Thông tin trên được nêu tại Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện và điều chỉnh Quy hoạch điện VIII của Bộ Công Thương mới đây.
Các địa phương đề xuất bổ sung thêm dự án năng lượng tái tạo
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện đề xuất nâng công suất điện gió 600 MW (quy hoạch cũ là 400 MW) bởi tỉnh Quảng Ninh cho rằng có nhiều vị trí tiềm năng cho phát triển điện gió đã được đo đạc khảo sát. Ngoài ra, dự án điện khí LNG với công suất 1.500 MW đã khởi động năm 2021 đến nay đã hoàn thành, hiện tỉnh Quảng Ninh đang chờ định mức chi phí được ban hành (Fs).
Ưu tiên đưa vào quy hoạch các dự án dùng mặt hồ làm điện mặt trời (Ảnh minh họa)
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang cho biết, với hơn 200 km bờ biển, diện tích đất liền lớn so với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dân số gần 2 triệu người, Kiên Giang có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Do đó, Sở Công Thương Kiên Giang đề xuất Bộ Công Thương đưa vào quy hoạch thêm 20 MW điện rác, 1.600 MW điện gió.
Riêng điện mặt trời, Kiên Giang có nhiều diện tích nuôi tôm đã giao cho doanh nghiệp trên dưới 1.000 ha nhưng hiện chỉ nuôi tôm như vậy sẽ không phát huy hiệu quả, có doanh nghiệp đang xây dựng dự án để phát triển năng lượng mặt trời khoảng 1.000 MW, mong muốn được bổ sung vào quy hoạch của Kiên Giang.
Đối với Lâm Đồng, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Là tỉnh có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo, tỉnh đề xuất bổ sung thêm thủy điện tích năng trên lưu vực sông Đồng Nai. Ngoài ra, nhiều diện tích mặt hồ chưa đưa vào quy hoạch, do vậy Lâm Đồng đề xuất bổ sung đưa vào quy hoạch các dự án điện mặt trời trên mặt nước.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ Công Thương xem xét bổ sung thêm công suất điện rác 10 MW và 200 MW điện mặt trời. Hiện Thái Nguyên được phân bổ 52 MW điện mặt trời trong khi địa phương này có khoảng 6.000 diện tích mái khu công nghiệp.
Ngoài ra, các tỉnh Khánh Hòa, Lào Cai, Ninh Thuận, Hải Phòng, Gia Lai, Lạng Sơn… cũng đã đề xuất bổ sung thêm quy mô, công suất một số nguồn điện tái tạo, hỗ trợ nối lưới… dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương, đồng thời mong muốn Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII trong thời gian tới.
Mở tối đa điện rác và năng lượng mặt trời áp mái
Giải đáp vấn đề mở rộng điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp và điện mặt trời mặt hồ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long thông tin: Sau khi Nghị định số 135/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được ban hành, các dự án điện mặt trời áp mái ở các khu công nghiệp phát triển rất mạnh mẽ. Để có thể mở rộng hơn nữa đối tượng, phạm vi đối với điện mặt trời áp mái trong khu công nghiệp Bộ Công Thương đang xem xét nghiên cứu.
"Các địa phương nếu có mặt hồ, đặc biệt là mặt hồ thủy điện có sẵn có đường nối lưới sẽ được ưu tiên đưa vào ngay quy hoạch", Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay.
Đối với điện rác, Bộ Công Thương cho biết tinh thần chung sẽ mở ra tối đa quy hoạch cho các dự án điện rác, khi các địa phương có nhu cầu và đề xuất Bộ sẽ ủng hộ.
Thông tin thêm, ông Nguyễn Tuyển Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch và Quy hoạch, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) chia sẻ: Trước đây, theo Quy hoạch điện VIII, điện rác chỉ hơn 2.200 MW trên cả nước, trên cơ sở đó phân cho các địa phương với quy mô công suất giới hạn. Trong quá trình xây dựng điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, chúng tôi sẽ nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp với quy mô, quy hoạch nguồn rác thải tại địa phương, đồng thời đánh giá tác động lên lưới điện.
Theo cập nhật bổ sung danh mục dự án năng lượng tái tạo của Bộ Công Thương, hiện đang có 34 dự án điện xuất từ rác với công suất 621,1MW được đề xuất tại các địa phương.
Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2023 và phê duyệt kế hoạch thực hiện vào tháng 4/2024. Bộ Công Thương sẽ trình xem xét, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch điện VIII trước ngày 28/2/2025.
D.Q