Đêm Cồng chiêng ở buôn Treng.
Tôi lên Đắk Lắk vào một ngày đầu năm, dịp này Tây Nguyên đã bước vào mùa khô. Theo như lời anh Thắng đã kể cho tôi hay lần nào thì mùa khô Tây Nguyên cũng đồng thời với “mùa đói” của lính. Bởi vào thời gian đó, đất đai Tây Nguyên khô hạn, đến cây rừng còn úa héo nữa là cây lương thực. Nhưng anh Thắng còn nói thêm: “Đấy cũng là mùa của lễ hội của bà con các dân tộc nơi đây”.
Nhắc tới lễ hội của người Tây Nguyên là nhớ ngay đến tiếng cồng chiêng trầm vang và những bước chân trần thiếu nữ nhún nhảy dìu nhau đi, theo như anh Thắng cho hay thì tiếng cồng chiêng chính là những “khúc đại ngàn”.
Vậy là tôi gặp may rồi. Ngay sau buổi làm việc nhóm chúng tôi đã hăng hái đề xuất cho xuống huyện để thâm nhập thực tế. Cũng lại là tôi gặp may, lời đề nghị đó nhanh chóng được chấp nhận và cơ sở mà chúng tôi được gợi ý là “nên xuống” là huyện Ea H”Leo, một huyện có diện tích bằng cả tỉnh khác.
Chung vui bên ché rượu cần.
Huyện Ea H’Leo nằm ở phía bắc tỉnh Đắk Lắk và cũng là huyện giáp với tỉnh Gia Lai. Bởi thế nên người dân tộc bản địa của huyện là người Ê Đê và người Gia Rai, ngoài ra hiện nay huyện Ea H’Leo còn cả người dân tộc thiểu số ở ngoài bắc vào. Anh Nguyễn Huy Dũng, nguyên Trưởng phòng VHTT huyện Ea H’Leo cho biết: “Ngoài lễ hội của người Ê Đê, người Gia Rai ra huyện còn có những lễ hội của người dân tộc thiểu số phía bắc. Người dân tộc thiểu số ở phía bắc vào đây đã mang theo tập tục riêng của mình và cả nét văn hóa riêng của mình nữa, họ đã góp vào “đời sống” văn hóa của huyện Ea H’Leo những nét văn hóa đa dạng và làm nên nét văn hóa phong phú”. Vì thế, chúng tôi đã háo hức lại càng thêm háo hức. Nhưng háo hức gì đi nữa thì ước muốn vẫn là được nghe, được xem và được hòa cùng “thanh âm đại ngàn” nên chúng tôi đề xuất bằng được.
Dường như để chiều lòng các văn nghệ sĩ mãi ngoài Hà Nội “lặn lội” vào đây thâm nhập thực tế nên anh Huy Dũng chẳng ngại ngần bốc máy lên gọi về xã. Rất may là anh Huy Dũng với mối quan hệ lâu năm với bà con dân tộc bản địa và với phong trào văn hóa xã bản nên sau hồi trao đổi qua điện thoại thì anh Huy Dũng quay lại nói với chúng tôi: “Ngày kia, chiều tối mời các anh về xã”.
Xã Ea H’Leo lại là xã “xa xôi” nhất huyện Ea H’Leo, xã giáp thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa thuộc tỉnh Gia Lai và cách TP Buôn Ma Thuột 80km, cách TP Pleiku 100km. Từ thị trấn Ea D’răng chúng tôi lên xe quốc lộ 14 ngược lên phía bắc. Con đường thảm bê tông nhựa chạy uốn lượn quanh những nương cà phê, quanh những đồi điện gió với khung cảnh rất nên thơ nên chẳng mấy chúng tôi đã tới Buôn Treng, buôn chính của xã Ea H’leo.
Các cô gái trong điệu múa Xoang.
Mới tới đầu buôn Treng, khi xe chưa kịp dừng chúng tôi đã thấy một không khí “tưng bừng và náo nhiệt”. Trên mảnh đất rộng ngay trước nhà văn hóa (nhà dài) của buôn đã thấy rất đông người, tôi có cảm tưởng không chỉ người dân Buôn Treng mà cả người dân xã Ea H’Leo cùng dồn về đây. Trước cửa nhà dài là một khoảng sân nhỏ đủ để cho đội múa xoang gồm 10 cô gái của Buôn Treng nắm tay nhau, xếp thành hai hàng hai bên sân, các cô vừa nở nụ cười tươi như vầng trăng đỉnh núi, vừa nhún nhẩy những bước chân. Phải nói là con gái Gia Rai không chỉ đẹp mà nhìn rất thanh thoát trong chiếc váy của mình, những chiếc váy Gia Rai dài tới bàn chân thể hiện sự ý nhị mà vẫn níu mắt khách nơi xa tới. Trong khi đó, những người đàn ông Gia Rai tay trái nâng chiêng lên ngang bụng, ánh mắt ngước nhìn xa xa, tay phải nện dùi vào mặt chiêng. Những người đàn ông Gia Rai thật dũng mãnh trong trang phục truyền thống, áo dài tay, mình đóng khố làm lộ ra những đôi chân rắn chắc. Có ai đó ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Nhìn bắp chân đàn ông Gia Rai đã thấy mê rồi”.
Bóng chiều nguội hẳn, bóng đêm đã phủ. Cuộc trò chuyện cùng với uống rượu cần bên trong nhà dài cũng đã thấm đượm. Đã đến lúc “hết mình” với chiêng, với múa xoang và với lửa. Tôi thấy trong người rạo rực, dường như rượu cần đã ngấm, dường như mùi củi cháy cùng ánh lửa đang bốc cao thôi thúc. Và dường như những ánh mắt, những nụ cười trắng muốt của những cô gái Gia Rai đã đượm tình.
“Nổi lửa lên!/ Nổi chiêng lên!/ Hỡi người Gia rai!/ Hỡi người Ê đê!/ Hỡi rừng hỡi núi/ Hỡi những người anh em, hỡi những bè những bạn/ Đêm nay cùng say/ Đêm nay cùng vui” - đại ngàn đã cất lên tiếng gọi mời. Mọi người lúc này đã tập trung hết ở ngoài sân. Khoảng đất rộng trước nhà sinh hoạt cộng đồng giờ đã trở thành một “sân khấu” lớn. Một sân khấu biểu diễn mà ở đó người biểu diễn với khán giả hòa với nhau, thân thiệt, nhiệt tình và sống động.
Đã hết ngại ngần. Cũng có thể do ánh mắt của H’Uyên đang nhìn tôi khích lệ. Cũng có thể do gì đấy thôi thúc. Tôi mạnh dạn bước vào vòng nhảy. Ngọn lửa đã bốc cao. Tiếng củi cháy nổ lép bép như tạo thêm thanh âm cho cuộc vui. Người Gia Rai thật cuồng nhiệt. Vòng tay cứ rộng dần rộng dần. Chẳng có ai đứng ngoài cuộc vui đêm nay cả. Những người đàn ông Gia Rai Buôn Treng tay xách chiêng tạo thành một vòng tròn ngoài cùng. Những chiếc chiêng to nhỏ đủ cỡ đang được những nắm tay, những chiếc dùi thúc mạnh vào mặt chiêng. Ánh lửa đỏ rực như đang tô điểm cho mặt chiếng sáng loáng lên. Những người đàn ông mạnh mẽ vừa chơi chiêng vừa cất lên những tiếng cười man điệu. Tiếng cười như gọi tới trời cao, tiếng cười như gọi sâu vào lòng đất.
Vòng chiêng lại rộng ra để vòng múa xoang nở rộng. Tiếng chiêng boong boong rộn rã như bung lên từ những nắm tay mạnh mẽ. Dàn chiêng Gia Rai bên cạnh những chiếc chiêng lẻ do từng người đàn ông vừa nâng xách vừa đi vừa đánh thì còn có một bộ chiêng nhỏ. Những chiếc chiêng nhỏ này (tôi đếm vội đâu như có 20 chiếc) được mắc treo vào một cây sắt dài. Cây sắt dài treo chiêng do hai chàng trai đỡ trên vai, hai chàng chậm rãi bước đi, kế đó có hai chàng trai khác bước chân nhún nhẩy như đang múa, hai chàng trai này được phân chia mỗi người phụ trách chừng 10 chiêng, vừa đi theo dàn chiêng vừa dùng hai chiếc dùi nhỏ đánh vào mặt chiêng. Thì ra dàn chiêng nhỏ này đủ để tạo ra những âm thanh trầm bổng, với những cung bậc cảm xúc khác nhau.
Đêm sẫm. Nền trời cao nguyên vẫn xanh một màu xanh thăm thẳm. Ánh lửa soi rực cả một khoảng mênh mông. Cuộc vui nào rồi cũng kết thúc. Đoàn chúng tôi bịn rịn chia tay, đoàn chúng tôi lưu luyến chia tay. Những cô gái như H’Uyên, như H’Riên, như H’Mai, như H’Kim, như H’Loan đứng bên đường vẫy vẫy bàn tay. Tôi ngoái nhìn qua cửa sau của xe, ánh lửa chợt bùng lên, vô vàn những đốm than hồng bay vút lên vẽ vào khoảng không trăm ngàn bông hoa lửa.
Nguyễn Trọng Văn