Tối 17-4, TP Hạ Long như mọi ngày vẫn rực sáng ánh đèn. Nhưng đằng sau sự bình yên ấy là một trận chiến khốc liệt, nơi những chiến sĩ Công an tỉnh Quảng Ninh phải đối mặt với một trong những đường dây ma túy nguy hiểm nhất từng được phát hiện tại địa phương.
Và giữa khói lửa đấu tranh, một người con ưu tú của lực lượng Công an nhân dân – Thượng úy Nguyễn Đăng Khải – đã ngã xuống, để lại phía sau sự tiếc thương vô hạn và một tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm, tinh thần kiên trung vì nước quên thân, vì dân phục vụ.
Sau khi lập chuyên án và nhiều tháng theo dấu đường dây ma túy, ngày 17-4 được xác định là thời điểm thích hợp để phá án và lực lượng đã bắt các thành viên trong đường dây, thu giữ gồm 16 bánh heroin, 2 khẩu súng quân dụng, 1 quả lựu đạn, 3 ô tô cùng nhiều tang chứng, vật chứng liên quan.
Trong quá trình vây bắt, một nhóm đối tượng đã nổ súng AK, tấn công lực lượng chức năng để giải cứu đồng phạm. Trong loạt đạn hung hãn ấy, Thượng úy Nguyễn Đăng Khải và Thiếu tá Vũ Văn Hoàn bị thương nặng. Dù được đưa đi cấp cứu ngay nhưng Thượng úy Khải đã anh dũng hy sinh.
Thượng úy Nguyễn Đăng Khải là cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy – Công an tỉnh Quảng Ninh. Đồng chí là người có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc, giàu lòng dũng cảm và luôn xung kích ở tuyến đầu trong các chuyên án lớn. Sự ra đi của anh là mất mát to lớn đối với gia đình, đồng đội và toàn lực lượng Công an nhân dân.
Anh hy sinh ở tuổi đời còn trẻ, khi sự nghiệp còn đang rực sáng. Nhưng chính sự hy sinh ấy đã viết nên một khúc tráng ca giữa thời bình – nơi những người lính không mang súng ra chiến trường, mà âm thầm cống hiến, đổ máu để giữ gìn sự bình yên cho xã hội.
Chuyên án tạm khép lại nhưng cũng mở ra một khoảng lặng đau thương. Thượng úy Nguyễn Đăng Khải đã ngã xuống. Anh không chỉ hy sinh cho một chuyên án, mà còn để nhắc nhở chúng ta rằng: bình yên không tự nhiên có, mà được đánh đổi bằng máu, nước mắt và cả mạng sống của những người âm thầm chiến đấu trong bóng tối.
Vụ việc lần này cho thấy mức độ manh động và tàn độc của tội phạm ma túy. Bọn chúng sẵn sàng sử dụng vũ khí quân dụng, sẵn sàng xả súng để giải cứu đồng bọn, bất chấp tính mạng của lực lượng chức năng và người dân. Điều đó khẳng định: ma túy không chỉ là tội phạm về chất, mà còn kéo theo hàng loạt hệ lụy về an ninh, trật tự, đạo đức xã hội và làm băng hoại giống nòi.
Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận tội phạm ma túy như một "giặc nội xâm" đúng nghĩa – thâm nhập, phá hoại âm thầm nhưng vô cùng nguy hiểm. Không thể có sự khoan nhượng, không thể có vùng cấm trong cuộc chiến chống ma túy. Mọi sự chần chừ, lơ là đều có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Từ chuyên án đặc biệt nghiêm trọng lần này, có thể rút ra nhiều bài học quý giá:
Thứ nhất, cần tăng cường hơn nữa năng lực phòng ngừa, phát hiện sớm tội phạm ma túy, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, có trang bị vũ khí và hoạt động liên tỉnh. Việc nắm chắc địa bàn, quản lý tốt các tuyến trọng điểm, khu vực nhạy cảm là điều kiện tiên quyết.
Thứ hai, công tác phối hợp giữa các lực lượng – từ Công an tỉnh, các Cục nghiệp vụ Bộ Công an đến chính quyền địa phương – cần được duy trì thường xuyên, linh hoạt và chặt chẽ. Sự vào cuộc đồng bộ chính là yếu tố quyết định giúp khống chế các tình huống khẩn cấp, phức tạp.
Thứ ba, cần tiếp tục hiện đại hóa lực lượng phòng chống ma túy cả về phương tiện kỹ thuật, trang bị, cũng như chế độ chính sách cho cán bộ trực tiếp chiến đấu. Họ là những người ở tuyến lửa, cần được hậu thuẫn bằng cơ chế đãi ngộ xứng đáng.
Cuối cùng, mỗi người dân cũng cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong cuộc chiến chống ma túy. Từ việc phát hiện tố giác, đến bảo vệ con em, giữ gìn lối sống lành mạnh – chính cộng đồng là "lá chắn mềm" hữu hiệu nhất trong phòng ngừa từ gốc rễ.
Trung tướng, PGS,TS.ĐỒNG ĐẠI LỘC