Khúc dạo đầu nguy hiểm

Khúc dạo đầu nguy hiểm
4 giờ trướcBài gốc
Trong “cơn say” bạo lực, các bên đã đẩy cuộc xung đột đi ngày càng xa chưa thể có hồi kết, nguy hiểm hơn, đang biến cuộc chiến ủy nhiệm ở khu vực thành cuộc đối đầu trực diện giữa các quốc gia. Kể từ cuộc đột kích của Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 7-10 năm ngoái, kéo theo những đòn trả đũa tàn khốc ở Gaza, tổ chức vũ trang của Palestine không đơn độc trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Do thái. Lực lượng Hezbollah ở Lebanon và Houthi ở Yemen bấy lâu vẫn đối đầu với Israel càng được đà tấn công Nhà nước Do Thái để bày tỏ tình đoàn kết với Gaza.
Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống Gaza. Ảnh: THX/TTXVN
Nhưng đỉnh điểm của những diễn biến bạo lực đáng lo ngại mấy tuần qua là hai quốc gia láng giềng thù địch Israel và Iran gần như đang bị đẩy vào thế đối đầu quân sự sau cuộc tấn công tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Israel hôm 1-10 của Tehran. Nhà nước Do Thái được cho là đang cân nhắc đòn trả đũa đích đáng.
Bóng dáng cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông đã thực sự hiện hữu khiến câu hỏi cuộc xung đột sẽ leo thang đến đâu và cần làm gì để chấm dứt vòng xoáy bạo lực đang một lần nữa nhấn chìm khu vực? Với những diễn biến bạo lực căng thẳng không ngừng leo thang suốt một năm qua, khu vực này đang ở vào thời điểm nguy hiểm nhất kể từ cuộc chiến tranh Arab-Israel năm 1967. Thiết nghĩ không cần phải nhắc lại những con số đau lòng ở Gaza, bởi nơi đây đã trở thành tâm điểm của sự hủy hoại và những nỗi đau tột cùng. Nhưng từ Gaza, không khó để hình dung nếu không ngăn chặn kịp thời những diễn biến leo thang bạo lực mất kiểm soát gần đây, Lebanon rất có thể sẽ trở thành “nỗi đau” tiếp theo, đẩy Trung Đông chìm sâu xuống vực thẳm của chiến tranh đầy máu và nước mắt.
Không thể làm ngơ trước nỗi đau nhức nhối tiếp tục kéo dài cùng những diễn biến nguy hiểm ở Trung Đông hiện nay, vào thời điểm tròn một năm kể từ sự kiện ngày 7-10, khắp nơi trên thế giới đã diễn ra biểu tình kêu gọi chấm dứt ngay bạo lực ở Gaza cũng như khu vực. Từ châu Âu, châu Phi đến châu Á, những đám đông biểu tình hoặc bày tỏ đoàn kết với Palestine hoặc ủng hộ Israel, nhưng tựu trung lại vẫn là kêu gọi “nói không” với súng đạn, ngừng các cuộc tấn công mà dân thường luôn là những nạn nhân vô tội, để lại những hậu quả không thể cứu vãn.
Rõ ràng các cuộc chiến tranh mở rộng một khi bắt đầu sẽ phải mất nhiều năm để đưa mọi thứ trở lại như cũ ở khu vực suốt nhiều chục năm liên tiếp hứng chịu các cuộc xung đột, chiến tranh tàn phá. Và vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo hiện diện ở khu vực là một thực tế bấy lâu nay, dường như đang chực chờ được kích hoạt để trở thành công cụ bạo lực tiếp tục hủy diệt khu vực đau thương này.
Bạo lực leo thang suốt một năm qua ở Trung Đông cho thấy sử dụng vũ lực vẫn đang là xu thế nổi bật ở khu vực. Đây rất có thể mới chỉ là màn dạo đầu của một cuộc chiến toàn diện, nhưng điều nguy hiểm là nó đã nhanh chóng làm tê liệt các sáng kiến ngoại giao cũng như các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm tìm giải pháp hạ nhiệt "thùng thuốc súng" Trung Đông. Mọi nỗ lực thúc đẩy giải pháp ngoại giao trở nên quá yếu ớt trước sự vô tình của súng đạn, nếu không muốn nói là thất bại, điển hình là cuộc đàm phán tìm kiếm lệnh ngừng bắn ở Gaza liên tục đổ vỡ, Israel và Hezbollah vẫn đang giao tranh dữ dội, phớt lờ sự phản đối và kêu gọi hòa bình của cộng đồng quốc tế.
Việc Israel với sự hậu thuẫn của đồng minh lớn Washington chỉ tập trung vào sức mạnh quân sự mà bỏ qua đàm phán càng củng cố quyết tâm kháng cự đến cùng của Hezbollah, cũng như sự đoàn kết của “trục kháng chiến” chống Israel vẫn được biết tới là các liên minh quân sự nước ngoài của phong trào này. Iran cũng vì thế đã công khai tuyên bố sẽ hỗ trợ và sát cánh với Hezbollah.
Bạo lực không hồi kết đã cản trở mọi nỗ lực giải quyết các nguyên nhân cốt lõi gây căng thẳng kéo dài ở khu vực, trong đó mấu chốt là cuộc xung đột Palestine và Israel. Các cuộc đàm phán hòa bình Palestine-Israel đã tê liệt. Giải pháp hai nhà nước Palestine và Israel cùng tồn tại đã gần như không còn được nhắc tới trong bất kỳ nỗ lực cứu vãn hòa bình nào. Các nỗ lực ngoại giao, thường do Mỹ dẫn đầu, cũng đã không còn được tiếp tục trong bối cảnh chỉ chưa đầy một tháng nữa cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden, người sắp rời nhiệm sở, trên thực tế đã “bỏ rơi” Trung Đông, ngoại trừ việc tiếp tục có những hậu thuẫn tài chính, quân sự gây tranh cãi dành cho đồng minh Israel. Chính những động thái thiên vị Israel này của Washington đã tiếp sức cho chu kỳ bạo lực cùng những mâu thuẫn gia tăng ở khu vực.
Vì thế, cuộc đối đầu mới nhất hiện nay ở khu vực giữa Israel và các thế lực thù địch chắc chắn sẽ không phải là cuộc đối đầu cuối cùng. Xu hướng này sẽ tiếp tục cho đến chừng nào các nỗ lực được tập trung giải quyết cuộc xung đột Palestine-Israel hay cuộc đối đầu Mỹ-Iran thông qua các cuộc đàm phán dựa trên nguyên tắc: Israel, Palestine, Iran và tất cả các bên liên quan khác phải được hưởng các quyền bình đẳng về quốc gia, chủ quyền và an ninh. Trong đó, người Palestine phải có nhà nước độc lập được coi là một phần không thể thiếu của quá trình đạt được hòa bình ở khu vực.
Trung Đông luôn trong tình trạng biến động còn do khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng này luôn ở trung tâm của sự cạnh tranh chiến lược giữa các siêu cường đang ngày càng gay gắt. Trước tình hình hỗn loạn hiện nay, động thái của các nước lớn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của khu vực. Mặc dù vị thế của Mỹ đang bị suy yếu do các cuộc xung đột ở khu vực đang diễn biến ngoài tầm kiểm soát, nhưng Mỹ vẫn có thể có ảnh hưởng đáng kể nếu quyết tâm theo đuổi tham vọng Trung Đông của mình. Trong khi đó, các cường quốc khác đang ngày càng quan tâm tới “vùng rốn” năng lượng này và sẵn sàng thể hiện vai trò tại đây. Sự hợp tác giữa các siêu cường, dù hiếm hoi nhưng cũng có thể ít nhiều mang lại hy vọng cho khu vực vào thời điểm tăng nhiệt nóng bỏng hiện nay, vừa có thể giúp ngăn chặn một cuộc xung đột rộng lớn hơn vừa phù hợp với lợi ích chiến lược của các nước này.
Hơn lúc nào hết, Trung Đông đang rất cần những cứu cánh và giải pháp toàn diện cấp bách để thoát khỏi miệng vực chiến tranh toàn diện. Các bên liên quan cần phải hiểu rằng đầu tư vào các nỗ lực hòa bình hiện nay là không dễ dàng, nhưng dù sao cũng sẽ ít tốn kém hơn nhiều so với việc cứ để tình hình tồi tệ hiện tại tiếp diễn vượt tầm kiểm soát. Nếu không, những thảm kịch do chiến tranh, xung đột diễn ra ở Trung Đông hôm nay, có thể được nhìn thấy ở đâu đó vào ngày mai, vì sức ảnh hưởng và tác động toàn cầu của những diễn biến ở “vùng trũng” bạo lực này.
Theo qdnd.vn
Nguồn Lạng Sơn : https://baolangson.vn/khuc-dao-dau-nguy-hiem-5024332.html