Khủng hoảng giáo dục gia đình, nhiều trẻ em từng bị mắng chửi và đánh đập

Khủng hoảng giáo dục gia đình, nhiều trẻ em từng bị mắng chửi và đánh đập
3 giờ trướcBài gốc
Tháng 11/2024, nhân dịp Ngày Trẻ em Thế giới 20/11 với chủ đề “Lắng nghe tương lai", Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) đã công bố Báo cáo “Đánh giá Sự tham gia của trẻ em Việt Nam” 2024 (Tiếng nói trẻ em Việt Nam). Mục tiêu của báo cáo là chia sẻ các phát hiện về sự tham gia của trẻ em và việc thực thi quyền tham gia của trẻ em tại các môi trường gia đình, nhà trường, cộng đồng, và môi trường mạng.
Sự quan tâm đúng mức của gia đình có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của trẻ nhỏ. Ảnh nguồn: MSD
Khủng hoảng giáo dục gia đình ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ nhỏ
Khảo sát được thực hiện tại 6 tỉnh, thành phố ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam trong 6 tháng, với sự tham gia chia sẻ ý kiến từ 831 trẻ em, trong đó có trẻ em khuyết tật và trẻ em LGBTQI+, cùng với phụ huynh, người chăm sóc và các bên liên quan. Báo cáo khảo sát “Đánh giá sự tham gia của trẻ em” đã phát hiện ra một số điểm cho thấy các vấn đề khủng hoảng giáo dục gia đình:
Thứ nhất, còn nhiều vấn đề còn tồn đọng trong quản lý, giáo dục trẻ em tại gia đình. Theo khảo sát, có đến 88,3% trẻ em đã từng bị mắng, chửi trong gia đình; 54.4% đã từng bị đánh, vụt trong gia đình; 54% bị kiểm soát trong các mối quan hệ xã hội (kết bạn, tình yêu); 45% trẻ em cho rằng mình bị phân biệt đối xử. Điều này cho thấy, vẫn còn nhiều bậc phụ huynh cho rằng việc mắng, thậm chí đánh con là một hình thức giáo dục.
Thứ hai, giữa lãnh đạo trường học với trẻ em vẫn còn khoảng cách/giới hạn nhất định, tỷ lệ trẻ em chưa bao giờ trao đổi, đối thoại với lãnh đạo trường chiếm tỷ lệ khá cao (63%).
Thứ ba, có đến 77.5% trẻ em từng chứng kiến bạo lực học đường. Phát hiện này tương đồng với kết quả của nghiên cứu trên 1.040 học sinh THCS và THPT tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh năm 2019 khi có 75.7% học sinh tham gia vào bắt nạt truyền thống. Đây là điểm hết sức lưu ý đối với các nhà trường trong quá trình tổ chức giáo dục và hoạt động rèn luyện đối với học sinh.
Thứ tư, mức độ tham gia các hoạt động liên quan đến quyền tham gia của trẻ em tại cộng đồng của trẻ em còn nhiều hạn chế. So sánh với sự tham gia, mức độ tự chủ của trẻ em tại gia đình và tại trường học, sự tham gia và mức độ tự chủ của trẻ em tại cộng đồng hạn chế hơn cả. Kết quả phỏng vấn sâu tại các tỉnh cũng cho thấy, nhiều địa phương không có nhiều các hoạt động có chất lượng, chiều sâu dành cho trẻ em.
Bên cạnh các môi trường gia đình, trường học, cộng đồng, môi trường mạng ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống của trẻ em nói chung và đảm bảo quyền của trẻ em nói riêng. Kết quả khảo sát cho thấy 86.1% trẻ em được khảo sát có sử dụng mạng xã hội. Mục đích sử dụng lớn nhất là giải trí gồm xem phim ảnh, nghe nhạc... (86%).
Bà Phạm Thị Thủy - Trưởng phòng phát triển tham gia của trẻ em, Cục trẻ em cho biết: “Hiện nay có khoảng 20,1% trẻ em chưa từng nghe và biết đến về quyền trẻ em. Điều này đã chỉ ra rằng chúng ta cần tăng cường công tác truyền thông hơn nữa, tổ chức các buổi tập huấn, chia sẻ cho trẻ em, nhất là trẻ em trong nhà trường”.
Bà Phạm Thị Thủy - Trưởng phòng phát triển tham gia của trẻ em, Cục trẻ em chia sẻ tại buổi trò chuyện trực tuyến “Sự tham gia của trẻ em Việt Nam”. Ảnh nguồn: MSD
Tiếp tục triển khai các chương trình thúc đẩy sự tham gia của trẻ em
Trên cơ sở một số phát hiện chính nêu trên, đánh giá đưa ra một số khuyến nghị đối với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ trẻ em, đối với gia đình, trường học và tổ chức xã hội như sau:
Thứ nhất, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng một hệ thống ghi nhận và đánh giá mức độ tham gia của trẻ em và cũng như theo dõi các quan điểm và khuyến nghị của trẻ em được cân nhắc, sử dụng thế nào trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách liên quan.
Hệ thống này phải được quản lý, điều phối bởi Cục Trẻ em (cấp Trung ương) và cơ quan chuyên trách về bảo vệ trẻ em thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố (cấp địa phương).
Các tiêu chuẩn và hướng dẫn về sự tham gia của trẻ em cần được xây dựng và áp dụng một cách đầy đủ và nghiêm túc.Ngoài ra, tiếp tục tổ chức các chương trình đào tạo về kỹ thuật thúc đẩy sự tham gia của trẻ em và các nguyên tắc cơ bản cho các cơ quan chủ chốt các cấp tại địa phương.
Thứ hai, phụ huynh và người chăm sóc trẻ cần tích cực tham gia các chương trình, hoạt động tư vấn, hướng dẫn, giáo dục, tập huấn... để tăng cường nhận thức và điều chỉnh hành vi ứng xử với trẻ em liên quan đến bảo đảm và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong gia đình.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần dành thời gian có chất lượng để lắng nghe, ghi nhận, khuyến khích và thúc đẩy trẻ em trong gia đình bày tỏ ý kiến, sáng kiến về những vấn đề liên quan đến trẻ em trong gia đình. Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi để trẻ em có thể tham gia vào các hoạt động được tổ chức tại trường học, cộng đồng dân cư... khi trẻ em bày tỏ nhu cầu, mong muốn tham gia.
Thứ ba, trường học và thầy cô cần lấy học sinh làm trung tâm, lắng nghe học sinh nhiều hơn, thúc đẩy học sinh chủ động, tích cực hơn. Đồng thời, tạo cơ hội tham gia các công việc của lớp, trường cho mọi học sinh;Lắng nghe, trao đổi với học sinh;Tổ chức nhiều hơn vào các hoạt động ngoại khóa để tiếp cận và thúc đẩy sự tham gia của học sinh;Tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao kỹ năng thúc đẩy sự tham gia, bày tỏ ý kiến của học sinh đối với lãnh đạo cơ sở giáo dục và giáo viên;..
Thứ tư, các tổ chức xã hội cần tiến hành đánh giá hiệu quả và tác động của các hoạt động, mô hình tăng cường sự tham gia của trẻ em một cách có hệ thống, các bài học kinh nghiệm cần được chia sẻ rộng rãi để các bên, các cấp có thể học hỏi và vận dụng nhân rộng theo hệ thống của mình; Tăng cường góp ý, xây dựng chính sách, hướng dẫn triển khai các mô hình thúc đẩy sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em đối với cơ quan quan lý nhà nước ở các cấp độ địa phương và quốc gia;…
Chia sẻ về đề xuất của trẻ trong báo cáo báo cáo, bà Trần Vân Anh, Phó Viện trưởng Viện MSD cho biết “Các đề xuất này sẽ định hướng cho các giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em tham gia vào các quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của mình, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của sự tham gia của trẻ em trong quá trình phát triển bền vững của xã hội”.
Các số liệu trong báo cáo “Đánh giá sự tham gia của trẻ em Việt Nam” 2024 là cơ sở tham chiếu cho các hoạt động, giải pháp và can thiệp phù hợp ở những phạm vi, cấp độ và hình thức khác nhau hướng đến việc thực thi Quyền trẻ em hiệu quả, phù hợp với thực trạng phát triển xã hội trong bối cảnh hiện nay.
Sau khi báo cáo hoàn thành, các kết quả được nhóm nghiên cứu gửi lại từng địa phương khảo sát. Kết quả khảo sát bao gồm các phát hiện, khuyến nghị và đề xuất của trẻ em trong khuôn khổ báo cáo này được kỳ vọng sẽ là cơ sở tham chiếu và nguồn dữ liệu để các bên liên quan, đặc biệt là các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, trường học, tổ chức xã hội và tổ chức quốc tế tham khảo, vận dụng trong quá trình xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách và chương trình thực hiện hiệu quả về quyền tham gia của trẻ em.
Hương Giang
Nguồn Trẻ em Việt Nam : https://treemvietnam.net.vn/khung-hoang-giao-duc-gia-dinh-nhieu-tre-em-tung-bi-mang-chui-va-danh-dap-d5721.html