Khúc tráng ca tri ân những người hy sinh vì Tổ quốc

Khúc tráng ca tri ân những người hy sinh vì Tổ quốc
10 giờ trướcBài gốc
NSND Trần Bình - tác giả kịch bản và đạo diễn đã chia sẻ với Báo Hànôịmới những tâm huyết gửi gắm trong đêm nghệ thuật này.
- Là tác giả kịch bản và đạo diễn chương trình, nghệ sĩ có thể chia sẻ thông điệp của chương trình “Lũy đá bất tử”?
- Tháng 7 luôn nhắc nhớ mỗi người dân Việt Nam về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đền ơn đáp nghĩa những người đã hy sinh tuổi trẻ, hạnh phúc và cả tính mạng để đất nước được trường tồn. Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam thực hiện chương trình “Lũy đá bất tử” để thắp lên một ngọn lửa ký ức, một bản giao hưởng nghệ thuật kết tinh từ âm nhạc, hình ảnh, cảm xúc, như lời tri ân sâu sắc gửi đến những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Chương trình không chỉ là một hoạt động tưởng niệm, mà là hành trình trở về quá khứ, nơi máu xương cha anh đã thấm sâu vào từng tấc đất của quê hương. Qua đó, “Lũy đá bất tử” muốn lan tỏa thông điệp về khát vọng sống đẹp, sống có trách nhiệm vì điều lớn lao; khơi dậy lòng biết ơn, tự hào và nhắc nhở thế hệ hôm nay về giá trị của hòa bình; đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ - những người tiếp bước cha anh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Hình ảnh “Lũy đá bất tử” được chọn là tên chương trình có ý nghĩa gì, thưa đạo diễn?
- “Lũy đá” là biểu tượng của sức mạnh, tinh thần đoàn kết và ý chí bất khuất như chính những con người đã làm nên lịch sử dân tộc. Để có được nền hòa bình hôm nay, dân tộc ta đã trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Đã có biết bao tấm gương anh hùng liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, trở thành biểu tượng bất tử trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Chính họ đã tạo nên những “thành lũy” vững chãi bằng máu xương và lòng yêu nước, được khắc ghi và trân trọng qua bao thế hệ. Bởi vậy, “Lũy đá bất tử” không chỉ là tên chương trình, mà là một định danh thiêng liêng dành cho họ.
- Nghệ sĩ có thể chia sẻ cụ thể hơn về nội dung chương trình nghệ thuật “Lũy đá bất tử”?
- Với chủ đề “Tri ân người lính bằng những thanh âm”, chương trình “Lũy đá bất tử” là hành trình trở về những ký ức hào hùng của dân tộc, gợi nhắc một thời đạn bom khi hàng triệu con người bình dị đã sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do. Trong từng giai điệu, lời ca, khán giả sẽ cảm nhận được hình ảnh những người lính tuổi đôi mươi ra đi không hẹn ngày về, những thương binh để lại một phần máu thịt nơi chiến trường, những người mẹ, người vợ thầm lặng chịu đựng mất mát.
Chương trình được dàn dựng công phu, kết hợp nhiều tiết mục xúc động, giàu tính nhân văn, thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và khát vọng hòa bình. Khán giả sẽ được thưởng thức nhiều ca khúc “đi cùng năm tháng” như “Chiến thắng Điện Biên” (Đỗ Nhuận), “Nữ anh hùng đầu tiên” (thơ Lê Ngọc Ngân, nhạc Trần Kim Phụng), “Bế Văn Đàn sống mãi” (Huy Du), “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” (Nguyễn Đức Toàn), “Lời anh vọng mãi ngàn năm” (Vũ Thanh), “Cô giao liên” (thơ Hồng Vinh, nhạc Đỗ Hồng Quân), “Vành hoa lửa” (thơ Nguyễn Thị Phương, nhạc Minh Quang), “Cô gái mở đường” (Xuân Giao), “Dòng sông hoa đỏ” (Võ Thế Hùng), “Ta ra trận hôm nay” (Văn An), “Có những tuổi 20 như thế” (Nguyễn Hồng Sơn), “Hát về anh” (Thế Hiển), “Hồn ngàn thu” (Đức Trịnh), “Linh thiêng Việt Nam" (Lê Quang), “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” (Nguyễn Văn Chung)...
- Trong quá trình dàn dựng chương trình, điều gì khiến ông trăn trở nhất?
- Trăn trở lớn nhất là làm sao để mỗi tiết mục có thể chạm được đến cảm xúc của khán giả hôm nay, đặc biệt là lớp trẻ. Chúng tôi muốn họ thực sự “nghe”, “xem” và “cảm”. Đó là lý do vì sao từng ca khúc, từng màn múa, từng hình ảnh tư liệu đều được chọn lọc kỹ lưỡng, để khán giả không chỉ thấy được một chương trình nghệ thuật công phu, mà còn cảm nhận được sự hy sinh vĩ đại của những con người lặng thầm đã viết nên lịch sử.
Sự tham gia biểu diễn của nhiều giọng ca kỳ cựu như NSND Quốc Hưng, NSND Hồng Hạnh, NSƯT Việt Hoàn, nhạc sĩ Trương Quý Hải; và các nghệ sĩ được khán giả yêu mến như Đức Tuấn, Viết Danh, Duyên Quỳnh, Thu Hằng, Phúc Đại, Hải Anh, Lan Thu... sẽ góp phần lan tỏa hiệu quả thông điệp của chương trình.
- Trong loạt tiết mục giàu cảm xúc, đâu là điểm nhấn của chương trình, thưa đạo diễn?
- Mỗi tiết mục đều mang một thông điệp riêng, là một lát cắt của ký ức thể hiện sự hào hùng, ý chí kiên cường và những hy sinh thầm lặng của lớp lớp người Việt Nam. Có lẽ, khán giả sẽ ấn tượng với “Lũy đá bất tử” - ca khúc được lấy làm tựa đề chương trình, do nhạc sĩ Trương Quý Hải sáng tác và biểu diễn cùng cây đàn guitar. Tác phẩm lấy cảm hứng từ câu chuyện cảm động về liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh - người đã anh dũng hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên. Trên khẩu súng anh ôm đến hơi thở cuối cùng có khắc dòng chữ: “Sống bám đá đánh giặc - Chết hóa đá bất tử”. Dòng chữ ấy không chỉ là lời thề thép của riêng anh, mà đã trở thành biểu tượng tinh thần của cả một thế hệ chiến sĩ nơi tuyến đầu ác liệt. Ca khúc là lời tri ân đến những người lính tuổi đôi mươi đã “hóa đá” để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Bên cạnh đó, còn có nhiều tiết mục chạm tới trái tim người nghe như “Hoa sim biên giới” do NSND Hồng Hạnh trình bày, “Ta ra trận hôm nay” và “Có những tuổi 20 như thế” do ca sĩ Đức Tuấn thể hiện, gợi hình ảnh những người lính trẻ ra đi không hẹn ngày về, dấn thân vì lý tưởng lớn lao và niềm tin mãnh liệt vào ngày chiến thắng.
- Trân trọng cảm ơn NSND Trần Bình!
An Nhi thực hiện
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/khuc-trang-ca-tri-an-nhung-nguoi-hy-sinh-vi-to-quoc-710549.html