Khuyến khích, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, làm giàu

Khuyến khích, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, làm giàu
6 giờ trướcBài gốc
Cuộc thi “Dự án, ý tưởng khởi nghiệp cho thanh niên, sinh viên tỉnh Sơn La” lần thứ VII, năm 2024.
Khai thác nguồn chuối tây dồi dào ở địa phương, tháng 10/2023, đoàn viên Quàng Thị Mai cùng với 10 hộ dân ở xã Tạ Bú, huyện Mường La đã thành lập HTX nông sản HT, chuyên chế biến các sản phẩm chuối sấy khô, sấy dẻo chất lượng cao, tạo thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Chị Mai chia sẻ: Toàn huyện có hơn 1.400 ha cây chuối tây, trước đó bà con chủ yếu bán quả tươi, hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, HTX đã đầu tư máy chiên, máy sấy công nghiệp, máy hút chân không, máy tách dầu ly tâm để phát triển các sản phẩm từ chuối. Hiện nay, mỗi ngày HTX thu mua 100 kg quả chuối tươi; sản xuất từ 20-30 kg chuối sấy khô, sấy dẻo, giá bán trung bình 100.000 đồng/kg. Trừ chi phí, thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. Hiện nay, HTX đang đăng ký sản phẩm chuối lắc phô mai xây dựng thành sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Thành viên HTX nông sản HT, xã Tạ Bú, huyện Mường La, giới thiệu sản phẩm chuối.
Còn tại huyện Yên Châu, tận dụng nguồn cá tự nhiên dồi dào tại địa phương, các đoàn viên Lừ Thị Hương, Lừ Thị Thanh, Lừ Thị Hiền, xã Chiềng Khoi, đã kết hợp với gia vị và cách chế biến truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, tạo ra sản phẩm cá chua độc đáo, mang hương vị ẩm thực đậm đà bản sắc dân tộc. Dự án “Chế biến và kinh doanh đặc sản cá chua Chiềng Khoi” đã đạt giải nhì Cuộc thi dự án ý tưởng, khởi nghiệp năm 2024, do Tỉnh đoàn tổ chức.
Chị Lừ Thị Hương cho biết: Sản phẩm cá chua Chiềng Khoi hiện đã có mặt tại một số cửa hàng. Hiện nay, nhóm đang hoàn thiện các thủ tục chứng nhận an toàn thực phẩm và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội, tiếp cận khách hàng trên toàn quốc. Bên cạnh đó, nhóm cũng sẽ đầu tư nhãn mác, truy xuất nguồn gốc để xây dựng thương hiệu và tăng uy tín với người tiêu dùng.
Sản phẩm đệm bông gạo truyền thống của Đoàn Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Thuận Châu.
Mạnh dạn khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch cộng đồng, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đoàn viên Giàng A Lứ, bản Chiềng Đi 2, huyện Vân Hồ, đã tạo ra các sản phẩm lưu niệm du lịch từ vải lanh truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.
Anh Lứ chia sẻ: Dự án “Khai thác sản phẩm vải lanh của dân tộc Mông tại địa phương làm sản phẩm lưu niệm du lịch”, với mong muốn giới thiệu nét đẹp văn hóa, con người và sản phẩm truyền thống của dân tộc Mông đến với du khách trong nước và quốc tế. Hiện tại, tôi đang sử dụng nguồn vốn từ tiền tiết kiệm của bản thân và nhân công là người thân trong gia đình tham gia sản xuất các sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng.
Trong 5 năm qua, để hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, các tổ chức Đoàn trong tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, đề án thiết thực; tổ chức các “Cuộc thi dự án ý tưởng, khởi nghiệp”, “Đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp”, “Tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”; duy trì hoạt động các câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp; tổ chức các hoạt động tập huấn, trang bị kiến thức về khởi nghiệp; khuyến khích thanh niên đề xuất ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp; hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ....
Lãnh đạo Tỉnh đoàn và Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sơn La trao hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các dự án, ý tưởng thanh niên khởi nghiệp.
Anh Lò Mạnh Cường, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: Từ năm 2019 đến nay, Tỉnh đoàn đã tổ chức 5 cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, thu hút hơn 2.000 thanh niên tham gia, trao giải cho 51 ý tưởng, dự án xuất sắc và hỗ trợ hiện thực hóa được 214 ý tưởng khởi nghiệp, với số tiền hỗ trợ trên 7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổ chức 67 hoạt động tập huấn, 89 hoạt động tư vấn trang bị kiến thức, kỹ năng cho thanh niên. Tổ chức 18 hoạt động kết nối các quỹ hỗ trợ, các nhà đầu tư đã được triển khai, mở ra cơ hội tiếp cận nguồn lực cho đoàn viên, thanh niên. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn luôn khuyến khích thanh niên đề xuất sáng kiến, giải pháp sáng tạo, với 3.520 sáng kiến đã được ghi nhận, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh còn có 204 đội trí thức trẻ tình nguyện hỗ trợ 25 mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và tổ chức 274 buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình mới vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp cho 3.356 thanh niên. Các tổ chức cơ sở đoàn đang quản lý trên 940 tổ vay vốn, với tổng dư nợ hơn 1.265 tỷ đồng cho hơn 29.000 đoàn viên, thanh niên vay vốn đầu tư phát triển kinh tế; nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn hỗ trợ 98 đoàn viên, thanh niên vay 878 triệu đồng để khởi nghiệp, lập nghiệp. Toàn tỉnh có 18 tổ hợp tác, 68 HTX thanh niên, 204 CLB thanh niên làm kinh tế giỏi.
Những mô hình khởi nghiệp của thanh niên Sơn La không chỉ góp phần phát triển kinh tế, gìn giữ bản sắc văn hóa mà còn thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ dám nghĩ dám làm, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Bài, ảnh: Phan Trang
Nguồn Sơn La : https://baosonla.org.vn/xa-hoi/khuyen-khich-ho-tro-thanh-nien-khoi-nghiep-lam-giau-0gpuXKSNg.html