Khúc tráng ca bất tử mang tên Mẹ

Khúc tráng ca bất tử mang tên Mẹ
7 giờ trướcBài gốc
Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Cộng đang sinh sống cùng gia đình tại tổ 7, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên).
Toàn tỉnh Thái Nguyên có 579 người mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" - một con số nói lên sự đóng góp to lớn và âm thầm của những người mẹ nơi vùng đất trung du cách mạng. Trong số đó, hiện nay chỉ còn 13 mẹ còn sống. Mỗi mẹ là một nhân chứng sống thiêng liêng, nhắc nhở về cái giá của hòa bình và bài học lòng biết ơn mà thế hệ hôm nay phải khắc ghi.
Những cánh tay chở che lịch sử
Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau mất đi những người thân yêu nhất vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của những người mẹ. Họ là những người vợ, người mẹ của liệt sĩ không chỉ chịu đựng nỗi đau mất chồng, mất con mà còn gồng gánh cả gia đình, nuôi con thơ khôn lớn giữa cảnh đạn bom và nghèo khó. Họ là những "ngọn đèn không bao giờ tắt" giữa đêm đen lịch sử.
Mẹ Nguyễn Thị Cộng, sinh năm 1929, đang sinh sống tại tổ 7, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), là một trong những người mẹ như thế. Mẹ quê gốc ở Quỳnh Phụ, Thái Bình, lên Thái Nguyên sinh sống cùng gia đình vào năm 1962; có chồng và con đều là liệt sĩ (chồng mẹ là ông Nguyễn Duy Bộ, nhập ngũ năm 1950, hy sinh năm 1952; con trai là Nguyễn Văn Huyền, nhập ngũ năm 1973, hy sinh năm 1975 tại chiến trường miền Nam). Hiện nay, mẹ ở cùng con trai cả là ông Nguyễn Trường Tộ.
Dù đã bước sang tuổi 96, sức khỏe của mẹ Cộng vẫn còn khá tốt. Ông Tộ kể lại: Ngày bố hy sinh, tôi mới 5 tuổi. Khi ấy ở quê, giặc Pháp thường xuyên càn quét, đốt nhà, bắt bớ dân làng. Mẹ phải cõng tôi bơi qua sông tránh giặc, rồi mò cua, bắt ốc nuôi ba anh em chúng tôi. Có những đêm, mẹ vừa đan lát vừa nấu sắn thay cơm. Không chỉ nuôi con khôn lớn, Mẹ còn tham gia công tác phụ nữ xã sau hòa bình lập lại.
Năm 1962, theo chủ trương của Nhà nước về xây dựng vùng kinh tế mới, dù thuộc diện chính sách không bắt buộc phải đi, nhưng gia đình mẹ Cộng vẫn tình nguyện rời quê hương, lên vùng núi Tân Thành (Phú Bình) để khai hoang, lập nghiệp. Đó là một sự dấn thân đầy dũng cảm - bởi người mẹ ấy không chỉ chịu đựng mất mát mà còn dám thay đổi để tìm đường sống cho con cháu.
Ông Tộ xúc động nói: Mẹ tôi là người đàn bà cả đời chỉ biết nhẫn nhịn, âm thầm. Mỗi lần ai nhắc đến cụm từ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tôi lại vừa tự hào vừa nghẹn ngào. Đó không chỉ là danh hiệu mà là một sự ghi nhận công lao của mẹ tôi và của biết bao bà mẹ khác trên đất nước này.
Ngoài câu chuyện của mẹ Cộng, còn có mẹ Trần Thị Ruẩn - một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hiện sống tại xã Bình Thành (Định Hóa). Nếu như mẹ Cộng là hình ảnh của người phụ nữ chịu thương chịu khó, âm thầm nuôi con giữa thời loạn, thì mẹ Ruẩn lại là chứng nhân của những mất mát không thể nguôi trong chiến tranh khi hai người con trai lần lượt hy sinh nơi chiến trường.
Tháng 2 vừa qua, trong ngôi nhà nhỏ ở xã Bình Thành (Định Hóa), lễ mừng thọ 101 tuổi của Mẹ Ruẩn đã diễn ra trong không khí ấm cúng, đầy xúc động. Dáng người gầy gò, làn da nhăn nheo như khắc ghi bao tháng năm cơ cực, Mẹ ngồi giữa con cháu, bên cạnh di ảnh chồng và hai người con trai đã hy sinh, như một chứng nhân sống động của lịch sử.
Lễ mừng thọ 101 tuổi của Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Ruẩn tại xã Bình Thành (Định Hóa).
Mẹ Ruẩn sinh được 9 người con. Năm 1968, người con trai cả Bùi Văn Ta lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Sau đó, con trai thứ năm là Bùi Văn Thắng cũng tình nguyện ra trận, bảo vệ biên giới phía Bắc khi mới 22 tuổi. Chỉ trong vòng 5 năm, Mẹ lần lượt nhận tin hai con hy sinh. Nỗi đau ấy như xé lòng, nhưng Mẹ chưa một lần than thân trách phận.
Cô Bùi Thị Chín, con gái út của Mẹ, xúc động chia sẻ: Mẹ yếu lắm rồi, nhưng hễ có ai đến thăm là Mẹ lại rưng rưng xúc động. Mẹ không còn nhớ hết tên, nhưng vẫn cố gắng nắm lấy tay người ta, như để giữ lại chút hơi ấm của những người con xa.
Từ năm 2014, Báo Thái Nguyên đã nhận phụng dưỡng Mẹ Trần Thị Ruẩn đến cuối đời. Ngoài phần kinh phí hỗ trợ hằng năm, các cán bộ, nhân viên Báo thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, chăm sóc Mẹ như chính người thân ruột thịt. Những việc làm nhỏ bé nhưng chứa đựng tình cảm lớn lao ấy đã góp phần bù đắp phần nào mất mát mà Mẹ đã trải qua.
Bài học về lòng biết ơn
Những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên mảnh đất Thái Nguyên, mỗi người là một pho sử sống, mang trong mình những câu chuyện khác nhau, những số phận riêng biệt, nhưng đều hội tụ ở một điểm chung: sự hy sinh âm thầm và tình yêu nước không gì đong đếm được. Họ đã hiến dâng cả tuổi xuân, cả cuộc đời cho cách mạng, lặng lẽ chịu đựng mất mát mà không một lời oán thán, như những ngọn nến bền bỉ cháy qua giông bão lịch sử.
Chung tay cùng chính quyền và các đoàn thể, nhiều doanh nghiệp, tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, phụng dưỡng, chăm sóc các Mẹ đến cuối đời, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần. Những việc làm ấy không chỉ là trách nhiệm chính trị, mà còn là sự gửi gắm tình cảm, đạo lý và lòng biết ơn của cả cộng đồng.
Chiến tranh đã lùi xa, thế hệ hôm nay có thể chưa từng nghe tiếng súng, chưa từng chứng kiến cảnh chia ly, nhưng qua những câu chuyện đời của các Mẹ, họ học được bài học sâu sắc: Hòa bình là thành quả được đánh đổi bằng máu và nước mắt và lòng tri ân là điều phải khắc cốt ghi tâm. Bằng chính cuộc đời mình, những người Mẹ Việt Nam Anh hùng đã viết nên khúc tráng ca bất tử, một bản hùng ca lặng thầm nhưng vang vọng mãi trong tâm khảm dân tộc.
Minh Anh
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202505/khuc-trang-ca-bat-tu-mang-ten-me-0af1197/