Khuyến công Cà Mau không còn là trợ lực mà là động lực

Khuyến công Cà Mau không còn là trợ lực mà là động lực
8 giờ trướcBài gốc
Trong bối cảnh tái cơ cấu kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới, hoạt động khuyến công ngày càng khẳng định vai trò là động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn một cách bài bản và bền vững. Tại tỉnh Cà Mau cực Nam của Tổ quốc chương trình khuyến công đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông thôn đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ông Trần Hoàng Em - Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Cà Mau
Phóng viên Tạp chí Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hoàng Em -Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Cà Mau để hiểu rõ hơn về những thành quả đã đạt được trong năm 2024 cũng như định hướng triển khai trong năm 2025.
PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về những kết quả nổi bật trong hoạt động khuyến công của tỉnh Cà Mau trong năm vừa qua? Ông Trần Hoàng Em:
Năm 2024 là một năm nhiều nỗ lực và cũng rất đáng ghi nhận đối với hoạt động khuyến công tại tỉnh Cà Mau. Dưới sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh và Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công đã triển khai đồng bộ các chương trình, góp phần tích cực vào việc nâng cao năng lực sản xuất và giá trị gia tăng cho khu vực công nghiệp nông thôn.
Cụ thể, Trung tâm đã hỗ trợ xây dựng 01 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới, và thực hiện 04 đề án nhóm ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp cho 09 cơ sở, với tổng kinh phí trên 3,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách khuyến công hỗ trợ hơn 1,25 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của các doanh nghiệp.
Trung tâm Khuyến công tỉnh Cà Mau hỗ trợ Cơ sở sản xuất Bảy Hoàng thực hiện đề án nhóm “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất thực phẩm”
Thông qua các đề án này, chúng tôi đã giúp giải quyết việc làm cho 118 lao động địa phương, đồng thời giúp các cơ sở đổi mới công nghệ, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đây là những yếu tố then chốt để mở rộng thị trường và phát triển bền vững.
PV: Về đầu ra sản phẩm, khuyến công có đóng vai trò gì trong việc kết nối thị trường cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, thưa ông? Ông Trần Hoàng Em:
Rõ ràng, việc hỗ trợ kỹ thuật và tài chính là chưa đủ nếu không gắn với chiến lược phát triển thị trường. Do đó, Trung tâm cũng rất chú trọng các hoạt động xúc tiến thương mại. Trong năm 2024, chúng tôi đã hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm; thiết kế, in ấn các ấn phẩm giới thiệu sản phẩm; đồng thời tổ chức đoàn khảo sát học tập kinh nghiệm tại các địa phương có mô hình khuyến công hiệu quả.
Đặc biệt, tỉnh Cà Mau đã có 14 sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực. Đây là kết quả rất đáng khích lệ, cho thấy sức lan tỏa của chương trình khuyến công. Hầu hết các sản phẩm đạt chứng nhận đều có đầu ra ổn định, thậm chí một số đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài thông qua các hệ thống phân phối hiện đại.
PV: Vậy năm 2025, Trung tâm sẽ triển khai kế hoạch khuyến công như thế nào để tiếp tục phát huy hiệu quả chương trình? Ông Trần Hoàng Em:
Kế hoạch khuyến công năm 2025 của tỉnh đã được UBND phê duyệt tại Quyết định số 1637/QĐ-UBND ngày 15/8/2024, gồm 15 nhiệm vụ và đề án. Ngay từ đầu năm, Trung tâm đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai đồng loạt, đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 04 nhiệm vụ hoàn thành, bao gồm: Tổ chức 02 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; Duy trì và phát triển trang thông tin điện tử của Trung tâm; Tham gia hội chợ công nghiệp thương mại và sản phẩm OCOP tại tỉnh Tây Ninh; Thực hiện 03/12 kỳ phát sóng chuyên đề Công Thương năm 2025.
Trung tâm Khuyến công tỉnh Cà Mau hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm
Song song đó, chúng tôi đang tham mưu cho Sở Công Thương xây dựng Nghị quyết HĐND tỉnh quy định nội dung và mức chi cho hoạt động khuyến công, nhằm tạo hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng cho việc triển khai lâu dài.
PV: Đâu là các giải pháp cốt lõi để đảm bảo kế hoạch năm 2025 được thực hiện hiệu quả, thưa ông? Ông Trần Hoàng Em:
Chúng tôi xác định rõ một số giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, tăng cường giám sát, kiểm tra tiến độ các đề án, kịp thời đề xuất ngừng hoặc điều chỉnh những nội dung không phù hợp với thực tế hoặc vi phạm cam kết trong quá trình thực hiện.
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với đơn vị thụ hưởng để đảm bảo hồ sơ, thủ tục đầy đủ, đúng quy định; đảm bảo triển khai nhanh chóng, đúng tiến độ.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về vai trò của khuyến công. Khi các cơ sở CNNT hiểu rõ lợi ích từ chính sách hỗ trợ, họ sẽ chủ động đăng ký tham gia, đầu tư đổi mới công nghệ.
Cuối cùng, chúng tôi chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thông chuyên đề, sử dụng hình thức đa dạng, nội dung hấp dẫn, để tiếp cận sâu rộng với cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
PV: Ông kỳ vọng gì về vai trò của khuyến công trong tiến trình công nghiệp hóa nông thôn tại Cà Mau trong những năm tới? Ông Trần Hoàng Em:
Tôi cho rằng, khuyến công phải trở thành “đòn bẩy chiến lược” trong phát triển công nghiệp nông thôn, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi mô hình kinh tế và hội nhập thị trường quốc tế.
Chúng tôi kỳ vọng hoạt động khuyến công sẽ tiếp tục góp phần: “Tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp địa phương, đồng thời thúc đẩy xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, văn minh.”
Điều quan trọng nhất là tạo được hệ sinh thái công nghiệp nông thôn năng động, sáng tạo, nơi mà các cơ sở sản xuất không còn e ngại đầu tư, đổi mới công nghệ, mà thực sự dám nghĩ, dám làm và vươn xa.
PV: Trân trọng cảm ơn!
Minh Trí
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/khuyen-cong-ca-mau-khong-con-la-tro-luc-ma-la-dong-luc-142481.htm