Ấn tượng lễ thượng cờ
Tập 3 của chương trình truyền hình thực tế Hoa hậu Việt Nam 2024 lên sóng chiều 26/4. Tập phim được quay tại vùng đất Quảng Trị, mảnh đất được mệnh danh là bảo tàng chiến tranh sống động của Việt Nam, là khúc tráng ca bất tử của những chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu suốt 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ.
Với chủ đề Hào khí đất lửa, 41 thí sinh tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa như lễ thượng cờ tại Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang quốc gia Đường 9, dâng hương ở Thành cổ Quảng Trị, thả hoa đăng ở bờ Bắc sông Thạch Hãn…
Thí sinh Hoa hậu Việt Nam thắp hương tưởng niệm trước các phần mộ liệt sĩ tại Quảng Trị. Ảnh: NHƯ Ý
Đây cũng là hoạt động đồng hành trong khuôn khổ Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 66. Một trong những hoạt động mở đầu tập phim mang đến nhiều cảm xúc, là hình ảnh 41 thí sinh Hoa hậu Việt Nam cùng các đại biểu Tiền Phong Marathon tham gia lễ thượng cờ tại Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.
Trong khoảnh khắc thiêng liêng lá cờ Tổ quốc được kéo lên trên cột cờ giới tuyến sông Bến Hải, các đại biểu cùng hát vang Quốc ca đầy tự hào, kiêu hãnh, dành một phút tưởng niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Thí sinh Hoa hậu Việt Nam giao lưu với cựu chiến binh tại Thành cổ Quảng Trị
“Trong khoảnh khắc lá cờ Tổ quốc kéo lên tôi cảm thấy cực kỳ xúc động”, thí sinh Hà Thu Trang, đến từ Cao Bằng nói. Thí sinh Vũ Đoàn Bảo Hà (Đồng Nai) cảm thấy rất tự hào khi được đứng trong khung cảnh trang nghiêm, xúc động như vậy.
Kính cẩn nghiêng mình thắp nén tâm hương trước anh linh các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang quốc gia Đường 9, những cô gái tuổi đời 18, đôi mươi đã rơi nước mắt.
Nhìn những dòng bia ngộ thẳng tắp, mỗi thí sinh như lắng lại và cảm nhận sâu sắc hơn về công lao to lớn của thế hệ cha anh đã chiến đấu anh dũng hi sinh để gìn giữ hai tiếng “Việt Nam”, giành lấy hòa bình, độc lập tự do của ngày hôm nay.
Thí sinh thả hoa đăng ở bờ Bắc sông Thạch Hãn. Ảnh: NHƯ Ý
Thí sinh Nguyễn Phương Nhi (TP Huế) chia sẻ, cô cảm thấy may mắn, biết ơn và hạnh phúc khi được sống trong một đất nước hòa bình. “Trong giây phút thiêng liêng đó, tôi tự nhủ bản thân và thế hệ trẻ cần có trách nhiệm để góp phần xây dựng đất nước tươi đẹp hơn”, Phương Nhi nói.
Tại lễ thả hoa đăng ở bờ Bắc sông Thạch Hãn, nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban Tổ chức Hoa hậu Việt Nam 2024 nhắc lại cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị đã ghi vào lịch sử dân tộc một mốc son sáng ngời, một khúc tráng ca bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
“Một thế hệ thanh niên lên đường, dâng hiến cả tuổi thanh xuân đẹp nhất, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đã chiến đấu, anh dũng hi sinh, xương máu đã lẫn vào đất, vào sông hóa thành cây cỏ, thành phù sa bờ bãi”, nhà báo Phùng Công Sưởng nói.
Nhà báo Phùng Công Sưởng nhấn mạnh, thế hệ cha anh đã làm nên chiến thắng từ chính sức mạnh tinh thần, lòng yêu nước, lý tưởng cao đẹp, lấy gan vàng chọi với sắt thép để tạc nên một tượng đài sừng sững với khát vọng độc lập, thống nhất.
Trên dòng sông một thời hòa cùng máu đào của hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ, đồng bào cả nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam, nhà báo Phùng Công Sưởng cùng Ban tổ chức, các vận động viên và Top 41 thí sinh Hoa hậu Việt Nam năm 2024 kính cẩn thắp những nén hương, thả nhẹ những bông hoa tươi thắm để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.
Khóc ở Thành cổ Quảng Trị
Trên mảnh đất lửa Quảng Trị, các thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2024 tham gia nhiều thử thách ý nghĩa, chia làm 4 đội mang tên: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Họ tham gia các thử thách tìm hiểu văn hóa, lịch sử, con người Quảng Trị anh hùng như, tìm hiểu về nghề chằm nón lá ở Trà Lộc, làng nghề đan lát Lan Đình, đi chợ Đông Hà, tìm hiểu lịch sử ở Thành cổ Quảng Trị.
Bốn đội có một thử thách chung là mỗi thành viên thực hiện một đoạn phim ngắn tạo xu hướng trên nền nhạc của chương trình về chủ đề “Yêu nước” trong thời lượng 45 giây.
Điểm nhấn của phần thử thách trong tập 3 này là thí sinh đi phỏng vấn, tìm hiểu câu chuyện thời chiến của du khách tại Thành cổ Quảng Trị. Mặc dù có những bỡ ngỡ ban đầu nhưng các thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2024 đã nhanh chóng nhập cuộc và mang đến những câu chuyện truyền cảm hứng. Đó là thử thách tìm về lịch sử hào hùng, với những câu chuyện chạm vào trái tim với đủ cung bậc cảm xúc mãnh liệt, vừa rưng rưng xúc động, vừa tự hào, biết ơn và thêm trân trọng giá trị của hai chữ “hòa bình”.
Nhóm thí sinh đặt câu hỏi với hai cựu binh về lý do đến thăm Thành cổ Quảng Trị. Cựu chiến binh Vũ Văn Giang, người từng tham gia chiến dịch 1972 Quảng Trị và nhiều chiến dịch khác xúc động nói: “Chúng tôi luôn luôn nhớ đến và luôn muốn trở về thăm lại mảnh đất này. Tấc đất tấc thịt đấy”.
Cựu chiến binh Nguyễn Duy Thiết (Ba Đình, Hà Nội) nói: “Máu xương đồng đội chúng tôi nằm lại dưới này rất nhiều. Năm nào tôi cũng về đây. Chiến tranh với người Việt Nam mất mát vô cùng lớn lao không gì bù đắp được. Mong lớp trẻ luôn nghĩ đến hi sinh mất mát đó, tiếp bước cha anh gìn giữ quê hương, đất nước”.
Ông Thiết rưng rưng chia sẻ, ông là người lính Trường Sơn, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, trải qua biết bao mưa bom bão đạn, trải qua lằn ranh sinh tử và may mắn hơn đồng đội vì được trở về với gia đình.
“Tôi được uống ngụm nước chè ở Thủ đô Hà Nội nhưng nhiều lúc nghĩ đến đồng đội lại xót xa. Rồi một mai chúng tôi cũng không còn nữa, các bạn nên trân trọng quá khứ”, ông Thiết nhắn nhủ.
Tập 3 chương trình truyền hình thực tế Hoa hậu Việt Nam 2024 kết thúc với những trải nghiệm trong đầy cảm xúc và ý nghĩa của các thí sinh tại vùng đất lửa một thời Quảng Trị, thông qua các thử thách bốn đội: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Với tinh thần của những người trẻ tràn đầy nhiệt huyết, các thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2024 đã tạo nên xu hướng yêu nước trên không gian mạng. Các bạn trẻ như được tiếp thêm động lực trên hành trình khẳng định sứ mệnh của bản thân.
Truyền cảm hứng từ bức thư đặc biệt
Ở một thử thách khác, nhóm thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2024 chép thư tay của một liệt sĩ và đọc cho các cựu chiến binh nghe.
Giữa thành cổ Quảng Trị linh thiêng, thí sinh Trịnh Vũ Hồng Duyên đọc bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, đôi lúc nghẹn giọng vì xúc động.
Nội dung bức thư như sau: “Mẹ kính yêu của con. Đây có lẽ là bức thư cuối cùng con gửi về cho mẹ. Khi thư này tới tay mẹ, con đã nằm sâu trong lòng đất Thành cổ. Con ước ao chỉ một lần nữa thôi, được nghịch ngợm như ngày nào, để được mẹ lấy phất trần quất mấy cái vào mông, phải thật đau vào.
Mẹ ơi, khi nước nhà thống nhất, mẹ đón con về nhà mẹ nhé, con nằm cách chân tường Thành cổ Quảng Trị góc Đông Nam chỉ 10 mét thôi mẹ ạ. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu. Lạy mẹ, con đi”.
Khi nghe đọc bức thư này, các cựu binh đều nhận ra ngay đây là bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Theo Thiếu tá Hoàng Dung, đây là bức thư thấm đẫm mồ hôi và xương máu của người chiến sĩ nằm xuống ở mảnh đất Thành cổ gửi cho người mẹ, rất quặn, rất đau.
“Khi đọc bức thư đó, người mẹ không còn gì để hy vọng. Nhưng thông điệp mạnh mẽ gửi gắm trong bức thư là vì Tổ quốc thân yêu, các chiến sĩ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”, thiếu tá Hoàng Dung nói.
Thượng sĩ Nguyễn Thanh Bình nói: “Đó là bức thư định mệnh. Thế hệ của chúng tôi biết vào đây sẽ hi sinh nhưng không sợ hi sinh, mà muốn chiến thắng, đánh bại kẻ thù để cho đất nước thống nhất”. Những chia sẻ truyền cảm hứng của các cựu binh khiến các thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2024 xúc động rơi nước.
Trong không gian linh thiêng của Thành cổ Quảng Trị, Thượng sĩ Nguyễn Thanh Bình đọc bài thơ tặng các thí sinh Hoa hậu Việt Nam. Bài thơ có đoạn: “Nhớ mãi trong tôi cổ thành Quảng Trị/81 ngày đêm nhật ký cuộc đời/Nơi đây một thời đổ máu/Máu hờn căm trào lên nòng súng đỏ/Quét sạch quân thù để bảo vệ thành xưa…”.
Thí sinh Lê Hoàng Khánh Linh (Tuyên Quang) chia sẻ, khi nghe các bác cựu chiến binh kể về những ngày chiến đấu anh dũng, những giây phút cận kề cái chết khiến cô cảm thấy rất xúc động, tự hào.
“Nhờ có các bác, các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống mà chúng cháu có cuộc sống độc lập, hòa bình trong ngày hôm nay”, Khánh Linh nói.
LƯU TRINH