Kể từ khi lệnh ngừng bắn tại Gaza có hiệu lực hôm 19/1 đến nay, cuộc sống người dân Palestine ở dải đất ven Địa Trung Hải này đã trở lại những ngày tạm thời không tiếng súng. Trong ảnh, dòng người đi lại trên một con phố ở TP Gaza, trung tâm của dải đất. (Ảnh: Reuters)
Khi lực lượng Israel rút khỏi Hành lang Netzarim chia cắt Bắc - Nam Gaza, dòng người đã ồ ạt trở về quê hương ở khu vực phía Bắc sau hàng tháng trời di tản do Israel mở chiến dịch quân sự đặc biệt. Trong ảnh, hàng dài gia đình từng bị di dời về phía Nam theo lệnh của Israel trong xung đột đang trên đường trở về quê hương ở phía Bắc Gaza. (Ảnh: Reuters)
Ông Emad al-Ramli, một người cha của 7 đứa con sinh sống ở khu vực phía Bắc Gaza rảo bước qua những dãy nhà hoang tàn đổ nát đã bị tên lửa, bom đạn phá hủy. Khung cảnh tan hoang là điều dễ dàng thấy được tại hầu hết khu vực của dải đất nhỏ bé này. (Ảnh: Reuters)
Từ phía Bắc đến phía Nam Dải Gaza, nhiều tòa nhà từng có hàng chục gia đình sinh sống, bên dưới là phố thị phồn hoa, sôi động. Thế nhưng bây giờ chỉ còn là đống đổ nát, mọi công trình gần như bị xóa sổ, mọi dấu hiệu của sự sống bị dập tắt. (Ảnh: Reuters)
Ông Joudeh al-Maghribi, một người đàn ông 80 tuổi, từng sở hữu ngôi nhà 5 tầng tại khu vực Wadi Gaza, là nơi trú ngụ của gia đình ông gồm 40 người. Giờ đây, tất cả đã không còn nữa. "Bây giờ chúng ta biết phải đi đâu? Làm sao chúng ta có thể bắt đầu xây dựng lại những gì bom đạn đã phá hủy?", ông tự hỏi. (Ảnh: Reuters)
Cầu thủ bóng đá người Palestine Ahmed Al-Loulahi tìm kiếm những gì còn sót lại dưới đống đổ nát của ngôi nhà tại Rafah, thành phố cực Nam của Dải Gaza. (Ảnh: Reuters)
Trở về quê hương, không chỉ xót xa trước đống đổ nát của khu vực nơi mình từng sinh sống, người dân Gaza còn kinh hoàng chứng kiến nhiều thi thể, hài cốt nằm rải rác khắp nơi. Một số thi thể bị phơi ra giữa trời, trong khi số khác bị chôn vùi trong đống đổ nát. (Ảnh: Reuters)
Anh Abdul Salam Hamoud, 33 tuổi, đã cùng 3 anh em đi tìm người anh trai mất tích một năm trước. Thay vì tìm thấy thi thể của anh trai, họ chỉ phát hiện ra những mảnh quần áo. "Những bộ quần áo này chỉ cho biết rằng anh ấy đã ra đi. Ở đây, cuộc sống đã dừng lại. Tất cả những gì còn lại chỉ là tiếng vọng của nỗi buồn và cái chết", người đàn ông nghẹn giọng nói. Thực tế đã có khoảng 47.000 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc xung đột. (Ảnh: Reuters)
"Giao tranh đã xóa sạch mọi dấu hiệu của sự sống ở khu vực Wadi Gaza, san phẳng đất nông nghiệp, biến khu vực này thành đô thị ma không thích hợp để sinh sống. Nhiều thi thể nằm phân hủy ngoài trời; mức độ tàn phá là vô cùng lớn và không có nguồn lực nào để giúp đỡ những người sống sót. Mọi người chỉ còn lại sự tuyệt vọng và hối tiếc", lãnh đạo của một thị trấn ở khu vực phía Bắc Gaza cho biết, mô tả tình hình tại dải đất đang diễn ra hết sức thảm khốc và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ tái thiết. (Ảnh: Reuters)
Thời gian qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump gây tranh cãi khi đề xuất ý tưởng di dời người Palestine ra khỏi Dải Gaza và cho Mỹ sở hữu vùng đất này. Đề xuất đã bị nhiều quốc gia phương Tây và các nước Ả Rập bác bỏ, kêu gọi thực thi giải pháp hai nhà nước. Giải pháp này vốn bị chính phủ Israel liên tục phản đối. (Ảnh: Reuters)
Những ngày qua, lực lượng Hamas cáo buộc Israel vi phạm các điều khoản ngừng bắn do đã trì hoãn kế hoạch hồi hương những người ở phía Bắc Gaza và tấn công người dân bằng pháo kích và súng. Ngoài ra, theo các nhà trung gian hòa giải Ả Rập, Israel phải cung cấp 60.000 ngôi nhà di động và 200.000 lều cho người dân Gaza theo thỏa thuận, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó vào ngày 11/2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo: "Nếu Hamas không trao trả các con tin vào trưa 15/2, lệnh ngừng bắn sẽ chấm dứt và Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sẽ tiếp tục giao tranh dữ dội cho đến khi Hamas bị đánh bại hoàn toàn". (Ảnh: Reuters)
Theo báo Washington Post, Israel đã tăng cường quân lính đến khu vực Gaza và hủy bỏ lệnh nghỉ phép của binh sĩ đang có mặt tại khu vực, gây lo ngại lệnh ngừng bắn mong manh giữa Israel và Hamas sụp đổ. (Ảnh: Reuters)
Lưu Gia Huy