Năm 2024, Trung Quốc chứng kiến số lượng cuộc hôn nhân mới giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 40 năm, phản ánh những thách thức ngày càng gia tăng do tỷ lệ sinh giảm và sự suy giảm dân số.
Theo số liệu từ Bộ Nội vụ, chỉ có 6,10 triệu cặp đôi kết hôn trong năm 2024, giảm 20,5% so với năm trước đó. Đây là con số thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 1980. Trong khi số vụ đăng ký kết hôn giảm mạnh, số ca ly hôn lại tăng nhẹ 1,1%, đạt 2,82 triệu trường hợp.
Nhà nhân khẩu học độc lập He Yafu, đang làm việc tại tỉnh Quảng Đông, nhận định rằng vì phần lớn các ca sinh ở Trung Quốc diễn ra trong hôn nhân, sự sụt giảm đáng kể số cuộc hôn nhân mới trong năm 2024 báo hiệu rằng tỷ lệ sinh sẽ tiếp tục giảm vào năm 2025.
Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Trung Quốc ngày càng trở nên nghiêm trọng do tỷ lệ sinh thấp kéo dài. Nguyên nhân chính là sự suy giảm số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, cùng với xu hướng trì hoãn kết hôn và sinh con của giới trẻ do áp lực kinh tế và xã hội. Mặc dù chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp khuyến khích sinh sản, dân số Trung Quốc vẫn được dự báo sẽ tiếp tục giảm, đặt ra thách thức lớn về mặt chính sách khi đất nước đối mặt với tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động và tốc độ già hóa nhanh chóng.
Tuy nhiên, một điểm sáng là năm 2024 đánh dấu lần đầu tiên số ca sinh tăng trở lại kể từ năm 2017, với 9,54 triệu trẻ sơ sinh được chào đời, tăng so với con số 9,02 triệu của năm trước. Các chuyên gia cho rằng sự phục hồi này phần nào nhờ vào số lượng hôn nhân tăng trong năm 2023, cũng như niềm tin văn hóa khi năm 2024 là năm con Rồng, một năm được xem là tốt lành trong quan niệm truyền thống Trung Quốc. Nhiều bậc cha mẹ đã chờ đợi để sinh con vào năm này với mong muốn có một "đứa trẻ rồng".
Năm 2023, Trung Quốc cũng ghi nhận số lượng đăng ký kết hôn tăng lần đầu tiên sau gần một thập kỷ. Tuy nhiên, các nhà nhân khẩu học dự báo rằng xu hướng giảm tỷ lệ sinh vẫn sẽ tiếp tục vào năm 2025. Chính quyền Trung Quốc đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ hôn nhân và sinh con, nhưng các biện pháp này thường mang lại hiệu quả hạn chế và đôi khi gây tranh cãi về mức độ can thiệp của chính phủ vào đời sống cá nhân.
Trong nỗ lực giải quyết vấn đề hôn nhân muộn, năm ngoái, chính quyền châu tự trị Đại Lý Bạch ở tỉnh Vân Nam đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm và tổ chức các sự kiện mai mối dành cho những người độc thân trên 35 tuổi. Đây là một trong những sáng kiến nhằm ứng phó với tình trạng suy giảm hôn nhân và sinh sản của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Thanh Phúc