Khu tưởng niệm Bác Hồ ở Nghĩa Lộ - nơi ngọn lửa cách mạng sáng mãi

Khu tưởng niệm Bác Hồ ở Nghĩa Lộ - nơi ngọn lửa cách mạng sáng mãi
6 giờ trướcBài gốc
Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị xã Nghĩa Lộ được xây dựng từ năm 1982 theo chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn ngày đó.
Công trình là hiện thân của khát vọng tha thiết từ nhân dân địa phương về một không gian thiêng liêng để tưởng nhớ và học tập theo gương Bác.
Người dân Văn Chấn, Nghĩa Lộ khi đó đã tình nguyện góp công, góp của, từ những tấm gỗ quý, gốc cây ăn trái, đến từng tảng đá lát đường – cùng chính quyền địa phương xây dựng khu tưởng niệm theo mô phỏng nhà sàn Bác Hồ tại Hà Nội.
Không gian mô phỏng theo nhà sàn Bác Hồ tại Hà Nội.
Hiện nay, khu tưởng niệm đang lưu giữ gần 1.000 bức ảnh tư liệu cùng 10 hiện vật quý giá gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: bộ quần áo Ka-ki, mũ, kính, giày do gia đình luật sư Francis Henry Loseby chuẩn bị cho Nguyễn Ái Quốc cải trang rời khỏi Hương Cảng (Trung Quốc), chiếc máy chữ Bác từng sử dụng để soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945...
Bộ quần áo Kaki của Chủ tịch Hồ Chí Minh trưng bày tại khu tưởng niệm
Từ mô hình “vườn cây - ao cá” đến ngôi nhà sàn đơn sơ, mộc mạc, khu tưởng niệm gợi nhắc rõ nét phong cách sống giản dị, thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đây cũng là điểm đến quen thuộc đối với cán bộ, học sinh, sinh viên và du khách thập phương trong hành trình tìm hiểu, tri ân và học tập theo gương của Bác.
Em Lê Anh Tuệ Minh, học sinh lớp 12C1 – Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cho biết, "nơi đây giúp em hiểu thêm về cuộc sống của Bác. Qua đó, em cảm nhận được sự giản dị, mộc mạc và tình yêu thương vô bờ mà Bác dành cho nhân dân, cho dân tộc. Em luôn cố gắng học tập, rèn luyện theo tư tưởng, phong cách của Bác, không ngừng trau dồi kiến thức và kỹ năng sống – điều rất cần thiết trong thời đại ngày nay, nhất là khi đất nước đang trên đà hội nhập và phát triển, bước vào kỷ nguyên vươn mình".
Em Lê Anh Tuệ Minh, học sinh lớp 12C1 – Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ
Không chỉ thế hệ trẻ, với các cựu chiến binh – những người từng trải qua những năm tháng kháng chiến gian khổ và xây dựng đất nước – khu tưởng niệm còn là nơi linh thiêng để trở về, ôn lại lý tưởng, tiếp thêm niềm tin vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Khu tưởng niệm này đã giúp ông Lò Văn Nhất, cựu chiến binh phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ cũng như người dân trong khu vực mỗi khi dự định làm gì, làm được gì muốn báo công, báo cáo với Bác được thuận lợi hơn. "Tất cả các hoạt động của bà con nhân dân chúng tôi đều mong muốn được báo công, báo cáo với Bác. Nhưng Hà Nội thì xa, người có điều kiện thì về được, người không có điều kiện thì rất khó. Vì vậy, việc có Khu tưởng niệm, nhà sàn Bác ngay tại đây là điều vô cùng ý nghĩa" - ông Lò Văn Nhất nói.
Ông Lò Văn Nhất cùng đồng đội thăm khu tưởng niệm
Trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng được quan tâm đầu tư, nâng cấp, trở thành một thiết chế văn hóa – giáo dục có sức lan tỏa mạnh mẽ. Dưới sự quản lý trực tiếp của UBND thị xã Nghĩa Lộ và sự hướng dẫn nghiệp vụ từ Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương, khu di tích ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bà Nguyễn Thị Như Quỳnh – Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Văn hóa thị xã Nghĩa Lộ - người trực tiếp phụ trách khu tưởng niệm, cho biết, tại khu tưởng niệm hiện có 12 chuyên đề tuyên truyền được triển khai vào các dịp lễ, tết và ngày kỷ niệm lớn như: Tư tưởng Hồ Chí Minh và sự nghiệp đổi mới đất nước; Bác Hồ với văn hóa Việt Nam; Bác với nhân dân các dân tộc Tây Bắc; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Cùng với giữ gìn, bảo quản, thời gian tới hoạt động tuyên truyền sẽ tiếp tục được chú trọng dưới nhiều hình thức.
Đoàn cán bộ, đảng viên huyện Trạm Tấu (Yên Bái) báo công với Bác tại khu tưởng niệm
"Đối với cán bộ, viên chức làm việc tại đây, ai cũng cảm thấy rất vui và tự hào. Trong những năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức hiệu quả công tác tuyên truyền về tư tưởng, tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng thời, phối hợp với các trường học, tổ chức chính trị - xã hội để triển khai các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu về Bác; tổ chức hội thảo, trưng cầu ý kiến từ những người có kinh nghiệm, sáng kiến nhằm góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động tại khu tưởng niệm". - Bà Nguyễn Thị Như Quỳnh chia sẻ.
Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái hiện là chi nhánh thứ 13 trong hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh toàn quốc – một điểm nhấn quan trọng trong mạng lưới bảo tồn các di sản cách mạng.
Nơi đây thường xuyên diễn ra các buổi sinh hoạt chi bộ, các hoạt động ngoại khóa cho học sinh và các lễ tưởng niệm trang trọng, trở thành điểm sáng trong giáo dục lý tưởng sống, hun đúc tinh thần yêu nước, bồi đắp niềm tin vào Đảng và con đường cách mạng.
Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị xã Nghĩa Lộ là điểm nhấn quan trọng trong mạng lưới bảo tồn các di sản cách mạng.
Giá trị của khu di tích không chỉ ở kiến trúc hay lịch sử, mà còn ở chiều sâu tinh thần mà nó khơi dậy. Là biểu tượng sinh động của chân lý “Ý Đảng – lòng dân”, khu tưởng niệm đã, đang và sẽ mãi là địa chỉ linh thiêng trong tâm thức của mỗi người dân Nghĩa Lộ - Yên Bái nói riêng, Tây Bắc nói chung ngày hôm nay và mai sau.
Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/khu-tuong-niem-bac-ho-o-nghia-lo-noi-ngon-lua-cach-mang-sang-mai-post1199325.vov