Khu đền cổ Muarajambi - đánh thức những giá trị nghìn năm

Khu đền cổ Muarajambi - đánh thức những giá trị nghìn năm
10 giờ trướcBài gốc
Các cô gái mời những vị khách đặc biệt sản vật địa phương trong bữa trưa ngay dưới tán cây trong Khu đền cổ. (Ảnh: Đỗ Quyên/TTXVN)
Sau hơn 500 năm bị bỏ hoang và phủ kín bởi rừng rậm, Khu đền cổ Muarajambi ở tỉnh Jambi, đảo Sumatra, Indonesia đã được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1824.
Đến nay, thêm 200 năm tiếp theo, khu di tích này đã được hồi sinh từng phần và đang trong quá trình tiếp tục được nghiên cứu, phục dựng và bảo tồn.
Khu đền cổ Muarajambi là một trong những quần thể di tích Phật giáo lớn nhất Đông Nam Á.
Với diện tích gần 12km2, khu di tích này bao gồm hơn 115 công trình, trong đó có ít nhất 82 ngôi đền và tu viện cổ, chủ yếu được xây dựng bằng gạch nung.
Các công trình này có niên đại từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 14, gắn liền với lịch sử của Vương quốc Melayu cổ đại và đế chế Srivijaya.
Nỗ lực khôi phục và bảo tồn
Được phát hiện từ năm 1824, nhưng phải sau hơn 100 năm tiếp theo, vào năm 1975 các nỗ lực khai quật và nghiên cứu Muarajambi mới được khởi động khi nhà khảo cổ học R. Soekmono của Indonesia khởi xướng các chiến dịch khảo cổ quy mô lớn, hé lộ diện mạo thực sự của quần thể đền Muarajambi.
Qua thời gian, khu di tích dần được đánh giá đúng tầm vóc như một báu vật khảo cổ của Đông Nam Á.
Dưới tán một loài cây ước tính khoảng 200 năm tuổi trong quần thể những ngôi đền cổ, ông Agus Widiatmoko, người đứng đầu Cơ quan Bảo tồn Di sản Văn hóa Jambi cho biết những nỗ lực bảo tồn khu vực này không chỉ nhằm gìn giữ cấu trúc vật lý của Muarajambi, mà còn làm sống lại tinh thần học thuật và tôn giáo đã từng thắp sáng cả một giai đoạn huy hoàng trong lịch sử Đông Nam Á.
Trên thực tế, quá trình phục dựng Muarajambi chỉ được thực sự bắt đầu từ những năm 2000, với sự tham gia của các nhà khảo cổ học, kiến trúc sư và chuyên gia bảo tồn trong và ngoài nước.
Nhận thức rõ tầm quan trọng và những giá trị lâu đời của Muarajambi, năm 2009, Indonesia đã chính thức đưa Muaro Jambi vào danh sách ứng viên cho Di sản Thế giới để đề xuất UNESCO công nhận. Đến năm 2013, Indonesia đã công nhận Muarajambi là Khu di sản văn hóa quốc gia.
Ngôi làng Danau Lamo bên bờ sông Batanghari, tuyến đường thủy dẫn tới những ngôi đền cổ. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)
Từ năm 2022, chính phủ Indonesia đã thúc đẩy để tăng cường hơn nữa nỗ lực bảo tồn khu di tích này, bao gồm việc mở rộng diện tích bảo vệ lên 130ha và tiến hành khai quật, phục dựng các ngôi đền như Kedaton, Gumpung I, Gumpung II, Tinggi I, Tinggi II, Astano, Kotomahligai, Gedong I, Gedong II và hồ Telagorajo.
Các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật mới, như ngói lợp mái và dấu vết của các công trình bằng gỗ, cho thấy khu đền đã bị bỏ hoang từ khoảng thế kỷ 13-14.
Một số ngôi đền vẫn chưa được khai quật hoàn toàn để bảo vệ hệ sinh thái xung quanh và các loài cây có giá trị văn hóa đối với cộng đồng địa phương.
Bà Undri, Giám đốc xúc tiến văn hóa, Tổng vụ Ngoại giao văn hóa, Xúc tiến và Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa Indonesia), cho biết phục dựng Muarajambi không chỉ là nỗ lực của chính phủ Indonesia mà còn có sự tham gia của các tổ chức quốc tế và chuyên gia từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chính phủ Indonesia cũng hợp tác với các tổ chức như Tổ chức Di sản Quốc tế (IHA) để nâng cao giá trị và tầm ảnh hưởng của khu di tích này.
Những năm gần đây, Indonesia đã quan tâm đầu tư nhiều hơn cho Muarajambi. Năm 2024, Chính phủ đã phân bổ 650 tỷ rupiah (tương đương 42,2 triệu USD) cho công tác nghiên cứu, khảo cổ và phục hồi toàn diện khu vực này.
Theo Bộ Văn hóa Indonesia, nguồn kinh phí này sẽ tập trung vào các hoạt động bao gồm: trùng tu đền đài, di tích bằng phương pháp khảo cổ bảo tồn, xây dựng bảo tàng Muarajambi để trưng bày hiện vật, tiếp tục khai quật 115 địa điểm tiềm ẩn di tích, quy hoạch du lịch sinh thái-văn hóa bền vững.
Nhiều ngôi đền như Gumpung, Tinggi, Astano, Kedaton đã được khai quật, phục hồi và mở cửa cho khách tham quan. Hệ thống 8 ngôi làng đệm xung quanh khu di tích cũng được phát triển theo hướng du lịch cộng đồng, kết hợp với bảo tồn văn hóa truyền thống của người dân Jambi.
Bước vào quần thể Muarajambi bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được sự khác biệt. Một không gian thanh tịnh tạo nên những âm thanh lắng dịu khiến tâm trí con người được giũ sạch bụi bặm. Cảm giác như đang bước vào một chiều không gian khác, nơi quá khứ và hiện tại chạm nhau qua sự tĩnh tại thuần khiết, thấm đẫm những triết lý Phật giáo.
Theo ông Agus Widiatmoko, địa điểm này không chỉ có giá trị lịch sử và khảo cổ cao mà còn tiếp tục đóng vai trò là điểm tụ họp tâm linh của Phật tử từ khắp nơi. Mục tiêu của Indonesia là phục hồi chức năng lịch sử của Muarajambi như một trung tâm giáo dục và học tập tâm linh, qua đó khẳng định tầm quan trọng của khu vực này như một di sản toàn cầu. Ở đây cũng tạo ra một phong cách du lịch thân thiện môi trường, bảo vệ tối đa cảnh quan xung quanh.
Không đồ nhựa và khói xe
Trong quá trình phục dựng và tổ chức phát triển du lịch, một nguyên tắc xuyên suốt và nghiêm ngặt được đặt ra là bảo tồn tối đa thiên nhiên và hạn chế đến mức thấp nhất các tác nhân ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của khu vực Muarajambi.
Tổng quãng đường dẫn đến những ngôi đền cổ trong quần thể đang được mở cửa cho khách đến thăm là khoảng 8km, được thiết kế uốn lượn để tránh những cái cây và được trải sỏi thay vì đổ bê tông hoặc đổ nhựa.
Xe điện là phương tiện duy nhất được phép sử dụng để đi thăm đền cổ trong khu vực Muarajambi. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)
Khách thăm đền sẽ được cung cấp những chiếc xe máy điện tự lái hoặc được bố trí di chuyển theo nhóm 4-5 người bằng xe điện 3-4 bánh loại nhỏ. Các khu nhà chức năng trong khuôn viên Muarajambi đều được xây bằng gỗ. Không có bất kỳ bóng dáng đồ nhựa nào trong phạm vi di tích.
Đền Muarajambi rộng khoảng 4.000 ha và trải dài hơn 7km dọc theo con sông Batanghari dài nhất của đảo Sumatra. Một đoạn của dòng sông được đưa vào hành trình khám phá những ngôi đền cổ.
Những chiếc thuyền chở khách đều được làm bằng gỗ và sử dụng động cơ điện, không tiếng ồn, không khói bụi.
Nhẹ nhàng ghé vào ngôi làng Danau Lamo bình yên bên dòng Batanghari, những vị khách phương xa có thể nghỉ ngơi trong ngôi nhà sàn bằng gỗ, thưởng thức những sản vật địa phương và để tâm trí lắng lại trong sự bình an.
Chính quyền Indonesia đã chú trọng đến việc phát triển du lịch bền vững, kết hợp giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế địa phương. Thay vì xây dựng các khách sạn hiện đại trong khu vực di tích, chính quyền khuyến khích việc sử dụng nhà sàn truyền thống của người Jambi làm nơi lưu trú cho du khách.
Điều này không chỉ giúp bảo vệ cảnh quan và không gian văn hóa đặc trưng của khu di tích, mà còn tạo cơ hội cho cộng đồng địa phương tham gia vào ngành du lịch.
Ngoài ra, các hoạt động như chợ truyền thống, lễ hội văn hóa và ẩm thực địa phương cũng được tổ chức để thu hút du khách và tăng thu nhập cho người dân./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/khu-den-co-muarajambi-danh-thuc-nhung-gia-tri-nghin-nam-post1040174.vnp