'Khung đỡ' chống hoang phí đất đai

'Khung đỡ' chống hoang phí đất đai
2 giờ trướcBài gốc
Hà Nội xử lý lấn chiếm đất đai, ao hồ trong bối cảnh sắp xếp các đơn vị hành chính. Ảnh minh họa: TTXVN
Bài viết "Chống lãng phí" của Tổng Bí thư Tô Lâm là một thông điệp mạnh mẽ, mang tính thức tỉnh sâu sắc, khuyến khích mọi người xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội; trong đó có nguồn lực đất đai. Tại Khoản 1, Điều 54 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ "Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước", vậy nhưng nguồn lực đặc biệt này đã và đang bị lãng phí ở nhiều nơi, trong nhiều năm. Bởi vậy, chống lãng phí trong lĩnh vực đất đai, bất động sản cũng chính là một yêu cầu cấp bách và quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Lãng phí tài nguyên đất biểu hiện ở nhiều dạng thức khác nhau. Hình ảnh nhiều diện tích đất công bị bỏ hoang phí tại nhiều địa phương hoặc được cho thuê, chuyển nhượng, cổ phần hóa, tư nhân hóa không đảm bảo dẫn đến thất thu ngân sách là ví dụ điển hình.
Hay hàng loạt dự án bất động sản đình trệ do thủ tục pháp lý vướng mắc từ cơ quan công quyền hoặc do nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện cũng là một hình thái của lãng phí. Nguyên nhân thực tế dẫn đến việc các khu nhà ở thương mại, khu đô thị “bỏ hoang” là do quy hoạch một nơi, nhu cầu người dân một chỗ. Do đó, nhu cầu sử dụng không phù hợp và các dự án này rơi vào tình trạng bị “bỏ hoang” cũng là một biểu hiện của việc lãng phí tài nguyên đất đai trong nhiều năm qua…
Ghi nhận thực tế cho thấy, do sử dụng đất đai kém hiệu quả nên không chỉ riêng Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh mà ngay cả nhiều đô thị khác trên cả nước cũng có tình trạng các dự án bất động sản, khu đất "vàng" bị bỏ hoang, cỏ mọc đầy; thậm chí trở thành nơi chăn thả trâu bò ngay trong lòng thành phố. Điều này gây bức xúc đối với người dân, doanh nghiệp và ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương, nguồn ngân sách của Nhà nước.
Các chuyên gia cảnh báo: Nếu không được xử lý kịp thời, mục tiêu phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững trong chu kỳ mới khó thành hiện thực. Việc nắm bắt cơ hội để đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc cũng khó đảm bảo.
Theo ông Lê Quang Mạnh, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội, tình trạng lãng phí tài nguyên, đặc biệt là đất đai, vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa chú trọng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý nhà, đất công; chưa phân cấp kiểm tra hiện trạng. Việc lập phương án sắp xếp lại tài sản chậm trễ, dẫn đến tình trạng đất bỏ hoang, nhà công vụ xuống cấp, không sử dụng đúng chức năng.
Cùng đó, cơ sở dữ liệu đất đai là nền tảng cho quản lý tài nguyên hiệu quả cũng bị đánh giá là chưa hoàn thiện, không đáp ứng được yêu cầu kết nối, chia sẻ và minh bạch hóa thông tin. Không chỉ vậy, đất của các dự án chậm đưa vào sử dụng, đất do các nông - lâm trường quản lý bị bỏ hoang sau các đợt thanh tra, kiểm tra vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Tình trạng này không chỉ gây lãng phí, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của người dân và doanh nghiệp về tính nghiêm minh trong quản lý đất đai.
Chậm đưa đất vào sử dụng, gây hoang hóa lãng phí, thất thu ngân sách. Ảnh minh họa: Mạnh Khánh-TTXVN
Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng, việc thu hồi triệt để các dự án "treo" không chỉ là một trong những trụ cột trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mà còn là chìa khóa để tái cấu trúc không gian phát triển, giải phóng nguồn lực, tạo dư địa mới cho tăng trưởng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi một hệ thống giải pháp quyết liệt, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và địa phương với tinh thần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, minh bạch trong xử lý và đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.
Đồng tình với quan điểm phải kiên quyết chống lãng phí trong lĩnh vực đất đai, bất động sản, tài sản công và đầu tư công, Tiến sỹ Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc xử lý triệt để dự án tồn đọng, kiểm soát chặt chẽ nguồn lực đất đai, nguồn lực công sẽ tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế, cũng như giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, minh bạch hơn. Song song với đó, cần xây dựng lộ trình cụ thể để thiết lập cơ sở dữ liệu về đất đai, bất động sản, hoàn thiện cơ chế quản lý và sử dụng nguồn dữ liệu này.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Cao - Luật sư Điều hành Công ty Luật FDVN nhấn mạnh: Xử lý hậu quả các sai phạm liên quan đến lãng phí nguồn lực đất đai là nhiệm vụ quan trọng, nhưng để xóa bỏ tình trạng này thì đó chưa phải là tất cả. Để chống lãng phí nguồn lực đất đai hiệu quả, việc phòng lãng phí thông qua một thể chế hoàn thiện, đủ sức răn đe là giải pháp căn cơ hơn hết. Chống lãng phí hiệu quả nhất bắt đầu từ việc phòng lãng phí và một khung thể chế phù hợp là cách để phòng lãng phí hiệu quả.Từ việc nhận diện những dạng thức lãng phí, theo Luật sư Lê Cao, các tổ chức, cá nhân cần "thức tỉnh" sâu sắc về việc phải hành động ngay trong công tác phòng, chống lãng phí. Thay vì loay hoay nghiền ngẫm trong những lý thuyết mơ hồ, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương và toàn thể người dân cần bắt tay ngay vào công cuộc này.“Trước tiên cần hành động để xây dựng "khung đỡ" pháp lý phù hợp với thực tiễn. Cùng đó, cần "mở cửa" kiến tạo, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia các hoạt động thực hiện thủ tục hành chính hạn chế tốn kém thời gian, công sức. Hơn nữa, phải “dẹp” được thực tế nạn nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ công chức; phải sử dụng tài nguyên thiên nhiên; trong đó có tài nguyên đất đai một cách hiệu quả” – Luật sư phân tích.Hiện nay, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn mới được Chính phủ đặt mục tiêu trong năm 2025 là kiên quyết thu hồi triệt để các dự án treo và xử lý dứt điểm tình trạng thất thoát tài sản công, đặc biệt là đất đai, theo đúng các kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Việc loại bỏ các dự án kém hiệu quả, chống lãng phí trong lĩnh vực đất đai, bất động sản sẽ góp phần khai thác hiệu quả nguồn lực từ tài nguyên này.
Bài cuối: Kinh nghiệm đắt giá từ thành phố "ma"
Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/khung-do-chong-hoang-phi-dat-dai/374005.html