Khi sân bay Long Thành sắp đi vào hoạt động, Đồng Nai nhanh chóng xây dựng đề án khu thương mại tự do hơn 8.500 ha với vốn đầu tư 16 tỷ USD. Dự án được kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới, giúp Đồng Nai tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và thu hút các nhà đầu tư tầm cỡ.
Động lực tăng trưởng kinh tế
Theo đề án, khu thương mại tự do có diện tích hơn 8.500 ha, tích hợp bốn khu chức năng gồm: sản xuất (3.095 ha), logistics (2.244 ha), tài chính - thương mại - dịch vụ (1.500 ha), và nghiên cứu đổi mới sáng tạo - kinh tế số (1.419 ha).
Tận dụng các lợi thế về hạ tầng đặc thù riêng của Đồng Nai (Ảnh: Duy Phương)
Tổng vốn đầu tư toàn khu ước tính khoảng 16 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư công chiếm khoảng 5%, vốn đầu tư tư nhân trong nước là 40%, còn lại 55% là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Giai đoạn 1 của dự án dự kiến thực hiện trong 5 năm trên diện tích 3.700 ha với kinh phí hơn 9,2 tỷ USD.
Tỉnh Đồng Nai sẽ lựa chọn 18 ngành nghề ưu tiên trong khu thương mại, bao gồm logistics số, điện tử, cơ khí chính xác, công nghệ thông tin, dược phẩm, chế biến thực phẩm và đào tạo nhân lực.
Tiến sỹ Trần Du Lịch – Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, khẳng định việc xây dựng khu thương mại tự do là rất cần thiết.
Ông nhận định đây là nơi sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, khai thác lợi thế đặc biệt của sân bay Long Thành, cảng biển Phước An và gắn kết với cảng Cái Mép - Thị Vải (TP.HCM).
Ông Lịch đề xuất, cần điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với điều kiện mới sau khi sáp nhập, đồng thời ưu tiên những dự án đầu tư để tạo đột phá như hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt đô thị và xây dựng một bộ máy đủ khả năng thực thi.
"Vấn đề tổ chức nền công vụ phục vụ trên mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Từ quản lý nhà nước chuyển sang phục vụ, đặc biệt là cho doanh nghiệp và người dân. Vai trò nâng cao chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cơ sở mới là rất quan trọng", ông Lịch nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KN Holdings
Đồng tình với chủ trương, ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KN Holdings góp ý sâu hơn về mô hình quản lý để vận hành hiệu quả.
Theo ông, mô hình quản lý nếu trực thuộc UBND tỉnh Đồng Nai thì cần được phân cấp đủ thẩm quyền một cách mạnh mẽ để có thể chủ động quyết định, giải quyết linh hoạt, nhanh chóng các vấn đề phát sinh, nhất là các thủ tục quy hoạch, cấp phép, đầu tư.
Về chính sách, ông cho rằng cần xem xét lại các ưu đãi thuế quan và cơ chế đặc thù cho ngành nghề ưu tiên để đảm bảo tính cạnh tranh với khu vực, nhằm thu hút được các tập đoàn FDI đa quốc gia tầm cỡ, mang tính biểu tượng, dẫn dắt sự hình thành liên kết ngành.
Thu hút đầu tư mạnh mẽ
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, sân bay Long Thành sẽ là một trong những sân bay lớn hàng đầu Đông Nam Á, khu thương mại tự do của Đồng Nai sẽ có đặc thù gắn kết đặc biệt với sân bay này. Hơn nữa, hệ thống hạ tầng trọng điểm của Đồng Nai và TP.HCM cũng đang trong quá trình hoàn thiện.
Khu thương mại tự do gần sân bay Long Thành là động lực tăng trưởng kinh tế mới (Ảnh: Duy Phương)
Ông Sơn nhấn mạnh, khu thương mại tự do phải gắn kết chặt chẽ với các khu đô thị và hạ tầng trọng điểm này, bởi đây chính là yếu tố mang tính thu hút đầu tư rất lớn mà Đồng Nai có thể tận dụng.
"Việc phát triển đô thị gắn kết khu thương mại tự do, gắn kết với các hạ tầng trọng điểm sẽ là yếu tố thu hút đầu tư rất mạnh. Những nhà đầu tư địa ốc sẽ là người bỏ tiền ra để làm hạ tầng. Với định hướng thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội hóa, cần gắn kết tổng thể phát triển đô thị với hạ tầng", ông Sơn cho biết.
Kỳ vọng đưa Đồng Nai thành trung tâm kinh tế, công nghiệp, logistic hàng đầu (Ảnh: Duy Phương)
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Cảnh - đại diện Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) chỉ ra rằng, lĩnh vực thương mại – dịch vụ của Đồng Nai hiện còn thiếu nhiều dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, để khu thương mại tự do thực sự hấp dẫn đối với các đối tác toàn cầu, cần quan tâm cải thiện nhiều yếu tố.
"Chính sách cần phải cởi mở hơn, quan trọng nhất là hiện nay trong đề án của tỉnh chưa đề cập về khu đô thị hiện đại. Phải có khu đó là chức năng trong khu thương mại tự do, phục vụ trực tiếp và gắn kết", ông Cảnh đề xuất.
Khu thương mại tự do của Đồng Nai được kỳ vọng trở thành động lực đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh và cả nước, hướng đến mục tiêu đưa Đồng Nai trở thành một trung tâm kinh tế, công nghiệp, logistics hàng đầu.
Để biến kỳ vọng thành hiện thực, việc hoàn thiện đề án với một tầm nhìn chiến lược, cơ chế đột phá và sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực là những bước đi cấp thiết không thể trì hoãn.
Duy Phương/VOV-TP.HCM