Việc xác lập khuôn khổ này đã giúp tạo nền tảng và phương hướng quan trọng cho hợp tác song phương trong thời kỳ mới, với 4 trụ cột chính: Đẩy mạnh hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh; tăng cường kết nối kinh tế hướng tới phát triển bền vững; mở ra hợp tác trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, năng lượng sạch, công nghệ mới; tăng cường phối hợp về các vấn đề quốc tế, đa phương.
Khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện mở ra kỷ nguyên phát triển mới giữa Việt Nam - Malaysia. Tiếp thêm xung lực cho mối quan hệ đang được vun đắp hiệu quả giữa hai nước, từ ngày 24 - 28/5 Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ thăm chính thức Malaysia, tham dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 46 và các hội nghị cấp cao liên quan. Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur đã phỏng vấn các học giả Malaysia về quan hệ giữa hai nước.
Giáo sư, Tiến sỹ Awang Azman Awang Pawi, nhà phân tích chính trị xã hội, trường Đại học Malaya (Malaysia). Ảnh: Hằng Linh/TTXVN
Trong nhận định về triển vọng hợp tác giữa Malaysia và Việt Nam, Giáo sư Datuk Awang Azman Awang Pawi thuộc trường Đại học Malaya cho rằng, cả hai quốc gia đều đang phát triển nhanh chóng và giữ vai trò tích cực trong ASEAN, qua đó tạo nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy quan hệ song phương. Ông nhấn mạnh rằng hai nước có thể khai thác hiệu quả tiềm năng trong 4 lĩnh vực chủ chốt. Trước hết là kinh tế hàng hải và nghề cá, những ngành truyền thống, nhưng vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Tiếp theo là năng lượng xanh và công nghệ tái tạo, nơi Malaysia và Việt Nam có thể hợp tác phát triển các nguồn năng lượng sạch như Mặt Trời, gió và hydro, trong đó chuyển giao công nghệ được coi là trọng tâm của chương trình nghị sự.
Ngoài ra, ngành công nghiệp Halal và chế biến nông sản cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác, khi chứng nhận Halal toàn cầu của Malaysia có thể hỗ trợ Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các thị trường tiềm năng, đặc biệt là khu vực Trung Đông. Cuối cùng, trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu, kinh tế số và an ninh mạng trở thành lĩnh vực đầy triển vọng, với khả năng thu hút đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh.
Để nâng cao hiệu quả hợp tác và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác hiện có, Giáo sư Awang đề xuất 3 giải pháp cụ thể. Trước hết, hai bên cần thành lập các lực lượng đặc nhiệm song phương cấp cao với hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả (KPI) rõ ràng nhằm đảm bảo kết quả thực chất. Bên cạnh đó, việc mở rộng sự tham gia của khu vực tư nhân và các trường đại học vào các chương trình hợp tác đổi mới sẽ góp phần tạo động lực mới cho phát triển sáng tạo. Cuối cùng, việc tăng cường kết nối trong các thủ tục hậu cần và hải quan được xem là điều kiện then chốt để thúc đẩy giao thương, qua đó gia tăng khối lượng thương mại song phương một cách bền vững và hiệu quả.
Theo Giáo sư Yeah Kim Leng thuộc Đại học Sunway, cả Việt Nam và Malaysia đều đang hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch đầu tư theo chiến lược "Trung Quốc + 1", khi các doanh nghiệp quốc tế tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Việt Nam đã thu hút được lượng đầu tư đáng kể từ cả Trung Quốc và Mỹ nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi, lực lượng lao động dồi dào và môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện. Malaysia cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Giáo sư Yeah Kim Leng chỉ ra Malaysia đang có lợi thế rõ rệt trong việc thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là lĩnh vực điện tử cao cấp và các trung tâm dữ liệu. Không chỉ đón đầu xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Malaysia còn chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp nằm trong phạm trù Cách mạng công nghiệp 4.0. Nước này đã “trải thảm đỏ” cho các nhà đầu tư bằng cách đưa ra những chính sách ưu đãi hấp dẫn, trong đó có việc cung cấp cơ sở hạ tầng tốt, giá đất cạnh tranh và chi phí tiện ích thấp, những yếu tố then chốt tạo nên lợi thế so sánh vượt trội.
Giáo sư Yeah Kim Leng cũng nhấn mạnh rằng một phần thành công của Malaysia trong việc thu hút đầu tư vào các trung tâm dữ liệu còn đến từ "lãi suất bán dẫn điện tử", tức sự quan tâm đặc biệt của các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các công ty Mỹ, đối với sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại đây. Theo ông, điều này không chỉ là kết quả tất yếu của các điều kiện đầu tư thuận lợi mà còn phản ánh niềm tin chiến lược vào tiềm năng dài hạn của Malaysia như một trung tâm công nghệ cao trong khu vực.
Bàn về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia, Giáo sư Yeah Kim Leng nhấn mạnh đến khả năng hai nền kinh tế có thể bổ sung cho nhau một cách hài hòa, xét trên cấu trúc và trình độ phát triển kinh tế hiện nay. Theo ông, mặc dù Malaysia hiện đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, còn Việt Nam vẫn thuộc nhóm thu nhập trung bình, song điều đáng chú ý là nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ rất nhanh, đến mức tổng quy mô đã vượt qua Malaysia. Đây là tiền đề quan trọng để hai nước có thể mở rộng hợp tác một cách thực chất và cùng có lợi.
Xét về cơ hội thị trường, Giáo sư Yeah Kim Leng cho rằng điều quan trọng là hai nước cần tăng cường khả năng tiếp cận sản phẩm của nhau. Những sản phẩm mà Malaysia sản xuất nhưng chưa phổ biến ở Việt Nam có thể được xuất khẩu sang Việt Nam để lấp đầy khoảng trống thị trường và ngược lại. Mô hình bổ sung này không chỉ giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng khu vực, mà còn góp phần mở rộng không gian giao thương song phương, hướng tới sự cân bằng và hiệu quả hơn trong quan hệ thương mại.
Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn thừa nhận rằng trong một số lĩnh vực nhất định, hai nước có thể có các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp. Dẫu vậy, theo quan điểm của ông, cạnh tranh không phải là trở ngại mà trái lại, chính là động lực tích cực. Việc cùng cung ứng các sản phẩm tương đồng ra thị trường quốc tế sẽ tạo ra sự đa dạng trong lựa chọn cho người tiêu dùng, đồng thời cho thấy nhu cầu toàn cầu vẫn còn rất lớn và chưa được đáp ứng đầy đủ. Đó chính là cơ hội để cả hai quốc gia tiếp tục mở rộng thị phần, nâng cao năng lực sản xuất và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Giáo sư Yeah Kim Leng, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế tại Viện Jeffrey Cheah về Đông Nam Á, Đại học Sunway, Malaysia. Ảnh: Mạnh Tuân/TTXVN
Bên cạnh những lĩnh vực hợp tác kinh tế then chốt, Giáo sư Yeah Kim Leng cũng chỉ ra rằng còn nhiều không gian để Việt Nam và Malaysia học hỏi lẫn nhau, đặc biệt trong các lĩnh vực như du lịch, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và phát triển cơ sở hạ tầng. Những lĩnh vực này không chỉ là trụ cột của phát triển xã hội mà còn mở ra các cơ hội hợp tác sâu rộng thông qua các chương trình xúc tiến và hỗ trợ thương mại. Theo ông, việc tăng cường các hoạt động như vậy sẽ giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp hai bên trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư và mở rộng thị trường tại quốc gia đối tác, đồng thời thúc đẩy sự gắn kết ngày càng sâu sắc giữa cộng đồng doanh nhân và các ngành công nghiệp của cả hai nước.
Một điểm nhấn đáng chú ý trong nhận định của Giáo sư Yeah Kim Leng là tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số. Ông cho rằng cả Việt Nam và Malaysia đều đang dành sự quan tâm đặc biệt đến quá trình chuyển đổi số, xem đây là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế trong kỷ nguyên mới. Kinh tế số không chỉ giới hạn ở một vài ngành riêng biệt mà đang lan tỏa ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực, từ sản xuất, thương mại, tài chính đến dịch vụ công. Việc hai quốc gia có thể chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau về tốc độ và cách thức áp dụng công nghệ số, cũng như khả năng thích ứng với những thách thức đi kèm, sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự hợp tác ngày càng hiệu quả.
Giáo sư Yeah Kim Leng cũng nhấn mạnh rằng Kế hoạch Kinh tế số ASEAN, một sáng kiến đang được khu vực thúc đẩy mạnh mẽ, sẽ là khuôn khổ lý tưởng để Việt Nam và Malaysia tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này. Thông qua kế hoạch chung của ASEAN, hai quốc gia không chỉ có thể điều phối chính sách, đồng bộ hóa tiêu chuẩn, mà còn cùng nhau tận dụng các cơ hội do nền kinh tế số mang lại để vươn lên mạnh mẽ hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Đánh giá tổng thể về mối quan hệ Việt Nam – Malaysia, Giáo sư Yeah Kim Leng kết luận rằng điều cốt lõi và lâu dài chính là việc cả hai quốc gia cần tiếp tục tập trung vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao khả năng phục hồi trước những biến động toàn cầu. Theo ông, chỉ khi cả hai cùng củng cố được nội lực kinh tế và năng lực ứng phó, họ mới có thể mở rộng và làm sâu sắc thêm hợp tác song phương một cách hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại.
Giáo sư Yeah Kim Leng nhấn mạnh, đây không chỉ là lựa chọn mang tính chiến lược, mà còn là cơ hội thực sự để hai quốc gia mang lại lợi ích kinh tế cho nhau, thông qua việc tận dụng thế mạnh và khả năng bổ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển chung của khu vực. Trong bối cảnh ASEAN đang định hình lại vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu, sự phối hợp chặt chẽ giữa Việt Nam và Malaysia sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo ra những mắt xích vững chắc, linh hoạt và thích ứng cao, qua đó nâng cao vị thế của cả hai quốc gia trên trường quốc tế.
Trường Đại học Malaya, một trong những cơ sở giáo dục danh tiếng và lâu đời nhất của Malaysia cũng như khu vực Đông Nam Á, đã vinh dự đón tiếp Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyến thăm chính thức Malaysia vào tháng 11/2024. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư đã có bài phát biểu quan trọng tại Đại học Malaya, khẳng định vai trò của giáo dục trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia.
Đề cập đến vai trò của các trường đại học như Đại học Malaya trong việc củng cố quan hệ giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là với thế hệ trẻ, chuyên gia đối ngoại và an ninh Collins Chong Yew Keat, giảng viên tại Đại học Malaya nhấn mạnh, đây là một trụ cột vô cùng quan trọng. Ông khẳng định Đại học Malaya không chỉ là trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao mà còn là nơi khơi dậy và nuôi dưỡng tinh thần lãnh đạo, tư duy phản biện và năng lực hội nhập toàn cầu cho sinh viên. Sinh viên tại đây được trao quyền tự chủ trong học tập, được khuyến khích phát triển toàn diện, để khi tốt nghiệp có thể mang theo danh tiếng, thương hiệu và tinh thần của đây vươn xa không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn trên trường quốc tế.
Trong việc thúc đẩy mối quan hệ nhân dân giữa Việt Nam và Malaysia, Đại học Malaya đã triển khai nhiều chương trình thiết thực và phong phú. Các chương trình trao đổi sinh viên, giao lưu văn hóa, hợp tác học thuật từ cấp giáo sư đến sinh viên đã và đang trở thành cầu nối hiệu quả, giúp thế hệ trẻ hai nước hiểu nhau sâu sắc hơn, cùng nhau chia sẻ tri thức, giá trị và khát vọng chung về một tương lai khu vực thịnh vượng và bền vững. Những nỗ lực này không chỉ củng cố nền tảng quan hệ song phương mà còn mở ra những hướng đi mới trong hợp tác giáo dục, một trong những động lực bền vững cho sự phát triển chung của ASEAN.
Đại học Malaya khẳng định niềm tin mạnh mẽ rằng việc thúc đẩy quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Malaysia không chỉ nên giới hạn ở kênh chính thức giữa chính phủ hai nước, mà cần được mở rộng và nuôi dưỡng sâu sắc ở cấp độ xã hội. Theo Đại học Malaya, mối liên hệ nhân dân, nơi diễn ra sự giao lưu về văn hóa, sự thấu hiểu lịch sử và những khát vọng chung là nền tảng vững chắc cho sự hợp tác lâu dài và bền vững. Trong bối cảnh đó, giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, đóng vai trò như một trụ cột có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo điều kiện để mối quan hệ giữa hai nước phát triển theo chiều sâu.
Đại học Malaya kỳ vọng sẽ có thêm nhiều sinh viên Việt Nam đến trao đổi và học tập tại Malaysia, không chỉ để tiếp cận với nền giáo dục chất lượng cao, mà còn để trải nghiệm văn hóa bản địa, tăng cường sự gắn bó giữa thế hệ trẻ hai nước. Ngược lại, nhà trường cũng nỗ lực giúp sinh viên Malaysia hiểu biết sâu sắc hơn và trân trọng những nét đặc sắc trong văn hóa và ngôn ngữ của các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam. Với việc sở hữu khoa ngôn ngữ cùng các chương trình đào tạo bài bản, Đại học Malaya sẵn sàng làm cầu nối cho sự giao thoa văn hóa, góp phần hình thành một cộng đồng ASEAN đoàn kết và đa dạng.
Trường tin rằng chính các sinh viên, những người trẻ đang và sẽ góp mặt trong lực lượng lao động tương lai là nhân tố chủ chốt góp phần vào tiến trình phát triển quốc gia và khu vực. Họ không chỉ mang trong mình khát vọng cá nhân mà còn gánh vác sứ mệnh đóng góp cho sự tiến bộ chung. Thông qua các chương trình hợp tác giữa Đại học Malaya và các đối tác giáo dục tại Việt Nam, tiềm năng của sinh viên hai nước sẽ tiếp tục được bồi đắp và phát huy, góp phần xây dựng một thế hệ công dân toàn cầu đầy bản lĩnh, tri thức và trách nhiệm.
Hằng Linh (TTXVN)