Khách hàng mua gạo tại siêu thị Marusan ở Koshigaya, tỉnh Saitama, Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg/Getty Images
Theo CNN, gạo được dùng trong hầu hết mọi bữa ăn, dùng để làm sushi, làm đồ ngọt, lên men thành rượu và dâng cúng trong các nghi lễ tôn giáo.
Gạo có mặt ở khắp mọi nơi trong chế độ ăn uống của người Nhật – có ít nhất sáu cách trong tiếng Nhật để mô tả loại hạt này, từ loại chưa xay đến đã sẵn sàng để ăn. Gạo phổ biến tại Nhật Bản đến nỗi McDonald's ở đó đã thêm một chiếc bánh mì kẹp thịt làm từ gạo vào menu của họ.
Nhưng việc quá phụ thuộc vào lương thực chính khiến nền kinh tế lớn thứ tư thế giới dễ bị tổn thương trước bất kỳ trục trặc nhỏ nào về nguồn cung.
Trong những năm gần đây, thời tiết xấu, những đợt nắng nóng cộng với mối đe dọa bão và động đất đã gây ra những cơn hoảng loạn mua hàng ở quốc gia có 124 triệu dân này.
Theo số liệu của chính phủ, giá trung bình của một bao gạo 60 kg đã tăng lên khoảng 160 USD vào năm ngoái - tăng 55% so với hai năm trước.
Tình hình đã trở nên tệ đến mức vào tháng 2 năm nay, chính phủ đã tuyên bố sẽ bán đấu giá 210.000 tấn gạo – tương đương hơn 1/5 kho gạo dự trữ dự phòng. Những bao gạo dự trữ đầu tiên hiện đã được bán tại các siêu thị.
Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng kho dự trữ gạo vào năm 1995, hai năm sau khi một mùa hè lạnh giá bất ngờ làm hỏng vụ thu hoạch lúa, buộc họ phải nhập khẩu ngũ cốc từ nước ngoài.
Kho dự trữ đã giảm xuống sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 khiến 20.000 người chết hoặc mất tích, và một lần nữa sau trận động đất chết chóc ở Kumamoto năm 2016.
Các quốc gia khác trên khắp châu Á, nơi gạo là lương thực chính, như Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan cũng dự trữ gạo để bảo vệ người dân khỏi tình trạng thiếu hụt và giá cả tăng cao. Bất ổn liên quan đến gạo có thể ảnh hưởng đến chính trị, giống như đợt tăng giá trứng gần đây ở Mỹ.
Trung Quốc cũng có một kho dự trữ chiến lược về loại thịt được ưa chuộng nhất của đất nước, thịt lợn, để đối phó với các trường hợp khẩn cấp và ổn định giá khi cần thiết.
Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, lô gạo dự trữ đầu tiên gồm 150.000 tấn đã được đấu giá vào tháng trước.
“Giá gạo hiện đang ở mức cao bất thường”, Bộ trưởng Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Taku Eto cho biết trước cuộc đấu giá. “Nhưng tôi kêu gọi mọi người đừng lo lắng”, ông Eto nói thêm, đồng thời cho biết ông kỳ vọng việc bơm gạo vào thị trường sẽ giúp kéo giá gạo đi xuống.
Bộ trưởng Eto cũng cho rằng giá gạo tăng gần đây là do vấn đề về chuỗi cung ứng. Có đủ gạo trong hệ thống, chỉ là gạo không được bày bán trên các kệ hàng tại siêu thị mà không nêu rõ lý do.
Hôm 2/4 , Trial Holdings, công ty điều hành chuỗi siêu thị giảm giá tại đảo Kyushu ở phía nam Nhật Bản, xác nhận với CNN rằng lô gạo đầu tiên được đấu giá đã được bày bán tại một số cửa hàng của họ.
Nhưng tại một quốc gia vốn rất khắt khe với chất lượng gạo – nơi các tỉnh thi nhau giành danh hiệu 'gạo ngon nhất” – một số người đã tỏ ra dè dặt với lô gạo này, hoài nghi về chất lượng hạt gạo trong kho dự trữ.
“Tôi không có ý định mua vì tôi nghe nói đó là gạo cũ. Tôi vẫn rất kén chọn gạo”, bà nội trợ Emi Uchibori, 69 tuổi, nói với CNN.
Uchibori cho biết bà đã tích trữ gạo từ đầu tháng 3 sau khi thấy thông tin việc giá cả tăng và hy vọng những gì bà có sẽ đủ dùng cho đến khi giá giảm.
“Nhưng có vẻ như giá sẽ không trở lại mức giá ban đầu”, bà nói.
Yuko Takiguchi, 53 tuổi, một công nhân bán thời gian, cho biết bà sẽ bỏ qua lô gạo được đấu giá trừ khi giá rẻ hơn đáng kể.
Bà cho biết bà sẽ không ngại chi nhiều tiền hơn để mua gạo chất lượng vì giá bột mì cũng tăng, đẩy giá các mặt hàng chủ lực khác như bánh mì, mì udon và mì ống lên cao.
“Tôi thích gạo làm thực phẩm chủ lực vì nó no hơn. Ngoài ra, vì tôi có con đang tuổi đi học nên gạo là thực phẩm thiết yếu cho hộp cơm trưa của chúng”, bà nói.
Thu Hằng/Báo Tin tức