Khuyến khích cộng đồng tham gia làm du lịch

Khuyến khích cộng đồng tham gia làm du lịch
7 giờ trướcBài gốc
A Lưới phát triển các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch
Du khách đến A Lưới ngày càng tăng
Nằm ở độ cao trung bình từ 600 - 800m so với mực nước biển, A Lưới có 100km đường Hồ Chí Minh huyền thoại đi qua, đường biên giới hơn 80km tiếp giáp với nước bạn Lào, qua 2 cửa khẩu Hồng Vân - Cô Tài và A Đớt - Tà Vàng.
Theo UBND huyện A Lưới, khách tham quan du lịch ngày càng tăng trong những năm gần đây. Đơn cử, năm 2023, tổng lượng khách đến A Lưới đạt 72.000 lượt. Trong đó, khách nội địa đạt 67.000, khách quốc tế trên 5.000 lượt. Khách lưu trú đạt 9.000 lượt. Thời gian lưu trú trung bình 1,5 ngày. Doanh thu đạt 36 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2024, tổng lượng khách đạt 75.000 lượt khách. Trong đó, khách nội địa đạt 70.000, khách quốc tế trên 5.000 lượt. Khách lưu trú đạt 10.000 lượt. Thời gian lưu trú trung bình 1,5 ngày. Ước doanh thu đạt 37,5 tỷ đồng.
Hiện nay, có khá nhiều chính sách mà người dân, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn A Lưới có thể tiếp cận để làm du lịch. Trong đó, những chính sách của Trung ương có thể kể đến như: Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững; CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; CTMTQG xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, phát triển du lịch nông nghiệp gắn với CTMTQG xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, sử dụng hiệu quả và phát huy giá trị truyền thống, gắn với môi trường sinh thái, tạo không gian đổi mới, sáng tạo, sản phẩm mới, xanh và bền vững, gắn với xu hướng tìm về thiên nhiên, trải nghiệm đang được các địa phương của huyện A Lưới tích cực triển khai.
CTMTQG phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch đã góp phần khôi phục, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời, từ sự hỗ trợ của CTMTQG này, nhiều điểm di tích đã được trùng tu, đảm bảo mối quan hệ hài hòa, giữa bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tạo điều kiện để cộng đồng làm du lịch
Chủ tịch UBND huyện A Lưới Hồ Đàm Giang khẳng định, huyện A Lưới tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch và đã được nhiều dự án của tổ chức chính phủ, phi chính phủ đầu tư, hỗ trợ đồng bào làm du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Song song đó, A Lưới cũng ban hành các nghị quyết, đề án về bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch.
Thời gian qua, UBND huyện đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn; ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch, các phương án hỗ trợ phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái và du lịch cộng đồng; chú trọng việc kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương cùng tham gia vào quá trình phát triển du lịch, tạo ra các chương trình hợp tác hiệu quả. Đồng thời, đầu tư vào hệ thống giao thông, tạo các tuyến đường kết nối đến các điểm du lịch chính và xây dựng hoặc nâng cấp các cơ sở lưu trú, nhà hàng, trung tâm thông tin du lịch.
Từ các nguồn vốn hỗ trợ, vốn của địa phương, A Lưới đã tập trung tôn tạo các điểm di tích lịch sử, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các điểm du lịch sinh thái và hỗ trợ bà con, thôn bản phát triển homestay, nghề truyền thống, như: dệt zèng, đan lát, nghề gốm, thủ công mỹ nghệ…; bảo tồn văn hóa kết hợp phát triển du lịch. Xây dựng quy chế phối hợp tổ chức hoạt động các điểm du lịch tại khu vực biên giới.
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức và tạo động lực, khuyến khích bà con làm du lịch. Bên cạnh đó, huyện cũng tranh thủ các nguồn dự án để phát triển du lịch trên địa bàn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án khởi nghiệp trong ngành du lịch, như các homestay, dịch vụ hướng dẫn viên, quảng bá sản phẩm địa phương.
Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và điểm đến là mục tiêu mà A Lưới đã và đang hướng đến. Đồng thời, kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch để phát triển thêm sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách...
Vừa qua, nhãn hiệu "Du lịch A Lưới" được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ đã giúp xây dựng thương hiệu điểm đến đối với du lịch A Lưới, đồng thời tạo dựng niềm tin đối với du khách sử dụng, trải nghiệm các sản phẩm và dịch vụ của địa phương.
Thời gian tới, huyện A Lưới tiếp tục xây dựng, hoàn thiện quy hoạch về phát triển du lịch; đẩy mạnh thu hút đầu tư, ưu tiên nguồn lực tập trung phát triển du lịch; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, phát triển du lịch gắn với sản phẩm nông nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ, tăng cường quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch và đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, khuyến khích, kêu gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp, cộng đồng tham gia phát triển du lịch.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/du-lich/khuyen-khich-cong-dong-tham-gia-lam-du-lich-153346.html