Hình ảnh nhóm nữ du khách dàn hàng ngang giữa quốc lộ để chụp ảnh. (Ảnh cắt từ clip)
Thời gian qua, hành vi vi phạm giao thông vì mục đích “sống ảo” đã không còn hiếm gặp. Điển hình như trường hợp hai người phụ nữ liều lĩnh chụp ảnh ngay trước mũi tàu đang vào ga tại Vĩnh Phúc. Clip lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh hai người phụ nữ tạo dáng ngay trước mũi tàu đang chạy khiến nhiều người bức xúc vì hành vi thiếu ý thức, coi thường mạng sống, coi thường pháp luật.
Thông tin từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), ngày 12/3, tại khu gian Hướng Lại, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, đoàn tàu 3206 đang đi tới km54 thì xuất hiện hai người phụ nữ bước trên đường ray chụp ảnh, mặc cho lái tàu phải phanh gấp và kéo còi liên tục. Khi tàu chỉ cách khoảng 10m, người phụ nữ mới nhảy xuống khỏi đường ray, rất may vụ việc chưa gây thiệt hại về người và tàu. “Đây là hành vi vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Nếu tai nạn xảy ra sẽ nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu và kế hoạch khai thác của ngành Đường sắt, cần phải xử lý nghiêm”, đại diện VNR cho biết.
Thực trạng vi phạm giao thông liên quan tới việc chụp ảnh, quay video, livestream không còn xa lạ trong xã hội hiện nay. Sự bùng nổ của mạng xã hội và thiết bị di động thông minh khiến trào lưu “sống ảo” phát triển mạnh. Chụp ảnh là nhu cầu bình thường của người dân nhưng việc không ít người sẵn sàng tạo dáng giữa đường, giữa phố, bất chấp an toàn của bản thân và người khác là vô cùng đáng trách. Không ít người sẵn sàng bất chấp an toàn và pháp luật chỉ để đổi lấy vài lượt thích, chia sẻ.
Thực tế trên đặt ra yêu cầu phải siết chặt hơn nữa công tác xử lý hành vi vi phạm giao thông vì mục đích “sống ảo”, nhằm bảo đảm trật tự an, toàn giao thông và giữ gìn nét văn minh trong đời sống xã hội. PGS.TS Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, chụp ảnh không phải là hành động xấu. Nhưng nếu chụp ảnh gây hậu quả nghiêm trọng cho bản thân và xã hội, đơn cử như vụ việc hai cô gái chụp trước đầu tàu hỏa đang chạy hết sức sai lầm và đáng lên án.
Để hạn chế tình trạng này, PGS.TS Phạm Ngọc Trung đề xuất xử phạt mạnh tay hơn, thậm chí tăng mức phạt cao. Riêng các trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, cần xem xét xử lý hình sự. Chỉ khi áp dụng các biện pháp mạnh, các hành vi coi thường tính mạng chỉ để chụp ảnh “sống ảo” mới chấm dứt.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia văn hóa nhận định, việc các nền tảng mạng xã hội chưa được kiểm soát chặt chẽ, cùng với sự thiếu vắng các biện pháp xử lý đối với những nội dung phản cảm, đã và đang vô tình tiếp tay cho các hành vi làm lệch chuẩn văn hóa giao thông vì mục đích “sống ảo”. Chính vì vậy, các đơn vị quản lý nền tảng mạng xã hội cũng cần triển khai những công cụ kiểm soát hiệu quả đối với các nội dung này.
Linh Chi