Khoảng 5 năm nay, nhiều hộ dân là đồng bào Cơ tu ở các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng đầu tư trồng rừng, mang lại nguồn thu đáng kể, nhiều hộ thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn.
Ông Thiều Song, ở xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang trồng 10 ha keo. Vụ khai thác rừng năm nay, gia đình ông Thiều Song thu về 500 triệu đồng. Mới đây, ông Song tham gia chuyển đổi gần 2 ha cây keo qua trồng cây gỗ lớn, chủ yếu các loại cây sao đen, sưa đỏ, lát hoa.
“Ở đây, chủ yếu trồng cây keo là chính, cũng có hiệu quả kinh tế, vừa rồi tôi trồng gần 2 ha cây sao đen. UBND xã cũng như bộ phận Kiểm lâm động viên nhân dân trồng rừng gỗ lớn ở những vùng hay sạt lở ảnh hưởng đến vấn đề môi trường, tôi thấy trồng cây sao đen nói chung phát triển rất tốt. Cây sao đen lâu cho thu hoạch nhưng hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo vệ môi trường và chống được sạt lở. Ở xã Hòa Phú vừa rồi bà con đăng ký trồng cây sao đen rất nhiều. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ cây giống”.
Ông Thiều Song chuyển đổi 2 ha keo sang trồng rừng gỗ lớn
Gần 200 hộ đồng bào Cơ Tu ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang có cuộc sống khấm khá nhờ phát triển trồng rừng. Ông Đinh Văn Hinh, ở thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc cũng được chính quyền địa phương khuyến khích trồng rừng gỗ lớn. Ông cho hay, đồng bào Cơ Tu trước đây khó khăn lắm, tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ trồng rừng nên bà con đã có cuộc sống khấm khá hơn.
“Tôi đang trồng 4 ha rừng. Theo nghị quyết 254 của HĐND thành phố Đà Nẵng, chủ trương này đã triển khai và tôi sẽ đăng ký trồng rừng cây gỗ lớn. Cây gỗ lớn so với trồng cây keo thời gian dài hơn nhưng đạt hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Đại diện các đơn vị, địa phương và người dân tại lễ phát động trồng rừng gỗ lớn ở xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang
Huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp 58.000 ha, trong đó diện tích đất có rừng hơn 55.000 ha. Ngoài chính sách ưu đãi của nhà nước đối với bà con, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tốt nhất để người dân có điều kiện phát triển sản xuất. Nhiều hộ dân được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế hộ đã đầu tư vào trồng rừng, đời sống của bà con đã thay đổi rõ rệt. Mỗi vụ thu hoạch keo, có hộ thu về 200-300 triệu đồng.
Người dân Hòa Phú tham gia trồng rừng gỗ lớn
Theo ông Trương Thanh Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, từ khi có chính sách giao đất, giao rừng của nhà nước, bà con đã nhận đất và tích cực trồng rừng: “Trồng keo thì 4 năm là khai thác còn trồng rừng gỗ lớn 20 năm. Thành phố có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển mô hình cây dược liệu dưới tán rừng. Chúng tôi tuyên truyền theo hướng sau này họ hưởng lợi từ khai thác du lịch dưới tán rừng. Hiện nay, số bà con khó khăn chưa mạnh dạn trồng rừng gỗ lớn. Chỉ tiêu của chúng tôi là vận động dần dần, có nghĩa là họ có 5 ha thì vận động họ tham gia 2-3 ha, lấy ngắn nuôi dài để mạnh dạn chuyển đổi qua trồng rừng gỗ lớn”.
Khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn
UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn. Hiện nay, nhiều tổ chức, hộ gia đình đăng ký tham gia trồng rừng gỗ lớn với tổng diện tích 426 ha.
Ông Quách Hữu Sơn, Phó Chi Cục trưởng phụ trách, Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng cho biết: “Hiện nay, nhiều hộ dân ủng hộ chương trình trồng rừng gỗ lớn. Theo Nghị quyết 254, tiếp tục tuyên truyền, tham mưu cho UBND thành phố trình Hội đồng UBND thành phố theo trình tự quy đinh, có những gói tiền được chi trả nhanh hơn dịch chuyển qua trồng cây bản địa, tạo cho độ phát triển của rừng bền vững. Kinh phí hỗ trợ 800 đồng/ha, quy định trong vòng 10 năm mới được khai thác và hỗ trợ 1,2 triệu/ha với điều kiện chuyển mục đích loại cây”.
Tuyết Lê/VOV-Miền Trung