Kịch bản đầu tư Tổ hợp công nghiệp đường sắt hàng trăm tỷ USD

Kịch bản đầu tư Tổ hợp công nghiệp đường sắt hàng trăm tỷ USD
2 ngày trướcBài gốc
Đóng mới toa xe tại Nhà máy Xe lửa Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Ảnh: A.M
Rõ lộ trình
Chỉ một tháng rưỡi sau khi nhận được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có Tờ trình số 1641/TTr-ĐS gửi Bộ Tài chính xem xét, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Tổ hợp công nghiệp đường sắt.
Trước đó, tại Thông báo số 157/TB-VPCP ngày 5/4/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ động chủ trì, phối hợp với các đối tác có năng lực lập hồ sơ Dự án Tổ hợp công nghiệp đường sắt phục vụ các dự án đường sắt theo trình tự, thủ tục, quy định để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
UBND TP. Hà Nội được giao nghiên cứu xem xét quyết định theo thẩm quyền hướng dẫn, hoàn thiện các thủ tục để giao 250 ha đất tại huyện Phú Xuyên cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam theo quy định để nghiên cứu xây dựng Tổ hợp công nghiệp đường sắt.
“Quy mô đầu tư của hệ thống đường sắt trong thời gian tới là rất lớn, gồm: dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, các đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM, và các tuyến Lạng Sơn - Hà Nội, Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái... Đây là cơ hội để chúng ta làm chủ công nghệ, phát triển sản xuất công nghiệp đường sắt. Mục tiêu là đến năm 2030 - 2045 phải phát triển được công nghiệp đường sắt (làm chủ sản xuất toa xe, đầu máy và hệ sinh thái liên quan công nghiệp đường sắt)”, Thông báo số 157 nêu rõ.
Được biết, điểm nhấn quan trọng nhất tại Tờ trình số 1641 là việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị cấp có thẩm quyền giao Tổng công ty (hiện là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất phương tiện đường sắt.
Nhà nước sẽ đầu tư 100% vốn theo hình thức tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để xây dựng Tổ hợp công nghiệp đường sắt có diện tích khoảng 250 ha, tại huyện Phú Xuyên và huyện Ứng Hòa (TP. Hà Nội) và thực hiện mua sắm trang thiết bị để lắp ráp, sản xuất đầu máy, toa xe cho đường sắt có tốc độ dưới 200 km/h và hệ thống đường sắt đô thị.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, Tổ hợp có mục tiêu sản xuất trong nước và từng bước nội địa hóa linh kiện phần cứng, phần mềm về thông tin, tín hiệu và hệ thống cấp điện; làm chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì và từng bước sản xuất một số linh kiện, phụ tùng thay thế đối với đường sắt tốc độ cao; nhận chuyển giao công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị và sản xuất đầu máy, toa xe cho đường sắt quốc gia với tốc độ nhỏ hơn 200 km/h, đồng thời mua thiết kế và sản xuất đối với đường sắt đô thị.
Dự án cũng sẽ xây dựng phân khu chức năng thực hiện việc sửa chữa lớn đối với toàn bộ phương tiện, thiết bị đường sắt, trước mắt là đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị.
Cụ thể, đối với các tuyến đường sắt đô thị, các tuyến đường sắt mới, trong giai đoạn đầu (từ năm 2029 đến năm 2031), Tổ hợp công nghiệp đường sắt này sẽ lắp ráp đầu máy điện, đầu máy năng lượng sạch; sản xuất toa xe khách cho đường sắt tốc độ dưới 160 km/h; lắp ráp các đoàn tàu điện động lực phân tán (EMU) cho đường sắt đô thị; sản xuất toa xe hàng tốc độ 120 km/h cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Trong giai đoạn tiếp theo (từ năm 2032 đến năm 2035), Tổ hợp đặt mục tiêu làm chủ sản xuất đối với toa xe khách, toa xe hàng tốc độ dưới 160 km/h; lắp ráp đầu máy điện, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa lên 30%; sản xuất các vật tư, phụ tùng cho sửa chữa phương tiện, phụ kiện kết cấu hạ tầng, thông tin tín hiệu…
Đối với tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Tổ hợp sẽ tham gia lắp ráp các đoàn tàu EMU theo hợp đồng mua sắm và chuyển giao công nghệ. Đến năm 2035, làm chủ công nghệ lắp ráp và nâng dần tỷ lệ nội địa hóa lên 20%.
“Đích đến cuối cùng là đến giai đoạn 2040 - 2050, Tổ hợp phấn đấu làm chủ nội địa hóa đạt 80% đối với đoàn tàu EMU và sản xuất các vật tư, phụ tùng phục vụ khai thác, vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam”, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết.
Mũi đột phá của công nghiệp đường sắt
Theo đề xuất, Tổ hợp công nghiệp đường sắt sẽ là tổ hợp công trình đa chức năng, gồm nhà máy sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị, phụ tùng; trung tâm nghiên cứu; trung tâm sửa chữa, bảo trì; kết nối hạ tầng với tuyến đường sắt quốc gia và các công trình phụ trợ.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án Tổ hợp công nghiệp đường sắt là 17.509 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư công sẽ được dùng để xây dựng tuyến đường sắt kết nối với đường sắt quốc gia, hạ tầng kỹ thuật, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và các hạng mục được Nhà nước hỗ trợ; vốn nhà nước bổ sung vào doanh nghiệp sẽ dùng đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp và các hạng mục liên quan; đồng thời kêu gọi nhà đầu tư cùng tham gia và hợp tác kinh doanh.
Nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Dự án Tổ hợp công nghiệp đường sắt sẽ chuẩn bị đầu tư trong vòng 1 năm; triển khai xây dựng trong vòng 3 năm để kịp hoàn thành giai đoạn I vào năm 2029.
Ước tính, doanh thu mà tổ hợp này mang lại từ năm 2030 đến năm 2050 khoảng 228.102 tỷ đồng; lợi nhuận bình quân 1.141 tỷ đồng/năm, giúp Dự án có thể hoàn vốn trong 16 năm.
Tại Tờ trình số 1641, cùng với việc kiến nghị Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ để có nguồn lực xây dựng Tổ hợp công nghiệp đường sắt và cụm đổi mới sáng tạo đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam còn kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép một số cơ chế, chính sách đặc thù.
Một là, bổ sung các sản phẩm, vật tư, thiết bị, sản phẩm láp ráp, chế tạo đầu máy, toa xe (bao gồm cả đầu máy điện khí hóa, toa xe EMU, đoàn tàu tốc độ cao) thuộc công nghiệp đường sắt cần ưu tiên vào danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm trong chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam làm cơ sở được hưởng các chính sách ưu đãi.
Hai là, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tham gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ, tạo thành hệ sinh thái công nghiệp đường sắt.
Ba là, bổ sung Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao là máy móc, thiết bị chuyên dụng, công nghệ trong phát triển công nghiệp đường sắt (dây chuyền công nghệ, công nghệ chế tạo vật tư, phụ tùng) phục vụ đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, đường sắt điện khí hóa.
Bốn là, đưa các sản phẩm công nghệ cao thuộc công nghiệp đường sắt vào danh mục công nghệ cao được ưu tiên để đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển công nghệ trong lĩnh vực đường sắt, phục vụ các dự án mới.
“Đây là những điều kiện quan trọng để đảm bảo tính khả thi cho Dự án Tổ hợp công nghiệp đường sắt”, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết.
Cần phải nói thêm rằng, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện bước đầu Dự thảo Đề án Định hướng phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để xin ý kiến các bộ, ngành liên quan.
Theo tính toán, đến năm 2050, định hướng các hoạt động cải tạo, nâng cấp, xây dựng đường sắt, bao gồm cả đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, ước đạt tổng giá trị khoảng 275 tỷ USD.
Đây là thị trường khổng lồ để công nghiệp đường sắt trong nước phát triển đồng bộ cả 5 hạng mục công việc, gồm tư vấn, thiết kế và quản lý dự án; nhóm công nghiệp xây dựng công trình đường sắt; nhóm công nghiệp thông tin, tín hiệu đường sắt; nhóm công nghiệp đầu máy, toa xe, phụ tùng, phụ kiện; nhóm công nghiệp về hệ thống điện sức kéo…
“Trong bối cảnh ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam mới chỉ đáp ứng nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa với công nghệ cũ, để đạt được mục tiêu đến năm 2030-2045 phát triển được công nghiệp sản xuất toa xe, đầu máy và hệ sinh thái liên quan công nghiệp đường sắt…, thì Dự án Tổ hợp công nghiệp đường sắt chính là cú hích quan trọng, tạo tiền đề để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào thị trường quan trọng này”, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết.
Anh Minh
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/kich-ban-dau-tu-to-hop-cong-nghiep-duong-sat-hang-tram-ty-usd-d289588.html