Điểm xuất phát của hệ thống đường ống dẫn khí đốt tự nhiên ở Ust-Luga, Nga. Ảnh: Bloomberg/TTXVN
Nhận định với tờ Tin tức Arab (Arab News) ngày 13/1, Luke Coffey, thành viên cao cấp tại Viện Hudson cho rằng gần ba năm sau cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, một cuộc khủng hoảng năng lượng mới đang âm thầm phát triển ở Đông Âu. Diễn biến mới nhất là việc Transnistria - khu vực ly khai từ Moldova - đã ngừng nhận khí đốt từ Nga, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ Moldova và tiềm ẩn nguy cơ lan rộng ra khu vực.
Để hiểu rõ tình hình hiện tại, cần nhìn lại bối cảnh lịch sử gần đây. Điều đáng chú ý là ngay cả sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Gazprom - công ty năng lượng nhà nước Nga - vẫn tiếp tục vận chuyển khí đốt tự nhiên đến Đông Âu qua lãnh thổ Ukraine. Phần lớn lượng khí đốt này được chuyển đến Hungary, Slovakia và Áo, trong khi một phần chảy vào Transnistria.
Ukraine cho phép khí đốt Nga quá cảnh vì hai lý do chính: một là EU gây áp lực do chậm tìm giải pháp thay thế cho các nước Đông Âu phụ thuộc vào khí đốt Nga, hai là Ukraine nhận được khoản phí quá cảnh đáng kể từ Gazprom - nguồn thu quan trọng cho nền kinh tế đang bị xung đột tàn phá. Về phía Gazprom, trong bối cảnh bị trừng phạt kinh tế, họ cần duy trì mọi khách hàng có thể, dù phải phụ thuộc vào Ukraine để vận chuyển.
Tuy nhiên, vào mùa hè năm ngoái, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã quyết định không gia hạn hợp đồng quá cảnh với Gazprom sau khi nó hết hạn vào cuối năm 2024. Đây là dấu hiệu rõ ràng đầu tiên về một cuộc khủng hoảng năng lượng sắp xảy ra ở Đông Âu vào năm 2025. Mặc dù EU và Ukraine đã thúc đẩy đàm phán với Azerbaijan để thay thế vai trò của Nga, nhưng thỏa thuận này vẫn chưa được hoàn tất.
Từ lâu năng lượng đã trở thành "vấn đề nóng" giữa Nga và Moldova. Kể từ năm 2006, Gazprom đã nhiều lần tăng giá mạnh hoặc cảnh báo cắt giảm khí đốt cho Moldova. Các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine trong cuộc xung đột hiện tại cũng gây mất điện hàng loạt ở một số thành phố Moldova.
Đối mặt với tình hình này, các đồng minh phương Tây đã hỗ trợ Moldova. EU cung cấp hàng trăm triệu euro viện trợ khẩn cấp trong mùa đông 2022, trong khi Romania cung cấp điện thay thế. Đến tháng 10/2023, Moldova tuyên bố ngừng mua khí đốt từ Gazprom.
Tuy nhiên, Moldova vẫn phụ thuộc gián tiếp vào khí đốt Nga thông qua Transnistria. Khu vực này nhận khí đốt miễn phí từ Nga, sử dụng để sản xuất điện tại nhà máy Cuciurgan, sau đó bán lại cho Moldova. Tình huống càng phức tạp hơn khi lưới điện thời Liên Xô buộc ngay cả điện từ Romania cũng phải đi qua Ukraine và Transnistria trước khi đến Moldova.
Hiện tại, triển vọng năng lượng của Moldova rất ảm đạm. Transnistria đã phải cắt điện luân phiên và chuyển sang sử dụng than, nhưng trữ lượng than chỉ đủ dùng đến cuối tháng 2 năm nay. Khu vực này hiện chỉ sản xuất đủ điện cho nhu cầu nội địa, khiến phần còn lại của Moldova thiếu hụt năng lượng.
Chuyên gia Coffey lưu ý, mối lo ngại lớn nhất là nếu kinh tế Transnistria sụp đổ do thiếu doanh thu từ bán điện, có thể xảy ra làn sóng di cư hàng loạt vào Moldova và sau đó là Romania, do nhiều người Transnistria sở hữu nhiều hộ chiếu khác nhau. Điều này sẽ tạo áp lực lớn lên hệ thống dịch vụ công vốn đã quá tải của các nước này.
Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo arabnews.com)