Khu điều trị cách ly sởi quá tải, nhiều ca diễn tiến nặng

Khu điều trị cách ly sởi quá tải, nhiều ca diễn tiến nặng
3 ngày trướcBài gốc
Bác sĩ dặn dò chị N. cách chăm sóc sức khỏe khi cả hai mẹ con cùng nhiễm sởi
Cả nhà mắc sởi
Số ca sởi khởi phát từ tháng 11/2024, đến nay có khoảng 700 trường hợp nhập viện cho kết quả test nhanh dương tính với sởi. Hiện, 5 phòng bệnh khu cách ly chật kín với 45 bệnh nhi (BN), khoa còn phải kê thêm giường, tận dụng khoảng trống. Mỗi BN nằm viện kéo theo ít nhất 1-2 người nhà chăm lo, phục vụ. Không gian nơi này đối mặt với áp lực khi người bệnh vẫn tiếp tục chuyển đến, do Bệnh viện Trung ương (BVTW) là tuyến cuối tiếp nhận ca bệnh phức tạp.
Trong phòng bệnh 214, BN P.N.L.C. gần 9 tháng tuổi là một trong số ít bé được hỗ trợ thở ô xy, theo dõi qua monitor. Vừa chăm con, chị T.T.N. đến từ Phú Lộc cũng ho, sốt, mệt vì lây bệnh từ con. Người đầu tiên trong nhà phát bệnh là em trai chị đang học lớp 8. Cả gia đình tiến hành cách ly nhưng vài ngày sau, thêm 4 người khác cũng lây nhiễm. Bé C. chưa tiêm mũi vắc xin nào, phát ban toàn thân, dấu hiệu bệnh ngày càng nặng nên nhập viện trong tình huống cấp cứu. “Lúc mới vào, con phải truyền dịch, hỗ trợ thở, dây dợ khắp người vì bé yếu quá. Qua một tuần thì con đỡ sốt, bác sĩ nói bé sắp được cai thở ô xy”, chị C. kể.
Từ tuyến huyện Phú Vang chuyển lên, bé P.T.P. 9 tháng tuổi bị sởi đúng thời điểm địa phương triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi. Chị Đ.T. D.Y. - mẹ bé nói: “Trong nhà, cháu chưa tiêm mũi vắc xin nào, lại là người bị sởi đầu tiên. Giờ cũng lo cho mấy đứa nhỏ còn lại”.
Khu cách ly điều trị sởi được tận dụng tối đa không gian điều trị người bệnh
Trong khu cách ly, vợ chồng chị Rcơm Hbyuih đến từ Gia Lai vội dẫn nhau đi dọc hành lang cho thoáng. Bé Rcơm H. gần 3 tuổi ra Huế để phẫu thuật tim bẩm sinh thì phát bệnh. “Từ bên Trung tâm Tim mạch, vợ chồng em theo con qua đây đã 5 ngày qua. Bác sĩ dặn điều trị sởi cho khỏi rồi mới mổ tim. Trẻ bệnh ho, khó thở, đau sốt đủ kiểu, con em cứ bắt địu trên lưng suốt thôi”, chị phân trần.
Theo thống kê, phần lớn trẻ nhiễm bệnh đều nhỏ tuổi, trong đó có cả trẻ 6 tháng đến 1 tuổi và chưa tiêm vắc xin phòng sởi hoặc tiêm không đủ mũi. Biểu hiện của bệnh là sốt phát ban, chảy mũi, chảy ghèn ở mắt; viêm tai giữa cấp hoặc là viêm loét miệng; nặng hơn dẫn tới viêm phổi, viêm màng não hay nhiễm trùng huyết. Biến chứng thường gặp là viêm phổi, do đó, cha mẹ phải theo sát trẻ, phát hiện kịp thời để đưa đến cơ sở y tế.
ThS.BS Trần Thị Hạnh Chân, Phụ trách Khoa THTNBNĐ cho biết: “Điều trị sởi chủ yếu điều trị theo triệu chứng, bao gồm hạ sốt và bổ sung vitamin A, đồng thời theo dõi biến chứng. Áp lực ca bệnh đông, chúng tôi tiến hành phân luồng khi thăm khám, nếu nghi ngờ, phải cho điều trị cách ly ngay. Việc tiêm vắc xin đầy đủ rất quan trọng để phòng ngừa bệnh. Với trẻ không thể tiêm được vắc xin sở do bệnh nền/suy giảm miễn dịch nên phòng tránh tiếp xúc với những người bị lây nhiễm”.
Nhiều ca diễn tiến nặng
Khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu Nhi (HSTC-CCN) dành sẵn một phòng khoảng 6 giường phục vụ BN sởi nặng. Phòng luôn lấp đầy, có thời điểm phải kê thêm giường. Hiện có 2 trường hợp đang thở máy; 1 trường hợp vừa được lọc máu, qua cơn nguy kịch.
Nói về ca bệnh đang thở máy, BS Nguyễn Công Quốc thông tin: “BN là bé M.V.A. 11 tháng tuổi từ Quảng Bình chuyển vào cấp cứu ngày 19/3. Cháu A. bị sởi, biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng. Các bác sĩ cho trẻ lọc máu 5 ngày kết hợp thở máy, điều trị kháng sinh tích cực, dùng thuốc vận mạch. Hiện tình trạng trẻ ổn định, khả năng cai máy thở trong vài ngày tới. Đây là một trong những ca sởi biến chứng nặng được can thiệp kịp thời”.
Một bệnh nhi thở máy do biến chứng sởi
ThS.BSCKII Nguyễn Đắc Lương, Phó Trưởng khoa HSTC-CCN, Trung tâm Nhi đánh giá: “Từ đầu năm đến nay, Khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị chuyển vào. Tại phòng theo dõi, có 3 trẻ trên dưới 1 tuổi viêm phổi nặng. Nhìn tổng quan, đợt này có nhiều ca bệnh diễn tiến nặng, đặc biệt là biến chứng viêm phổi nặng trên sởi, dẫn tới suy hô hấp tiến triển. Trước đó, một trẻ từ Hà Tĩnh mắc sởi bị biến chứng viêm não tủy (hiếm gặp) dẫn đến liệt hai chi dưới. Sau một thời gian điều trị, sức khỏe bệnh nhi ổn định và xuất viện”.
Theo ThS. BSCK II Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc BVTW Huế, không chỉ trẻ nhỏ, đợt này BV tiếp nhận hơn 160 ca sởi ở người lớn. Bệnh này dễ lây nhiễm trong cộng đồng nếu không kịp thời cách ly, điều trị; đồng thời dễ chuyển biến nặng trên cơ địa người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch; do đó, việc tiêm phòng rất quan trọng.
“Trên tinh thần chống dịch thường trực, chúng tôi chủ động xây dựng kế hoạch, phương án điều trị, sinh phẩm, thuốc men, phân loại ca bệnh, cập nhật báo cáo về Bộ Y tế theo quy định. Với trang thiết bị hiện đại và đội ngũ giàu kinh nghiệm, BV đã cứu sống nhiều ca sởi biến chứng nặng tuyến dưới chuyển lên”, BS Lan Hương chia sẻ.
Sở Y tế thành phố cho hay, Bộ Y tế phân bổ 5.400 liều vắc xin sởi tiêm cho trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi và 23.830 liều vắc xin Sởi-Rubella (vắc xin MR) để tiêm cho trẻ từ 1-10 tuổi. Trong chiến dịch tiêm vắc xin sởi, sẽ có 95% trẻ thuộc đối tượng tiêm chủng chưa được tiêm/tiêm chưa đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi theo quy định được tiêm 1 mũi vắc xin chứa thành phần sởi. Chiến dịch triển khai cao điểm trong ngày 26-27/3, tiêm vét vào ngày 28/3.
Bài, ảnh: L. TUỆ
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/y-te-suc-khoe/khu-dieu-tri-cach-ly-soi-qua-tai-nhieu-ca-dien-tien-nang-152064.html