Khu trung tâm & tầm nhìn theo hướng rồng bay

Khu trung tâm & tầm nhìn theo hướng rồng bay
15 giờ trướcBài gốc
Trung tâm thành phố Huế - nhìn từ Phú Xuân qua Thuận Hóa. Ảnh: Hương Hòa
Bài viết gợi mở năm định hướng chiến lược bảo tồn, chỉnh trang và phát triển không gian quy hoạch kiến trúc tương lai cho khu trung tâm “Đầu rồng” của đô thị Huế trực thuộc Trung ương, đặc biệt là khu vực trung tâm di sản và trung tâm mới của quận Phú Xuân và quận Thuận Hóa nằm hai bên sông Hương, phù hợp cho vai trò chiến lược của khu vực trong công cuộc đổi mới tư duy bảo tồn và phát triển, đưa vị thế Huế lên tầm cao mới trong thiên niên kỷ của công nghệ thông tin và toàn cầu hóa.
Định hướng kiến trúc tương lai cho “Đầu rồng”
Mở rộng và phát huy vai trò kinh tế - xã hội của không gian đô thị di sản khu trung tâm, gắn với việc bảo tồn di sản thế giới UNESCO và gắn với các hoạt động đô thị sáng tạo UNESCO về ẩm thực và văn hóa nghệ thuật của Huế.
Đến nay, Huế có 8 di sản văn hóa thế giới, trong đó bao gồm 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản phi vật thể chung với các địa phương khác. Không chỉ có vậy, Huế vẫn còn rất nhiều giá trị di sản khác cần được bổ sung để đưa vào chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị một cách xứng tầm hơn.
Tác giả bên sông Hương
Thứ nhất, là việc quy hoạch bảo tồn, chỉnh trang và phát triển tại các khu đô thị di sản liền kề khác, bao gồm khu phố cổ Bao Vinh, khu phố cổ Gia Hội, khu đô thị đảo Phú Hậu - Phú Hiệp - Phú Cát, khu phố Pháp và khu phố di sản thế kỷ XX ở bờ nam sông Hương…
Thứ hai, là việc gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực ẩm thực đang được nghiên cứu lập hồ sơ. Đây cũng là một lĩnh vực thế mạnh có truyền thống từ lâu đời, có thể mở ra nhiều cơ hội cho việc khai thác các hoạt động kinh tế có bản sắc đặc trưng, gắn kết với công tác bảo tồn di sản.
Bảo tồn và chỉnh trang khu đô thị di sản thế kỷ XIX bờ bắc sông Hương, bao gồm Kinh thành Huế - Bao Vinh - Khu đô thị đảo Phú Hậu - Phú Hiệp - Phú Cát. Điều đặc biệt là không gian đô thị trung tâm di sản này của Huế có quy mô tổng thể hàng đầu cả nước, lớn gấp nhiều lần hơn phố cổ Hội An và lớn hơn khu di sản phố Pháp và 36 phố phường Hà Nội.
Nếu như có thể tổ chức quần thể đô thị này gắn kết với các hoạt động văn hóa và dịch vụ du lịch di sản, thì có thể đạt được hiệu quả kinh tế di sản hàng đầu châu Á.
Bảo tồn và chỉnh trang khu trung tâm đô thị di sản tại bờ nam sông Hương, bao gồm khu phố Pháp, khu văn hóa giáo dục và dịch vụ công với bản sắc thế kỷ XX và phát triển khu đô thị mới xa hơn về phía Khu đô thị An Vân Dương với bản sắc thế kỷ XXI.
Khu trung tâm hiện hữu ở bờ nam sông Hương có thể được xem là khu trung tâm di sản thế kỷ XX, với nhiều công trình có giá trị về quy hoạch kiến trúc và mỹ thuật Việt Nam trong xu hướng giao lưu giữa văn hóa Việt với các nền văn hóa của Pháp và của văn hóa quốc tế (Mỹ, Á, Âu) trong giai đoạn phát triển thế kỷ XX.
Đây cũng là một khu vực đóng vai trò vùng đệm giữa khu trung tâm di sản thế kỷ XIX ở bờ bắc sông Hương với khu trung tâm mới mang bản sắc hiện đại thế kỷ XXI tại Khu A của Khu đô thị An Vân Dương và chuỗi các khu đô thị mới đang tiến dần xa hơn về phía biển và về phía Chân Mây - Lăng Cô, nối liền với Đà Nẵng.
Do vậy, việc quy hoạch chỉnh trang không gian di sản bờ nam sông Hương cần cẩn trọng hạn chế nhà cao tầng, thấp dần về phía bờ sông, tuyệt đối không nên chiều theo một số dự án địa ốc đang mong muốn đề xuất cao tầng hóa khu vực ven sông Hương nhằm bảo vệ cấu trúc đô thị di sản, cảnh quan Quần thể di sản Cố đô Huế và tầm nhìn thoáng ra không gian tổng thể xung quanh.
Phát triển khu trung tâm đô thị bản sắc thế kỷ XXI
Nếu hình thái đô thị của các khu trung tâm di sản ở bờ bắc và bờ nam sông Hương chủ yếu là đường nhỏ rợp bóng cây, nhà thấp tầng, với hạ tầng đã tương đối ổn định, thì hình thái đô thị của khu trung tâm mới tại Khu đô thị An Vân Dương và phụ cận, mở về phía biển và hướng về các khu đô thị mới ven biển trong tương lai, lại hoàn toàn khác. Với đại lộ rộng rãi, giao thông công cộng và hạ tầng hiện đại được phát triển trước một bước khu vực này, sẵn sàng cho việc xây dựng những phức hợp cao tầng đa chức năng và những tổ hợp công trình hiện đại như Khu trung tâm hành chính, khu Trung tâm dịch vụ thương mại Aeon Mall...
Các dự án cao tầng tương lai của đô thị Huế, do đó, sẽ không nên xen cấy nhiều vào khu trung tâm di sản bờ nam sông Hương nữa, mà cần được khuyến khích tập trung về khu trung tâm Khu đô thị An Vân Dương và các khu đô thị mới khác của Huế, nơi sẽ có bộ mặt đô thị hiện đại, xanh và bền vững, ứng phó tốt với nguy cơ bão lũ, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các biến chuyển tiêu cực khác có thể xảy ra của môi trường tự nhiên.
Nâng tầm trục chiến lược bản sắc cảnh quan không gian di sản hai bên bờ của hệ thống sông Hương và các sông nhánh trong TP. Huế trực thuộc Trung ương.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Huế, sông Hương luôn đóng vai trò trục cảnh quan xanh và mặt nước quan trọng nhất của đô thị và vùng phụ cận. Hệ thống các sông nhánh, bao gồm sông Đông Ba, sông Kẻ Vạn, sông Như Ý, sông An Cựu… có nhiều tiềm năng có thể khai thác trong việc liên kết các khu đô thị lịch sử với các khu đô thị mới.
Về mặt phát huy giá trị di sản phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, Huế vẫn còn nhiều cơ hội vàng gắn với không gian ven sông, mà cho đến nay vẫn còn chưa được khai thác xứng với tiềm năng. Trong việc chỉnh trang khu vực ven sông, cần hạn chế mật độ và tầng cao công trình ven sông theo hướng giảm dần về phía sông.
Ngoài ra, nên phát triển không gian xanh lịch sử của khu đô thị đảo Phú Hiệp - Phú Hậu - Phú Cát, bao bọc bởi sông Hương và sông Đông Ba, với cơ hội phát triển mạng lưới giao thông thủy và bến thuyền vòng quanh đảo và kết nối khu trung tâm hiện hữu bờ nam sông Hương, với Kinh thành Huế bờ bắc sông Hương, chạy dọc theo sông Đông Ba và nối lên phố cổ Bao Vinh.
TSKH. KTS. Ngô Viết Nam Sơn
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/kinh-te/xay-dung-giao-thong/khu-trung-tam-tam-nhin-theo-huong-rong-bay-150236.html