Khi các quan chức Mỹ tiếp xúc với nhóm nổi dậy đang nắm quyền tại Syria, họ không thể không nhớ lại một sự kiện “đau buồn” trong chính sách đối ngoại của Mỹ: Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan.
Ảnh: NY Times
Tuần trước, 3 nhà ngoại giao Mỹ đã gặp các lãnh đạo của Hayat Tahrir al-Sham, nhóm dẫn đầu phe đối lập tiến hành cuộc tấn công lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Mục tiêu của các quan chức Mỹ là thuyết phục HTS - nhóm vũ trang ban đầu là một nhánh của Al-Qaeda, cầm quyền ở Syria theo hướng ôn hòa.
Đó là hy vọng lớn nhất của Mỹ để ngăn Syria rơi vào vòng xoáy bạo lực và hỗn loạn mới. Nếu kịch bản này xảy ra, nó sẽ càng gây mất ổn định cho Trung Đông và tiếp tay cho các nhóm khủng bố chống Mỹ.
Bài học từ Afghanistan
Sau cuộc tiếp xúc ở Damascus, giới chức Mỹ cho hay, HTS cũng tỏ ra rất thực tế. Bà Barbara Leaf, quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách Trung Đông, cho biết lãnh đạo của nhóm này, Ahmed al-Shara, đã đưa ra những phát biểu ôn hòa về quyền lợi của phụ nữ và các nhóm thiểu số, đồng thời cam kết không để các nhóm khủng bố hoạt động trong lãnh thổ Syria.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ vẫn giữ thái độ cảnh giác với ông al-Shara. Họ lo ngại ông có thể chỉ đang nói những lời “đường mật” để giành sự ủng hộ quốc tế trong khi đang lên kế hoạch củng cố quyền lực và áp đặt luật Hồi giáo nghiêm ngặt, giống như những gì Taliban đã làm ở Afghanistan vào năm 2021.
Khi quân đội Mỹ chuẩn bị rút khỏi Afghanistan, các nhà đàm phán Mỹ đã tìm cách đưa Taliban vào một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với các phe phái khác và kêu gọi họ từ bỏ mục tiêu áp đặt luật Hồi giáo nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, những nỗ lực này đã thất bại. Sau khi Mỹ rút quân và Tổng thống Ashraf Ghani rời khỏi đất nước, Taliban nhanh chóng chiếm Kabul và kiểm soát Afghanistan. Lực lượng này ngay lập tức áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt trong đời sống hàng ngày, cấm âm nhạc, đóng cửa trường học cho nữ sinh, trừng phạt đối thủ chính trị và cấm phụ nữ xuất hiện ở hầu hết các địa điểm công cộng.
Biến cố này là điều mà quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Biden không thể quên.
“Có một bài học ở đó. Taliban đã cố gắng thể hiện một bộ mặt ôn hòa khi lên nắm quyền ở Afghanistan, và sau đó bản chất thật của họ đã lộ ra. Kết quả là cho đến nay, họ vẫn không được phần lớn thế giới công nhận”, Ngoại trưởng Antony Blinken phát biểu tại Hội đồng quan hệ đối ngoại ở New York tuần trước.
Ông Blinken cho rằng đây là bài học cho Hayat Tahrir al-Sham. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Mỹ cũng cần rút ra bài học từ chính thất bại của mình ở Afghanistan.
“Giới chức Mỹ nói rằng Taliban sẽ trở nên ôn hòa hơn vì họ muốn được quốc tế công nhận. Nhưng Washington đã không hiểu rằng điều mà Taliban tìm kiếm đầu tiên là quyền lực, giữ vững quyền lực đó là áp đặt luật Hồi giáo Sharia ở Afghanistan”, Bill Roggio, cựu binh sĩ Mỹ và biên tập viên của Tạp chí The Long War, bình luận.
Cùng ngày các quan chức Mỹ tới Damascus, Mỹ và nhiều quốc gia khác đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về việc Taliban gần đây cấm nữ giới theo học tại các trường y khoa. Tuyên bố cũng chỉ ra rằng một số nhóm khủng bố vẫn “trú ẩn an toàn” ở Afghanistan và có thể thực hiện các cuộc tấn công xuyên biên giới.
Chừng nào Taliban còn không cần đến sự công nhận và viện trợ của Mỹ, thậm chí không cần tiếp cận 10 tỷ USD dự trữ của ngân hàng trung ương Afghanistan đã bị Mỹ đóng băng, Washington sẽ khó có thể thay đổi hành vi của họ.
“Bài học từ Afghanistan là sức ép của phương Tây cũng chỉ có giới hạn”, Colin Clarke, giám đốc nghiên cứu tại The Soufan Group, một công ty tư vấn chuyên theo dõi khủng bố toàn cầu, cho biết.
HTS sẽ khác Taliban?
Ông Roggio cho rằng, hy vọng về một Taliban thực dụng hơn là “một trường hợp điển hình về sự tưởng tượng phương Tây” và cũng là điều mà ông cho là đang tái diễn ở Syria hiện nay.
“Chúng ta nghĩ rằng HTS đang muốn được công nhận là hợp pháp, rằng họ sẵn sàng ôn hòa để có được sự công nhận đó. Nhưng chúng ta cũng phải tính đến khả năng họ đang lừa chúng ta và chỉ nói những gì chúng ta muốn nghe”, ông Roggio bình luận.
Ông Roggio đặc biệt hoài nghi về việc ông al-Shara đã từ bỏ quan điểm của Al-Qaeda mà ông từng công khai ủng hộ. Là một cựu chiến binh Al-Qaeda ở Iraq, ông al-Shara đã lãnh đạo một nhóm nổi dậy ở Syria, ban đầu có tên là Mặt trận Nusra.
Sau khi thành lập nhóm Hayat Tahrir al-Sham vào năm 2017, ông al-Shara tuyên bố nhóm này không còn liên quan đến Al-Qaeda. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn liệt HTS vào danh sách tổ chức khủng bố, cảnh báo rằng, Washington sẽ không bị đánh lừa vì nỗ lực “tái xây dựng thương hiệu” của nhóm này.
Các quan chức Mỹ cảm thấy có chút an tâm khi nhìn vào cách HTS điều hành ở Idlib trước khi lật đổ chính quyền Assad và cũng không sử dụng chiến thuật khủng bố như đánh bom liều chết và không kêu gọi tấn công vào các quốc gia khác.
Sau chuyến thăm Damascus, bà Leaf cho biết Mỹ đã hủy khoản treo thưởng 10 triệu USD cho ai cung cấp thông tin dẫn tới việc bắt ông al-Shara, nhưng bà nhấn mạnh quyết định này không phải là phần thưởng cho hành động cụ thể nào của lãnh đạo HTS mà chỉ là một vấn đề thực tế.
Các quan chức Mỹ cho biết sẽ chỉ gỡ bỏ HTS khỏi danh sách khủng bố của Mỹ nếu nhóm này biến lời nói của họ thành hành động. Một phép thử quan trọng sẽ là liệu chính phủ mới của ông al-Shara có ngăn chặn các nhóm khủng bố lợi dụng Syria làm căn cứ hay không.
Đối với một số chuyên gia chính sách đối ngoại, bài học từ Taliban không phải là Mỹ nên giữ khoảng cách thận trọng, mà là Mỹ cần phải tham gia tích cực hơn vào Syria.
Zalmay Khalilzad, cựu đặc phái viên của Mỹ tại Afghanistan, cho rằng chính quyền Tổng thống Biden đã mắc sai lầm khi không liên lạc trực tiếp với Taliban sau khi lực lượng này trở lại nắm quyền. Theo ông, các quan chức Mỹ nên áp dụng cách tiếp cận tích cực hơn đối với Syria, và cuộc gặp tuần trước với ông al-Shara là một bước đi tích cực.
Ông cũng nhận định, đối với Mỹ, Syria có vai trò chiến lược quan trọng hơn Afghanistan, khiến việc tiếp xúc với giới cầm quyền mới ở Damascus trở nên cấp bách hơn.
Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng, mọi lời hứa hẹn cần có thời gian để kiểm chứng.
“Lời nói chẳng mất tiền mua. Vậy nên bất kể họ đã nói những gì, hãy nhìn vào hành động chứ đừng chỉ nghe lời nói”, nhà phân tích Clarke tại The Soufan Group nói về những cam kết của HTS.
Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo NY Times