Khách tham quan hiện vật tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh minh họa).
Tại lễ tiếp nhận, thân nhân gia đình cụ Phạm Văn Công đã trao tặng Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch 2 bộ hiện vật gốc, gồm bộ bàn ghế và bộ ấm chén đã được sử dụng để đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm gia đình vào đêm Giao thừa Tết Quý Mão 1963; hai bức ảnh quý ghi lại khoảnh khắc Bác Hồ đến thăm gia đình và 20 file ảnh tư liệu về hoạt động yêu nước của kiều bào tại Tân Thế giới (New Caledonia - một lãnh thổ hải ngoại thuộc Cộng hòa Pháp) hướng về Bác Hồ kính yêu. Đây là những hiện vật và tư liệu đã được gia đình lưu giữ hơn 60 năm qua.
Theo lời kể của gia đình, Đêm giao thừa Tết Quý Mão (ngày 24/1/1963), trong khi cả nhà đang tất bật chuẩn bị đón giao thừa, bất ngờ Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện tại ngôi nhà nhỏ số 97 Đại La, Hà Nội - nơi ở của gia đình ông Phạm Văn Công và bà Nguyễn Thị Quyển, một gia đình Việt kiều vừa hồi hương từ Tân Thế Giới.
Khi Bác đến, chỉ có ông Phạm Văn Công và bà Nguyễn Thị Quyển ở nhà. Trong ánh đèn ấm áp của đêm Xuân, Bác đã ân cần thăm hỏi chuyện chuẩn bị Tết, bánh chưng, chuyện các con, rồi căn dặn về cuộc sống, dạy dỗ con cái và cả tình hình của bà con kiều bào sau khi trở về quê hương. Bác nhẹ nhàng kéo chiếc ghế gỗ nhỏ ngồi xuống bên bàn học của các con ông bà Công-Quyển, trò chuyện thân mật như người thân trong gia đình. Câu chuyện là minh chứng chân thực về tấm lòng sâu sắc mà Bác luôn dành cho nhân dân, đặc biệt là kiều bào.
Từng chiếc ghế, tách trà, từng bức ảnh giờ đây không chỉ đơn thuần là hiện vật mà là minh chứng cho một thời khắc hiếm có – khi Chủ tịch Hồ Chí Minh dành trọn đêm Giao thừa đến thăm người dân. Đó cũng là biểu hiện chân thực và gần gũi nhất cho tấm lòng bao la mà Bác luôn dành cho kiều bào – những người sống xa Tổ quốc nhưng trái tim chưa bao giờ rời xa đất mẹ.
Không chỉ lưu giữ hiện vật, gia đình ông Phạm Văn Đức và ông Phạm Văn Minh (các con cụ Phạm Văn Công) còn là những nhân chứng sống động của một hành trình hồi hương đáng tự hào. Ông Phạm Văn Đức từng là một trong những thanh niên xung phong về nước trên chuyến tàu hồi hương cuối cùng năm 1964 từ Tân Thế Giới. Cộng đồng Việt kiều khi đó đã quyên góp mua 10 chiếc xe Peugeot 404 tặng Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh – trong đó một chiếc đã được sử dụng phục vụ Bác và hiện nay được trưng bày tại Khu Di tích, vừa được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào tháng 12/2024.
Phát biểu tại lễ tiếp nhận, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Lê Thị Phượng bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới gia đình các con, các cháu cụ Phạm Văn Công và cụ Nguyễn Thị Quyển, đặc biệt là hai gia đình ông Phạm Văn Đức và ông Phạm Văn Giao (hay còn gọi là Minh), đã trao tặng những hiện vật quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh về với “Ngôi nhà của Bác” - nơi gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh trong suốt 15 năm cuối đời (1954-1969).
Theo bà Lê Thị Phượng, lịch sử dân tộc đã ghi lại, cách đây hơn một thế kỷ, nhiều người dân Việt Nam đã lên tàu đến những hòn đảo xa xôi ở Nam Thái Bình Dương. Dù phải trải qua cuộc sống nhiều khó khăn, vất vả nhưng cộng đồng người Việt ở đây vẫn luôn hướng về Tổ quốc, hướng về quê hương, ủng hộ chính quyền cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có kiều bào ta ở Tân Thế Giới.
Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch chia sẻ, hơn 60 năm đã trôi qua, mối nhân duyên đặc biệt giữa Khu Di tích và bà con kiều bào yêu nước vẫn được nối tiếp, khi Khu Di tích được tiếp nhận các hiện vật gốc cùng những bức ảnh quý, ghi lại khoảnh khắc Bác Hồ đến thăm và 20 file ảnh tư liệu về hoạt động yêu nước của kiều bào tại Tân Thế giới từ gia đình cụ Phạm Văn Công - một Việt kiều hồi hương từ Tân Thế Giới, đã có vinh dự được đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm vào đêm Giao thừa Tết Quý Mão năm 1963.
Bà Lê Thị Phượng nhấn mạnh, những câu chuyện ẩn chứa trong từng hiện vật sẽ làm phong phú thêm nguồn hiện vật, tư liệu quý giá tại Khu Di tích. Qua đó, phát huy hơn nữa giá trị các hiện vật, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, học tập, giáo dục truyền thống cho nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ, đồng thời là cách tri ân, tôn vinh tốt nhất tấm lòng của những cá nhân, tổ chức trao tặng, góp phần mang di sản Hồ Chí Minh đến với công chúng, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.
Việc tiếp nhận những hiện vật đặc biệt này còn là một minh chứng chân thực cho tình cảm thủy chung, sâu nặng mà kiều bào dành cho Bác Hồ và Tổ quốc, cũng như sự quan tâm sâu sắc của Bác đối với các thế hệ kiều bào. Những hiện vật ấy sẽ được Khu Di tích gìn giữ, bảo quản và phát huy một cách trang trọng, xứng đáng với giá trị lịch sử, tinh thần mà hiện vật mang theo.
Bài, ảnh: Phương Lan (TTXVN)