Không 'tinh giản' trách nhiệm!

Không 'tinh giản' trách nhiệm!
2 ngày trướcBài gốc
Nhưng đi kèm với đó, trong quá trình triển khai, không tránh khỏi việc nảy sinh tâm tư, “làm cầm chừng”... ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Hơn lúc nào hết, lúc này, tinh thần cách mạng cần được lan tỏa trong từng con người, biến thành hành động, bởi tinh giản bộ máy chứ tuyệt đối không “tinh giản” trách nhiệm.
1. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính từ Trung ương đến cơ sở đã và đang nhận được sự đồng tình cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là một chủ trương trúng, đúng, được kỳ vọng sẽ tiết kiệm ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy nhà nước, đáp ứng đòi hỏi của công cuộc phát triển đất nước.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đi cùng với tinh giản biên chế ở các cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ có những cán bộ, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng. Do vậy, khó tránh khỏi trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nảy sinh tâm tư, dẫn đến có thái độ công tác chưa tốt, thậm chí là sa sút ý chí, chán nản không muốn làm việc hoặc làm việc cầm chừng, chờ nghỉ… Điều này dẫn tới “đứt gãy” công việc, ảnh hưởng đến uy tín, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Có nơi có hiện tượng buông lỏng công tác lãnh đạo, quản lý. Có cơ quan, đơn vị chưa làm hết trách nhiệm trong việc tham gia ý kiến, tham mưu đối với hồ sơ chủ trương đầu tư, hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư và tổ chức giám sát thực hiện đầu tư dự án…, gây ảnh hưởng tới người dân và doanh nghiệp… Tâm lý tiêu cực, nếu không được nhận diện và xử lý kịp thời, sẽ vô hình trung làm ảnh hưởng ý nghĩa của cuộc cách mạng lớn lao này.
Trong bối cảnh ấy, những chỉ đạo quyết liệt của các địa phương, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật là biện pháp hết sức kịp thời và cần tăng cường.
Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND (ngày 10-3-2025), yêu cầu cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra chậm trễ, vi phạm trong giải quyết thủ tục hành chính. Nội dung đáng chú ý trong Chỉ thị này là, nếu cấp dưới vi phạm, người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới. Đây là tín hiệu rõ ràng về tinh thần “không có vùng an toàn” trong thực thi công vụ.
Ngay sau đó, Hà Nội tiếp tục có động thái thúc đẩy hiệu quả vận hành của bộ máy hành chính khi yêu cầu các đơn vị rút ngắn thời gian xử lý thủ tục, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và đổi mới sáng tạo được triển khai nhanh, đồng bộ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 8% năm 2025. Điều này cho thấy, Hà Nội xác định rất rõ, song hành với triển khai nhiệm vụ tinh gọn bộ máy, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tương tự, tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành văn bản chấn chỉnh kỷ cương hành chính, yêu cầu các cơ quan, đơn vị siết lại công tác quản lý, tăng cường trách nhiệm đi kèm với làm tốt công tác tư tưởng. Đây là những ví dụ điển hình về việc quyết không để bị “hẫng nhịp”, bỏ trống địa bàn khi tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy.
2. Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy không thể thành công nếu không có sự lãnh đạo toàn diện, xuyên suốt của tổ chức Đảng. Trong đó, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp giữ vai trò hạt nhân, có trách nhiệm định hướng tư tưởng, ổn định tâm lý cán bộ, công chức, người lao động, giữ vững kỷ luật, kỷ cương. Đặc biệt, ở cấp huyện - nơi tiếp nhận chính sách từ Trung ương, tỉnh, thành phố, triển khai đến cơ sở, nếu buông lỏng vai trò lãnh đạo, sẽ gây ra nhiều hệ lụy.
Tinh giản bộ máy không phải là giảm bớt người làm được việc, càng không phải là tạo ra khoảng trống tổ chức. Đây là cơ hội để lựa chọn những cán bộ có năng lực thực chất, tư duy đổi mới, tinh thần phụng sự. Cải cách bộ máy để bộ máy hoạt động hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn. Những người thực sự có năng lực, có tinh thần trách nhiệm sẽ luôn có vị trí xứng đáng.
Vì vậy, tổ chức Đảng cần thể hiện tốt vai trò lãnh đạo, nói đi đôi với làm, bảo đảm khách quan, công tâm, minh bạch trong sàng lọc cán bộ. Cấp ủy phải là nơi “truyền lửa”, xốc lại tinh thần, tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động trong toàn hệ thống chính trị.
Suy cho cùng, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ là một cuộc cải cách về cơ cấu mà còn là một cuộc cách mạng về tư tưởng. Bởi chỉ khi từng cán bộ hiểu đúng, làm đúng, có trách nhiệm và dám dấn thân, thì bộ máy tinh gọn mới có thể vận hành hiệu quả. Điều đó đòi hỏi người cán bộ, đảng viên thay vì tâm trạng lo lắng, cần xác định mục tiêu nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công, sẵn sàng tâm thế để tiếp tục cống hiến khi được bố trí, sắp xếp nhiệm vụ mới. Bởi dù ở cương vị nào, mỗi cán bộ, đảng viên đều có thể cống hiến vì sự phát triển chung của địa phương; phải chủ động đón nhận thách thức, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì sự vận hành thông suốt của hệ thống.
Đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị không chỉ cần có năng lực chuyên môn, mà phải có bản lĩnh chính trị, khả năng truyền cảm hứng và thúc đẩy tinh thần trách nhiệm trong đội ngũ. Cải cách tổ chức không thể thành công nếu người lãnh đạo thiếu quyết đoán, né tránh trách nhiệm hay buông lỏng kỷ luật. Nếu để cán bộ tâm tư, làm việc cầm chừng, bộ máy sẽ khó vận hành hiệu quả. Do đó, mỗi cá nhân trong hệ thống, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng phải hành động mạnh mẽ, dứt khoát và thuyết phục bằng chính hiệu quả công việc của mình. Và việc người đứng đầu cấp ủy, các cấp cần làm ngay là chấn chỉnh tâm lý chờ đợi, trì hoãn giải quyết công việc, gây ách tắc, lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Cách mạng tiến lên mãi, Đảng tiến lên mãi. Cho nên người cách mạng cũng phải tiến lên mãi”. Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hôm nay chính là phép thử về lòng trung thành, về năng lực hành động, về ý chí vượt lên của từng cán bộ, đảng viên. Vượt qua được thử thách này, chúng ta sẽ tạo ra một nền hành chính thực sự vì dân, vì nước, đúng với mục tiêu mà Đảng đã đề ra và nhân dân đang kỳ vọng.
Bình Yên
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/khong-tinh-gian-trach-nhiem-697378.html