Khu kinh tế chuyên biệt – điểm nhấn đưa Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững

Khu kinh tế chuyên biệt – điểm nhấn đưa Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững
2 giờ trướcBài gốc
Với chủ đề “Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư nhằm phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững”, diễn đàn có các tham luận chính và phiên diễn giả thảo luận với các vấn đề trọng tâm. Các đại biểu cho rằng, là thành phố trung tâm vùng ĐBSCL, song việc thu hút đầu tư vào Cần Thơ chưa đạt được kỳ vọng do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, hệ thống đường bộ, cảng và logistics vẫn chưa phát triển đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư lớn; thủ tục hành chính phức tạp; thiếu cơ chế chính sách mang tính đột phá; chưa có giải pháp trong việc đa dạng hóa nguồn vốn thông qua việc thu hút đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách, thu hút FDI để phát triển Cần Thơ nhanh và bền vững.
Diễn dàn có chủ đề “Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư nhằm phát triển TP. Cần Thơ nhanh và bền vững”
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nêu rõ, thành phố đang gặp các khó khăn, thách thức trong thu hút đầu tư
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nêu rõ, thành phố đang gặp các khó khăn, thách thức trong thu hút đầu tư; chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố đúng hướng nhưng còn chậm, 2 khu vực Công nghiệp-xây dựng và Dịch vụ phát triển chưa tương xứng (chỉ dịch chuyển tăng từ 1 đến 2 điểm phần trăm).
Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP. Cần Thơ, hạ tầng logistics và hạ tầng giao thông là một trong những điểm nghẽn lớn nhất kìm hãm thu hút đầu tư vào Cần Thơ nói riêng và các tỉnh vùng ĐBSCL nói chung. Mặc dù, hiện nay Trung ương đã quan tâm đầu tư cho vùng ĐBSCL nhưng giao thông liên kết vùng còn hạn chế so với các khu vực khác trên cả nước (chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển của Vùng).
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP. Cần Thơ
“Các doanh nghiệp quyết định đầu tư vào TP. Cần Thơ thì hạ tầng là điều họ quan tâm nhất, thứ hai là quỹ đất sạch, thứ ba là nguồn nguyên liệu để san lấp các công trình trọng điểm của các doaanh nghiệp, các dự án. Thành phố cũng đang đánh giá lại các Nghị quyết, cơ chế chính sách đặc thù và đề xuất những cơ chế, chính sách mới mang tính vượt trội hơn, động lực mới, trong đó kỳ vọng phát triển mô hình Khu kinh tế chuyên biệt (diện tích khoảng 6.000 ha) với không gian phát triển rộng hơn. Ngoài ra, còn hướng tới đổi mới những lĩnh vực về tài chính, về giáo dục đào tạo, logistics, thương mại dịch vụ;...” – ông Nguyễn Khánh Tùng thông tin thêm.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh ĐBSCL phát biểu tại Diễn đàn
TP. Cần Thơ rất quan tâm và duy trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế thường niên trong khuôn khổ của địa phương và mở rộng quy mô vùng ĐBSCL.
Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đề xuất Cần Thơ ưu tiên các giải pháp dài hạn, tập trung vào phát triển bền vững và cân bằng giữa hạ tầng giao thông và đô thị hóa, nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong lưu thông, phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; cần phải thay đổi tư duy, quan điểm từ cơ quan quản lý, hiểu hơn về nhu cầu của doanh nghiệp và nhà đầu tư; đồng thời, Cần Thơ cũng cần có chính sách đặc thù cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư sơ cấp, hạ tầng chiến lược.
Hồng Phương/VOV-ĐBSCL
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/khu-kinh-te-chuyen-biet-diem-nhan-dua-can-tho-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-post1135803.vov