Khu vực Đông Bắc TP.HCM thành 'mỏ vàng' cho nhà đầu tư phía Bắc?

Khu vực Đông Bắc TP.HCM thành 'mỏ vàng' cho nhà đầu tư phía Bắc?
6 giờ trướcBài gốc
Sáng 12-7, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo "Bất động sản siêu đô thị TP.HCM - Thời cơ vàng cho nhà đầu tư Hà Nội".
Thông tin tại Hội thảo, từ 1-7-2025, TP.HCM chính thức vận hành mô hình chính quyền đô thị hai cấp và sáp nhập địa giới hành chính với hai địa phương lân cận là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: PV
Sự kiện này không chỉ tạo nên một thực thể hành chính mới, mà còn mở ra không gian phát triển chưa từng có tiền lệ, một "siêu đô thị" mang quy mô vùng, gắn kết chặt chẽ về kinh tế, hạ tầng và dân cư, được kỳ vọng trở thành cực tăng trưởng chiến lược cả nước. Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là liệu TP.HCM sau sáp nhập có mở ra một cơ hội đầu tư “vàng” cho nhà đầu tư phía Bắc?
Ông Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhấn mạnh: "Siêu đô thị TP.HCM không đơn thuần là một phép cộng địa lý, mà là biểu tượng của một tầm nhìn hội tụ, một nỗ lực cải cách mạnh mẽ và một khát vọng định hình nên không gian phát triển mới của đất nước."
Với hơn 6.700km² diện tích, 14 triệu dân và tổng GRDP gần 2,4 triệu tỉ đồng, TP.HCM không chỉ đóng góp khoảng 1/4 ngân sách quốc gia, mà còn định hình lại vai trò đầu tàu kinh tế, trung tâm tài chính, logistics và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Đáng chú ý, trong bức tranh tổng thể đó, khu vực Đông Bắc TP.HCM, từng là lõi công nghiệp của tỉnh Bình Dương cũ, đang nổi lên như một vùng đất giàu tiềm năng đầu tư.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, sau sáp nhập, khu vực Đông Bắc TP.HCM được đánh giá là khu vực có nền tảng tốt nhất để đón sóng đầu tư, nhờ yếu tố “kiềng ba chân”: kinh tế năng động, hạ tầng đồng bộ và dòng dân cư ổn định.
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam. Ảnh: PV
Sự hiện diện của lực lượng lao động trẻ, ổn định và đông đảo, trong đó 1/5 là người nhập cư, đang tạo ra nhu cầu nhà ở ở mức cao và thực chất. Đây cũng là lý do khiến phân khúc căn hộ trung, cao cấp tại khu vực này đang bước vào chu kỳ tăng trưởng rõ nét, với tỷ lệ hấp thụ cao và lợi suất cho thuê hấp dẫn.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, thị trường Đông Bắc TP.HCM ghi nhận khoảng 5.000 sản phẩm bất động sản được tung ra, chủ yếu là căn hộ, với tỷ lệ hấp thụ vượt 60%. Mức giá sơ cấp trung bình dao động 40–50 triệu đồng/m², thấp hơn từ 20–30% so với khu Đông TP.HCM, dù chất lượng sản phẩm tương đương.
Sự chênh lệch giá này chính là biên lợi nhuận đáng kể cho các nhà đầu tư, đặc biệt là dòng vốn từ khu vực phía Bắc đang tìm kiếm điểm đến mới sau giai đoạn thị trường Hà Nội chững lại và biên sinh lời co hẹp.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, trong phần trình bày tại hội thảo đã mở rộng góc nhìn quốc tế để củng cố kỳ vọng với siêu đô thị TP.HCM.
Ông dẫn ví dụ từ Seoul, Thượng Hải, Thâm Quyến, Mumbai, những đô thị đi trước để chỉ ra rằng nếu TP.HCM có thể tận dụng hạ tầng số, cải thiện quản lý đô thị, phát triển mô hình đa trung tâm và thúc đẩy liên kết vùng, thành phố hoàn toàn có thể vươn tầm khu vực.
Trong đó, những khu vực có sẵn nền công nghiệp và quỹ đất phát triển như Đông Bắc TP.HCM sẽ là đầu mối quan trọng trong mạng lưới đó.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV. Ảnh: PV
Hạ tầng cũng là một lợi thế không thể bỏ qua, nhiều dự án trọng điểm đang được đẩy mạnh tại khu Đông Bắc như mở rộng Quốc lộ 13, xây dựng tuyến Vành đai 3, Vành đai 4, tuyến metro số 2… đều có vai trò kết nối trung tâm TP.HCM với các đô thị vệ tinh. Đồng thời tái thiết những vùng ven sông, ven trục chính trở thành trung tâm thương mại dịch vụ mới.
Các chuyên gia nhận định rằng bất động sản nằm gần các trục hạ tầng này, đặc biệt tại phường Bình Hòa, sẽ là những tài sản hưởng lợi trực tiếp, là "đất vàng" cho dòng vốn đón đầu hạ tầng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo không phải cứ hạ tầng mạnh là nhà đầu tư “xuống tiền” ngay. Trong bối cảnh thị trường đang sàng lọc rõ rệt, nhà đầu tư cần lựa chọn những dự án hội tụ đủ các yếu tố: pháp lý minh bạch, chủ đầu tư uy tín, vị trí kết nối thuận tiện, sản phẩm có tính thanh khoản và cho thuê cao. Đồng thời, được quy hoạch theo xu hướng hiện đại, xanh, thông minh, tích hợp tiện ích sống bền vững.
Những dự án gắn với triết lý “dưỡng lành”, đề cao không gian sống hòa hợp với thiên nhiên, đang dần trở thành dòng sản phẩm được nhà đầu tư và người mua ở thực quan tâm.
Việc nhà đầu tư phía Bắc chuyển hướng dòng tiền vào TP.HCM không còn là xu hướng mới, nhưng sự hình thành siêu đô thị đang khiến cho làn sóng đó mạnh mẽ hơn. Với mặt bằng giá còn dư địa tăng, tiềm năng tăng trưởng dân số và nhu cầu ở thực cao, cùng hạ tầng đang bùng nổ, TP.HCM, đặc biệt là khu vực Đông Bắc, đang trở thành vùng đất hứa cho nhà đầu tư dài hạn.
XUÂN NGUYỄN
Nguồn PLO : https://plo.vn/khu-vuc-dong-bac-tphcm-thanh-mo-vang-cho-nha-dau-tu-phia-bac-post860064.html