Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, đề nghị huyện Võ Nhai quan tâm bảo vệ, chăm sóc để Khu di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm thành lập Cứu quốc quân II - rừng Khuôn Mánh phát huy tốt vai trò là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng.
Ký ức rừng thiêng
Sử sách kể lại, xưa kia, Khuôn Mánh là khoảng rừng rộng bao la, khắp nơi đều là những thân cây gỗ lớn vài người ôm không xuể. Tận dụng địa hình, du kích Bắc Sơn thường len lỏi dưới những tán rừng rậm, “móc nối” với các cơ sở đảng tại Võ Nhai rồi liên lạc với lực lượng cách mạng ở những địa phương khác. Bất chấp sự kìm kẹp của giặc Pháp và tay sai, nhiều người dân vùng Bắc Sơn, Võ Nhai vẫn một lòng theo cách mạng.
Ngược dòng lịch sử, sau cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940, thực dân Pháp điên cuồng khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng khiến cho Đội Cứu quốc quân I phải rút khỏi căn cứ để bảo toàn lực lượng, nhiều cơ sở đảng bị phá vỡ, phong trào cách mạng gặp khó khăn. Lúc đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, cùng Ban lãnh đạo cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai chủ trương khôi phục lại đội Cứu Quốc quân I để duy trì tiếng súng vũ trang Bắc Sơn, cổ vũ phong trào đấu tranh cách mạng.
Giữa vòng vây của thực dân Pháp và bộ máy cai trị của phong kiến tay sai, năm 1941, đội Cứu Quốc quân II được thành lập, đây là một trong những lực lượng tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sáng 15/9/1941, tại rừng Khuôn Mánh, đồng chí Hoàng Quốc Việt, thay mặt Trung ương Đảng tuyên bố thành lập Cứu Quốc quân II, giao cờ và nhiệm vụ cho Đội phải đấu tranh chống địch khủng bố, trừ gian, diệt phản động đầu sỏ, bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ căn cứ địa, củng cố và phát triển các đội tự vệ, duy trì tiếng súng đấu tranh võ trang để cổ vũ phong trào cách mạng của cả nước.
Ban Chỉ huy của Đội được chỉ định gồm ba đồng chí: Chu Văn Tấn, Chỉ huy trưởng; Nguyễn Cao Đàm, Chính trị viên chỉ đạo; Trần Văn Phấn, Chỉ huy phó. Đội Cứu quốc quân II ban đầu có 36 cán bộ chiến sĩ, vài ngày sau quân số đã lên tới 46 người, biên chế thành 5 tiểu đội. Đội được trang bị vũ khí thô sơ gồm: súng kíp, lưỡi lê, giáo mác...
Trang bị vũ khí thô sơ, điều kiện vật chất thiếu thốn nhưng với tinh thần yêu nước, dũng cảm quên mình, các chiến sĩ của Trung đội Cứu quốc quân II đã lập nhiều chiến công hiển hách như: Trận đánh ở Đèo Bắp - tiêu diệt tên Đức Phú phản động gian ác; trận đánh ở Mỏ Nùng (Lâu Hạ); trận đánh ở suối Bùn, xã Tràng Xá; trận ở Lân Han, trận ở cây đa La Hóa… Ngày 21/3/1945, Trung đội Cứu quốc quân II cùng với quần chúng nhân dân địa phương đánh chiếm châu lỵ La Hiên, thành lập chính quyền cách mạng huyện Võ Nhai - chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên tại Thái Nguyên.
Để Khuôn Mánh thành "địa chỉ đỏ"
Ngày nay, rừng Khuôn Mánh đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Di tích lịch sử Trung đội Cứu quốc quân II nằm tại xóm Đồng Ruộng, xã Tràng Xá, đã được đầu tư xây dựng, tôn tạo. Danh sách các chiến sĩ Trung đội Cứu quốc quân II được khắc trang trọng trên bia đá hoa cương giữa đại ngàn Khuôn Mánh, ghi đấu một sự kiện lịch sử quan trọng của Quân đội Nhân dân Việt Nam và của cả dân tộc.
Huyện Võ Nhai thường xuyên tổ chức đoàn dâng hương tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm thành lập Cứu quốc quân II - rừng Khuôn Mánh.
Tuy nhiên, có một khoảng thời gian, rừng Khuôn Mánh dường như bị lãng quên trong ký ức của nhiều người. Điều day dứt nhất vào năm 2016, rừng Khuôn Mánh đã bị tàn phá nghiêm trọng. Đồng chí Nông Quốc Chấn, Bí thư Chi bộ xóm Đồng Ruộng, nhớ lại: Do di tích nằm xa khu dân cư nên đến khi phát hiện, rất nhiều cây cối đã bị tàn phá. Cả một khuôn viên xanh tươi chỉ còn là đất trống, đồi trọc. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã cùng với bà con trong xóm trồng lại cây và phân công người canh gác, bảo vệ di tích. Đến khoảng 3-4 năm sau, khu rừng quanh di tích đã được trả lại màu xanh.
Từ quá khứ đến hiện tại, câu hỏi “Làm sao để phát huy giá trị di tích rừng Khuôn Mánh?” luôn là trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo huyện Võ Nhai. Ngay sau sự việc rừng Khuôn Mánh bị tàn phá, huyện Võ Nhai đã xin ý kiến UBND tỉnh và triển khai nhiều giải pháp bảo vệ rừng, khôi phục cây xanh. Đến năm 2022, huyện mở rộng, khoanh vùng khu bảo vệ di tích từ 1,7ha lên 5,5ha. Tuy nhiên, bài toán về phát huy giá trị vẫn để ngỏ vì di tích đã xuống cấp theo thời gian, lại thiếu vắng những dịch vụ thiết yếu để phát triển du lịch.
Đến năm 2024, Quân khu 1 quyết định đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử cấp Quốc gia Địa điểm nơi thành lập Đội Cứu quốc quân II, với tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng.
Theo Đại tá Ma Công Học, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Thời gian tới, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sẽ phối hợp với huyện Võ Nhai xây dựng kế hoạch sử dụng, bảo vệ và phát huy giá trị di tích theo hướng tổ chức các chuyến hành hương về nguồn; giáo dục lịch sử cho học sinh, sinh viên; tổ chức sinh hoạt đảng… tại rừng Khuôn Mánh. Qua đó, xây dựng nơi đây thành “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.
Mai An