề thi, bảo đảm tính công bằng cũng như không ảnh hưởng đến quá trình chấm điểm TSA của bài thi”, đại diện Ban Tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định.
Theo giải thích của các Đại học Bách khoa Hà Nội, các câu cầu chung ở cả 2 đề dùng để "kéo" các kết quả thi của các đợt, các kíp khác nhau về cùng một thang đo, bảo đảm tính công bằng của tất cả các đợt thi.
Mô tả thiết kế đề thi, thể hiện vị trí câu hỏi "cầu".
Trước đó, Đại học Bách khoa cho biết bài thi đánh giá tư duy TSA được sử dụng lý thuyết đáp ứng câu hỏi trong việc tính toán điểm số TSA của học sinh, phương pháp chấm điểm là căn cứ vào mức độ khó của các câu hỏi mà từng thí sinh trả lời được thì mức năng lực tương ứng sẽ được ước lượng, sau đó, điểm số này sẽ được quy đổi về thang điểm 100.
Barem chấm điểm sẽ được hình thành sau khi có kết quả làm bài thi của thí sinh sau mỗi đợt thi. Căn cứ kết quả thi của thí sinh, thuật toán chấm thi sẽ xác định mức độ tư duy của mỗi câu hỏi theo tỷ lệ thí sinh trả lời đúng câu hỏi đó, theo nguyên tắc câu có ít thí sinh trả lời đúng sẽ là câu có mức độ tư duy cao, câu có nhiều thí sinh trả lời đúng sẽ là câu có mức độ tư duy thấp.
Barem chấm điểm hình thành theo nguyên tắc câu hỏi có mức độ tư duy cao sẽ được điểm cao tương ứng với tỷ lệ thí sinh trả lời đúng, câu có mức độ tư duy thấp sẽ được điểm thấp trong tương ứng với tỷ lệ thí sinh trả lời đúng.
Bên cạnh đó, để bảo đảm tính công bằng giữa các đợt thi với nhau, kỳ thi TSA của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng áp dụng bộ câu hỏi "cầu" chuẩn - hay còn gọi là câu hỏi cầu nối, câu hỏi chung - giữa các đề thi để đưa các chỉ số đánh giá kỳ thi về cùng một thang đo.
Công nghệ này sẽ bảo đảm các thí sinh trong đợt thi khác nhau đều được đánh giá trên cùng một thang đo chung, từ đó bảo đảm tính công bằng về kết quả giữa các đợt thi.
THANH XUÂN