Đây là hành trình nội tâm gợi nhớ về quê hương, về mẹ, và về chính con người họa sĩ Nguyễn Như Đức - người đã dành hơn một thập kỷ sống và sáng tác tại mảnh đất Hội An. Khu vườn của Đức - đã chạm tới miền ký ức sâu thẳm trong khu vườn tâm tưởng của nhiều người, trong đó có tôi.
1. Ngắm những tác phẩm của Nguyễn Như Đức trong chuyến hành hương trở về Hà Nội sau 11 năm rời xa, tôi có cảm giác đó như một chuyến hành hương trở về quê nhà. Một vùng quê trong tâm tưởng của nhiều người. Ở đó, có bóng dáng mẹ, có gia đình, có những bàn tay ấm áp. Ở đó, có thiên nhiên, những khu vườn phủ đầy cây xanh, tươi tốt, dịu hiền mà Đức kiên nhẫn vun trồng hơn 11 năm qua. Ngắm khu vườn của Đức có cảm giác thư thái, bình yên, nhưng cũng chất chứa chiều sâu của tâm tưởng, của những chiêm nghiệm nhân sinh… Một khu vườn của tình yêu và những cảm xúc chân thành, khiến người xem xúc động.
Họa sĩ Nguyễn Như Đức.
Nguyễn Như Đức (nghệ danh Đức Bẹt) sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, thuộc thế hệ họa sĩ 8X. Anh bắt đầu hành trình nghệ thuật từ những nét vẽ đầu tiên khi nhận ra, hội họa mới là thứ anh muốn theo đuổi.
Nhưng Hà Nội quá chật chội, ồn ào, có vẻ không phù hợp với những người lặng lẽ, nội tâm như Đức. Năm 2014, Nguyễn Như Đức rời Hà Nội di cư vào Hội An, mảnh đất của nhiều ký ức, di sản nhưng cũng đủ tĩnh lặng để níu giữ tâm hồn người nghệ sĩ. Hội An trở thành quê hương thứ hai của anh.
Tại đây, Như Đức sống lặng lẽ, làm đủ nghề để mưu sinh, đồng thời nuôi dưỡng đam mê hội họa, nơi gia đình trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo. “Tôi như cánh chim gặp đất lành, ở lại, lập gia đình và vẽ ra một thế giới nội tâm của riêng mình”, anh chia sẻ.
Sau 11 năm sống và vẽ ở Hội An, họa sĩ Nguyễn Như Đức trở lại Hà Nội với triển lãm cá nhân mang tên “Đất Mẹ” ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và sắp tới anh tiếp tục trưng bày tại TP Hồ Chí Minh.
Triển lãm bày hơn 30 tác phẩm sơn dầu trên toan, chia làm 3 phần: “Sơ khai - Ảo mộng và Thăng hoa”. Đó cũng là hành trình 11 năm của anh. Sơ khai là những điều anh thai nghén, tìm đường. Ảo mộng là những giấc mơ đan xen giữa quá khứ - hiện tại và tương lai, là giấc mơ về căn nhà nhỏ của mẹ, về Hà Nội và những mối tình thời sinh viên. Và “Thăng hoa” là khi Đức chạm tới thế giới của mình, một miền siêu thực.
Không đi theo lối mô tả hiện thực, tranh của Nguyễn Như Đức mang đậm phong cách siêu thực, nơi cảm xúc và trí tưởng tượng dẫn dắt. Hình ảnh người mẹ, người vợ, con gái và chính người nghệ sĩ hiện diện trong nhiều lớp biểu tượng: Đôi bàn tay, bờ vai, ánh mắt, những sinh vật kỳ ảo.
Nhưng có lẽ, khởi nguồn sâu thẳm nhất của Đức chính là Mẹ. Hạt mầm được gieo từ tình yêu của mẹ, từ bàn tay mẹ khi bà ngồi khâu vá những chiếc áo sờn rách cho cậu con trai bé nhỏ trong ký ức tuổi thơ nghèo khó. Hình ảnh mẹ ngồi khâu với Đức “Mẹ không những vá víu cho mình mà còn may cả cuộc đời, cả thế giới nội tâm của mình”. Vì thế, trong tranh của Đức Mẹ luôn hiện diện.
Họa sĩ Lê Thiết Cương nói: “Chọn được một đường dây câu chuyện xuyên suốt cho triển lãm đã là một phần của thành công. Mẹ là một đề tài lớn, có phần đến mức trừu tượng, không hiển hiện ra đời sống cụ thể hàng ngày nhưng Mẹ luôn ở xung quanh ta, trong từng câu chuyện nhỏ. Bằng hội họa của mình, Đức đã đưa được một đề tài lớn trừu tượng ấy thành những câu chuyện hữu hình đời thường, gần gũi, giản dị thông qua con đường mơ thực, thực mơ”.
Một hình tượng nữa được Đức quan tâm nhiều đó là thiên nhiên, vườn tược, tán lá, bầu trời, ánh trăng… Thực ra đấy cũng là Mẹ, đấy cũng là thiên ân, ân huệ của đất trời ban cho loài người một môi trường sống an lành.
Nguyễn Như Đức chia sẻ: “Trong thời đại mọi người luôn sống gấp gáp, vội vàng, tôi lại muốn tĩnh tại đi vào bên trong bởi tôi tin, mỗi bản thể đều có lòng trắc ẩn, đôi khi họ không bộc lộ ra mà thôi. Tác phẩm tôi xây dựng dựa trên sự kiên trì chăm bón khu vườn từng ngày tươi tốt và nở hoa, tôi mời bạn bè đến ngắm. Tôi mong mọi người sẽ tìm thấy sự bình an trong khu vườn đó. Một khu vườn của yêu thương, trìu mến. Đó là sự níu giữ của cảm xúc”.
2. Tôi hỏi vì sao phải chờ 11 năm, Đức mới làm triển lãm cá nhân đầu tiên. Đức quan niệm, nghệ thuật không thể/ không nên vội vàng. Khi vẽ tranh, nghệ sĩ phải thực sự yêu, nghiêm túc với nghề, nếu không anh sẽ vẽ mà không chạm được tới tận cùng điều mình muốn chia sẻ. Đức là người cầu toàn và lặng lẽ.
“Tôi may mắn khi được ở Hội An, có người thân, bạn bè, và có câu chuyện của cá nhân mình. Tôi cũng may mắn, sau nhiều vật vã, tôi đã tìm được ngôn ngữ của mình. Sáng tạo là một hành trình gian khó, tôi phải vẽ đi vẽ lại rất nhiều, dằn vặt, đau khổ với chính câu chuyện của mình để chạm đến hạnh phúc thực sự. Tôi muốn bóc từng lớp sâu thẳm trong tâm hồn mình phải có quá trình sáng tạo trong thời gian làm việc đó, rất lâu”.
Các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Như Đức.
Họa sĩ Lê Thiết Cương đánh giá: “Nguyễn Như Đức chọn con đường hiện thực, chính xác là ở giữa mơ và thực. Gặp nhau thì đúng hơn chứ chọn sao được? Con đường thực - mơ này phát hiện ra Đức, hiểu theo một ý khác thì Đức tìm thấy mình, phát hiện ra mình qua con đường thực - mơ ấy. Không phải vẽ kiểu hiện thực thì không hay nhưng với tính người của Đức có vẻ như anh muốn “hóa vàng” cái khía cạnh nhìn thấy, cái vỏ của đời sống thực đã đông cứng để làm cho nó phải “hóa thân” vào một hiện thực khác một hiện thực riêng có cho mình. Một mơ ước muôn đời của những người làm nghệ thuật đâu phải chỉ mình Đức. Quá trình tìm ấy chính là “sang sông”, đến bờ bên kia được hay không thì còn do “ý Chúa”. Cho nên cứ vẽ đi, tìm tòi đi, bởi Niết bàn nằm ở đường đi chứ đâu phải đích đến”.
Nhà phê bình Phạm Long chia sẻ: “Đây là một triển lãm thú vị với những cảm xúc chân thành. Nó chứa đựng những câu chuyện sâu sắc trong xã hội đương đại đang bị ồn ào, lộn xộn. Những câu chuyện mang tính nội tâm, về gia đình và nhân loại, về môi trường, về niềm tin tôn giáo, sự thay đổi của nhân tâm bằng ngôn ngữ trữ tình là điều hiếm có trong thời đại này. Không khí phòng tranh ấm áp được tạo ra từ cảm xúc, từ rung động của người nghệ sĩ hết lòng với nhân vật, với tác phẩm của mình và Đức đã truyền cảm được năng lượng đó đến với mọi người”.
Đức có một quán cà phê nhỏ ở Hội An. Hàng ngày, anh dậy sớm pha cà phê cho khách, đi chợ, nấu nướng, chăm sóc gia đình. Và vẽ. Ở đó có một cộng đồng nghệ sĩ, cùng nhau sáng tạo, tổ chức những workshop, triển lãm nhóm. Anh còn tổ chức những lớp vẽ miễn phí cho trẻ con ở Hội An, nơi chúng được tự do tiếp xúc với màu sắc, để ươm những hạt giống thiện lành, biết yêu cái đẹp.
Đó là không gian giao lưu văn hóa của trẻ em Việt Nam và nhiều bạn bè quốc tế khi đến với Hội An. Đức vẽ chân dung cho khách du lịch trên những hòn sỏi, vẽ trên túi cói, trên vải… Đó là những công việc mưu sinh. Và anh dành một góc riêng cho hội họa, nơi không gian tâm tưởng của Đức là duy nhất. Nơi đó không có sự thỏa hiệp với thị trường bán - mua, nơi đó, anh được trung thực với chính thế giới nội tâm của mình. Và Đức mong muốn, khu vườn được vẽ bằng tình yêu, bằng những cảm xúc chân thành ấy sẽ trở thành nơi trú ngụ cho tâm hồn con người giữa đời sống ồn ào và nhiều biến động này.
Mỹ Hiền