Hình ảnh bưởi rụng khắp sân trong video của Lý Tử Thất bị cho là không tự nhiên.
Sự trở lại của "tiên nữ đồng quê" Lý Tử Thất vẫn là chủ đề nóng khắp các diễn đàn mạng xã hội Trung Quốc những ngày qua. Đặc biệt, video làm sơn mài cô đăng vào ngày 12/11 thu hút hàng trăm triệu lượt xem và bàn luận sôi nổi, theo Sohu.
Tuy nhiên, mới đây, một khoảnh khắc trong vlog mới đăng tải của Lý Tử Thất bất ngờ gây tranh cãi. Cụ thể, trong một góc quay khi ngồi làm sơn mài ở sân nhà tại Tứ Xuyên, miền Nam Trung Quốc, dân mạng thấy lạ khi rất nhiều bưởi tươi xanh rụng khắp vườn nhưng không ai thèm nhặt.
Nhiều người tố cô nàng dàn cảnh để quay phim, họ không tin rằng có người để trái cây rụng nhiều mà vứt bỏ lãng phí như vậy. Nhiều người nói nữ blogger "giả tạo", "làm màu".
Một số cư dân mạng sống ở miền Bắc Trung Quốc đặt nghi vấn: "Miền Nam thật sự có nhiều bưởi như vậy sao? Nhìn những trái đó xanh đến mức không thể rụng được?".
Nhưng không cần Lý Tử Thất phải lên tiếng thanh minh, rất đông người hâm mộ đến từ các tỉnh miền Nam như Tứ Xuyên, Quảng Tây, Phúc Kiến... đã nhanh chóng giải thích rằng hình ảnh đó là chuyện bình thường ở những vùng đất màu mỡ của họ.
Hàng trăm dân mạng đăng kèm hình ảnh trái cây rụng đầy sân nhà, vườn tược, thậm chí trên đường phố mà không ai thèm nhặt.
Dân mạng đăng ảnh bưởi rụng không ai nhặt để bênh vực Lý Tử Thất.
"Sân sau nhà tôi cũng đầy bưởi rụng. Nếu không ai nhặt thì chúng cứ từ từ thối rữa tại chỗ", một người viết.
Một tài khoản khác đưa ra lý giải về những trái bưởi xanh đã rụng: "Những trái bưởi này lớn lên tự nhiên. Nếu không có phun thuốc hay bọc bao, chúng rụng xuống đất khi còn xanh là chuyện bình thường".
Không chỉ ảnh bưởi rụng, những dân mạng nhiệt tình còn đăng ảnh xoài, khế rụng đầy đường.
Cuộc tranh luận cuối cùng cũng trở về với khu vườn của Lý Tử Thất. Vì chủ nhận video không lên tiếng, dân mạng chỉ có thể đoán rằng bưởi rụng đầy sân nhà cô là hiện tượng xảy ra do mùa đông trời lạnh. Bên cạnh đó, một số đồng hương Tứ Xuyên nói rằng đó có thể là giống bưởi cổ, có vị chua và chát nên không ai ăn.
Nhiều dân mạng nói rằng họ được "mở mang tầm mắt" khi biết Tứ Xuyên có giống bưởi cổ, vỏ dày, vị đắng và khô. Từ cuộc tranh cãi về bưởi, chủ đề bàn luận cũng nhanh chóng biến thành cuộc trao đổi văn hóa giữa các vùng miền ở Trung Quốc.
Đinh Phạm
Ảnh: Sohu