Kịch bản nào cho Honda và Nissan nếu sáp nhập đổ bể

Kịch bản nào cho Honda và Nissan nếu sáp nhập đổ bể
4 giờ trướcBài gốc
Honda có nhiều sản phẩm ô tô thích ứng với thị hiếu hơn so với Nissan. Ảnh: Hoàng Linh.
Động thái trên diễn ra sau khi Chủ tịch Nissan Uchida Makoto gặp gỡ Chủ tịch Honda Motor Mibe Toshihiro để thông báo về quyết định dừng đàm phán với lý do có những khác biệt không thể xử lý được. Các nguồn tin cũng cho biết, Honda - với quy mô thị trường lớn gấp 5 lần đối tác - muốn Nissan trở thành một công ty con của mình nhưng ý tưởng này bị Nissan phản đối.
Sự phản đối này dễ hiểu. Bên cạnh vấn đề quyền kiểm soát, Nissan cũng là hãng xe lớn lâu đời của Nhật Bản. Việc trở thành công ty con của đối thủ sẽ ảnh hưởng đến niềm tự hào cũng như cá tính của sản phẩm - vốn là thế mạnh của Nissan. Dù vậy, việc chấm dứt đàm phán và rút khỏi bản ghi nhớ (MOU) với Honda sẽ khiến hãng thiệt hại khoảng 100 tỷ yên – tương đương 657 triệu USD.
Khi "đường ai nấy đi", Nissan hiển nhiên đang ở tình thế khó khăn hơn, với lợi nhuận ròng giảm hơn 90% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9-2024. Hãng cũng đang phải cắt giảm nhân sự tại Mỹ và Thái Lan, hướng đến mục tiêu giảm 9.000 vị trí việc làm và 20% năng suất toàn cầu. Trong bối cảnh đó, đợt “khủng hoảng 3.0”, theo cách gọi của giới chuyên môn, sẽ đe dọa đáng kể sự tồn tại của hãng. Cuối năm 2024, một lãnh đạo cấp cao của Nissan từng chia sẻ, hãng chỉ đủ sức tồn tại “từ 12 đến 14 tháng”.
Ariya - một trong những mẫu xe điện bán chạy của Nissan tại Bắc Mỹ. Ảnh: Hoàng Linh.
Lúc này mọi con mắt đều đổ dồn vào động thái tiếp theo của Foxconn (Hon Hai Precision Industry) của Đài Loan (Trung Quốc). Quyết định của Nissan đã mở lại cánh cửa cơ hội cho ông lớn điện tử Foxconn , vốn đang tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực ô tô. Lâu nay, Foxconn thường gia công thiết bị điện tử tiêu dùng cho các đối tác - trong đó có Apple iPhone, nhưng gần đây đã giới thiệu một số thiết kế ô tô điện.
Thực tế, những thông tin về việc Foxconn từng tiếp cận Renault SA (một phần trong liên minh Nissan-Renault-Mitsubishi) để tìm kiếm cơ hội thâu tóm cổ phiếu của Nissan cũng đã xuất hiện nhiều lần, được cho là một động lực thúc đẩy tiến trình đàm phán sáp nhập Nissan-Honda thời gian qua.
Ngoài Foxconn, một số nhà sản xuất ô tô Trung Quốc như Nio, Xpeng Motors, BYD, đều quan tâm đến Nissan - cánh cửa cho phép các hãng thâm nhập thị trường Mỹ ngày càng nhiều trở ngại dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Một số nguồn tin của Bloomberg cũng cho biết, Nissan đang tìm kiếm quan hệ đối tác với “một công ty công nghệ có trụ sở tại Mỹ”. Điều này có vẻ hợp lý, bởi Mỹ đang là thị trường lớn nhất của Nissan, dù việc người tiêu dùng Xứ Cờ hoa đang có xu hướng ưa chuộng xe điện và xe với khả năng tự hành cao không tạo ra lợi thế lúc này.
Tuy nhiên, mọi mối lương duyên đều chưa thể chắc chắn, bởi trong con mắt các chuyên gia Nissan được cho là một đối tác không dễ hợp tác. Một ví dụ là việc Renault tuy đã “giải cứu” Nissan thành công vào năm 1999 nhưng mối quan hệ hợp tác ngày càng đi xuống do không vượt qua được những khác biệt về văn hóa.
Một mẫu xe điện "kei-car" của Honda tại triển lãm Di chuyển Nhật Bản (JMS) năm 2023. Ảnh: Hoàng Linh.
Về phần mình, Honda tuy trước mắt nhiều áp lực lớn, nhưng vẫn còn nhiều lối đi có thể chọn. Lợi thế đa ngành, đa sản phẩm của nhà sản xuất này giúp họ dễ dàng cân bằng trước khó khăn.
Doanh số ô tô toàn cầu năm 2024 của hãng đạt 3,8 triệu xe, giảm 4,6% so với năm 2023, thấp hơn khoảng 4 triệu xe của công ty Trung Quốc BYD. Điều này một phần do doanh số ô tô của Honda tại Trung Quốc trong cùng kỳ suy giảm tới 30,9%, xuống còn 850.000 chiếc.
Bù lại, lợi nhuận từ mảng xe máy của Honda đang rất ấn tượng, lên tới 556,2 tỷ yên trong tài khóa năm 2024 (kết thúc vào tháng 4-2024) và đang hướng đến lập kỷ lục mới trong tài khóa năm 2025 với doanh số ước tính 20,2 triệu xe (tương ứng 40% thị phần toàn cầu). Năm 2024 cũng đã chứng kiến lượng xe máy Honda tiêu thụ cao chưa từng thấy tại 37 quốc gia.
Với thành tích ấn tượng như vậy, trong con mắt của giới đầu tư vào Honda lúc này, việc phải “đèo bòng” thêm Nissan không phải là ý tưởng hay. Tâm lý này phản ánh qua việc cổ phiếu Honda liên tục tăng sau khi thông tin hủy bỏ đàm phán sáp nhập được công bố.
Nhìn chung, trong bối cảnh mới, mỗi hãng xe sẽ phải tự xác định lối đi phù hợp để có thể tăng trưởng giữa muôn vàn khó khăn trong một ngành công nghiệp ô tô đang chuyển mình nhanh chưa từng thấy.
Nguyễn Thúc Hoàng Linh
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/kich-ban-nao-cho-honda-va-nissan-neu-sap-nhap-do-be-692681.html