Tại cuộc họp về kế hoạch cung cấp điện năm 2025 diễn ra vào sáng 14/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, năm 2024 đã đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Có được kết quả đó là nhờ dự báo đúng, trúng, chuẩn bị chu đáo, chỉ đạo kiên quyết, điều hành linh hoạt.
Theo Bộ trưởng, năm 2025, việc xây dựng kế hoạch cần nhìn nhận cái gì tác động đến sản xuất cung ứng điện. Cụ thể, cần xét đến yếu tố như tăng trưởng kinh tế dự kiến hơn 7 % thì tăng trưởng điện phải đạt từ 11% trở lên (kịch bản cơ sở), các tháng cao điểm mùa khô còn phải tăng cao hơn.
Với kịch bản cơ sở, tăng trưởng phụ tải đạt khoảng 11%.
Ngoài ra còn cần xem xét đến tăng trưởng nhu cầu điện năm 2025 và các yếu tố tác động như: Năm 2024, giải ngân của nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 40 tỷ USD điều này sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng nhanh, tăng cao năm 2025.
Ngoài ra, tăng trưởng điện còn có tác động từ chuyển dịch đầu tư rất mạnh trên thế giới; năm 2025 cũng sẽ có nhiều dự án trọng điểm quốc gia được hoàn thành, nhiều dự án được triển khai; tác động từ Luật Điện lực (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp này; tác động từ nhiều chính sách đã ban hành (cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế điện mặt trời áp mái...).
Trên cơ sở dự báo nhu cầu phụ tải, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) đã xây dựng 3 kịch bản với mức tăng trưởng điện sản xuất và nhập khẩu (SX&NK). Cụ thể, kịch bản 1 tăng trưởng 10,5%, đạt 342,3 tỷ kWh.
Kịch bản 2: Trên cơ sở thực tế 6 tháng đầu năm 2024, điện SX&NK toàn hệ thống đã đạt mức tăng trưởng 12,0% so với năm 2023. Do đó, căn cứ trên tốc độ tăng trưởng thực tế và có xét đến dự phòng, tính toán kịch bản với điện SX&NK năm 2025 tăng trưởng 13,3% so với năm 2024, đạt 351,0 tỷ kWh.
Kịch bản 3: Nhằm dự phòng cho trường hợp phụ tải tăng trưởng cực đoan, NSMO kiểm tra với kịch bản phụ tải tăng trưởng cao cực đoan để kiểm tra. Do đó NSMO tính toán kịch bản cực đoan với điện SX&NK năm 2025 tăng trưởng 14,3% so với năm 2024, đạt 354,0 tỷ kWh.
Đối với yếu tố đầu vào là thủy văn và mực nước, NSMO đã tính toán và kiểm tra việc đảm bảo cung ứng điện với 2 kịch bản lưu lượng nước về gồm: Kịch bản 1: Tần suất nước về các hồ thủy điện là 65% trong cả năm 2025; Kịch bản 2: Tần suất nước về 6 tháng đầu năm là 75%, riêng các hồ dãy sông Đà là 90%. Các tháng còn lại của năm 2025 tần suất 65%.
Nhiên liệu sơ cấp đáp ứng nhu cầu điện năm 2025, theo kế hoạch của các doanh nghiệp cung cấp nhiên liệu khí, khả năng cung cấp khí Đông Nam Bộ năm 2025 là 2,06 tỷ m3, tương đương 5,3 - 6,8 trm3/ngày; khí LNG là ~ 5,7 triệu m3/ngày; khả năng cấp khí PM3-CAA là 1,35 tỷ m3, tương đương 3,5 - 4,1 triệu m3/ngày. Than được cung cấp đủ nhu cầu vận hành.
Về tiến độ nguồn điện truyền thống (thủy điện, nhiệt điện) dự kiến bổ sung 4.081 MW mới từ nay đến hết năm 2025. Nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Lào: Tổng công suất nguồn nhập khẩu dự kiến vận hành từ nay đến hết năm 2025 là ~ 1.160 MW.
Công suất năng lượng tái tạo (NLTT) tăng thêm từ tháng 10/2024 đến hết ngày 31/12/2025 đạt ~ 1.177 MW. Căn cứ trên thực tế vận hành các nguồn điện NLTT những năm vừa qua, đồng thời xét đến tiến độ công trình mới lưới điện, khả năng hấp thụ của hệ thống theo các ràng buộc kỹ thuật, NSMO cân đối sản lượng của các nguồn NLTT (điện gió, mặt trời trang trại, và điện mặt trời mái nhà) dự kiến năm 2025 đạt 41,86 tỷ kWh, cao hơn 4,9 tỷ kWh so với kế hoạch vận hành năm 2024.
Bộ trưởng cho biết, Bộ đã xây dựng 3 kịch bản, nhưng lấy kịch bản cơ sở để điều hành với tăng trưởng phụ tải khoảng 11%, mùa khô tăng khoảng 12%.
Kế hoạch vận hành hệ thống và cung cấp điện năm 2025 cũng sẽ được rà soát, điều chỉnh hàng quý dựa trên sự điều hành hàng tháng theo hướng linh hoạt. Đi kèm kế hoạch cung cấp điện, sẽ có biểu đồ kế hoạch cung cấp than, khí.
D.Q